Tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ sụt giảm đều đặn trong những quý tới sau khi đạt mức cao nhất trong một quý trong vòng bốn năm trong quý hai năm nay, theo một cuộc vấn ý các kinh tế gia của hãng tin Reuters.
Theo các nhà kinh tế này, thì cuộc chiến mậu dịch của ông Trump sẽ bắt đầu phát huy tác hại trong thời gian tới.
Được xốc lên một phần nhờ vào gói giảm thuế trị giá 1.500 tỷ đô la hồi cuối năm ngoái, kinh tế Mỹ đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái – sự thể hiện tốt nhất trong gần bốn năm.
Tuy nhiên, cuộc thăm dò ý kiến mới nhất với 100 nhà kinh tế học được thực hiện từ ngày 13 đến ngày 21/8 cho thấy họ tin rằng kinh tế Mỹ sẽ mất thời cơ và sẽ tăng trưởng chưa tới phân nửa tỷ lệ đó vào cuối năm sau.
Trước đó, các con số thống kê dự đoán kinh tế Mỹ trong quý 3 năm nay chỉ còn tăng 3% và sẽ tiếp tục giảm xuống 2,7% vào quý cuối cùng của năm 2018.
Tác động tích cực đối với tăng trưởng trong ngắn hạn của gói giảm thuế hồi năm ngoái được dự đoán sẽ bị xói mòn. Các nhà kinh tế đã hạ dự đoán của họ về tốc độ tăng trưởng trong toàn bộ các quý trong năm ngoái khiến triển vọng kinh tế Mỹ nhìn chung không thay đổi nhưng lại dễ bị tổn thương trong cuộc chiến mậu dịch với Trung Quốc.
“Các biện pháp bảo hộ mà Mỹ thực hiện cho đến nay và các biện pháp trả đũa của các nước nhiều khả năng sẽ làm giảm tăng trưởng không bao nhiêu,” ông Philip Marey, một chiến lược gia cấp cao tại Rabobank, được Reuters dẫn lời nói.
“Tuy nhiên, điều đó sẽ thay đổi trong trường hợp chiến tranh thương mại toàn cầu với một loạt các nước cùng nhau áp dụng các biện pháp bảo hộ nhắm vào Mỹ,” ông nói thêm.
Mặc dù Tổng thống Donald Trump nói những biện pháp thuế quan này sẽ có ích cho kinh tế Mỹ, không có bất kỳ nhà kinh tế nào được tham vấn chia sẻ suy nghĩ này.
Cho đến nay, tất cả các sắc thuế mà Mỹ áp đặt đều chỉ hạn chế ở các sản phẩm máy móc, linh kiện điện tử và các hàng hóa trung gian của Trung Quốc – vốn chỉ có tác động không nhiều đối với kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, vòng đánh thuế tiếp theo dự kiến vào cuối tháng Chín là nhằm vào các sản phẩm tiêu dùng mà người Mỹ sử dụng hàng ngày và nhiều khả năng sẽ khiến người Mỹ thắt chặt chi tiêu và có tác động tiêu cực đối với nền kinh tế nói chung do chi tiêu của người tiêu dùng đóng góp trên 2/3 tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ.
Mặc dù tất cả các kinh tế gia được vấn ý đều tin rằng kinh tế Mỹ sẽ giảm xuống kể từ năm tới chỉ có một người dự đoán rằng Mỹ sẽ bước vào suy thoái vào năm 2020.
Theo kết quả cuộc vấn ý này, xác suất Mỹ bị suy thoái trong vòng hai năm tới là 1/3, giảm hơn một chút so với xác suất 35% trong cuộc thăm dò lần trước.
Tuy nhiên, các dấu hiệu trên thị trường trái phiếu lại cho thấy hoàn toàn khác. Biểu đồ lãi suất trái phiếu – được tính bằng khoảng cách lãi suất giữa trái phiếu Bộ Tài chính có kỳ hạn hai năm và trái phiếu có kỳ hạn 10 năm – hiện giờ chỉ có 23 điểm cơ bản (tương đương 0,23% - một điểm cơ bản là 0,01%) – mức thấp nhất kể từ trước khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008.
Điều này cho thấy đường lãi suất trái phiếu sắp sửa đảo chiều và rơi xuống mức âm. Trong sáu lần suy thoái trước đây của kinh tế Mỹ thì đã có năm lần đường lãi suất trái phiếu đã đảo chiều như vậy.
Trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh thương mại, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vẫn được cho là tăng lãi suất lên 25 điểm cơ bản (tức 0,25%) vào tháng Chín, khiến lãi suất của Fed tăng lên 2,50% từ mức 2,25% cho đến cuối năm nay.
Trước đó, ông Trump đã phàn nàn rằng với việc tăng lãi suất, Fed đã không hỗ trợ gì cho ông trong cuộc chiến thương mại.
Tuy nhiên, vào năm tới, các kinh tế gia dự đoán sẽ chỉ có hai đợt tăng lãi suất so với ba đợt do chính ngân hàng trung ương Mỹ dự báo.