Các kinh tế gia Mỹ đang quan ngại về những rủi ro từ một số chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump do lo sợ rằng các biện pháp thuế quan của ông và mức thâm hụt ngân sách cao cuối cùng cũng sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế.
Hơn 90% các nhà kinh tế được Hiệp hội Quốc gia về Kinh tế học Doanh nghiệp (NABE) vấn ý đều nói rằng họ nghĩ các chính sách thuế quan hiện tại và những lời đe dọa áp thuế mới của chính quyền Trump sẽ làm tổn hại đến nền kinh tế.
Kết quả khảo sát này được công bố trong một báo cáo hôm thứ Hai ngày 20/8, hãng thông tấn AP đưa tin.
Chính quyền Trump đã áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ nhiều đối tác thương mại chính của Mỹ - từ Trung Quốc, châu Âu, Canada cho tới Mexico. Các quan chức chính quyền Trump cho rằng những mức thuế quan này sẽ giúp được Mỹ đạt được những điều khoản giao thương có lợi hơn. Nhưng đồng thời, những nước bị Trump đánh thuế cũng áp thuế trả đũa Mỹ.
Bảy trong số mười kinh tế gia được NABE vấn ý cho rằng biện pháp cắt giảm thuế của ông Trump là ‘kích thích quá mức’ do nó dẫn đến gánh nặng nợ công tăng nhanh.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế này cũng cho rằng họ hình dung các chính sách kinh tế của ông Trump là nhằm để thúc đẩy kinh tế Mỹ. Chẳng hạn như 80% những người được NABE hỏi nói rằng những nỗ lực của chính quyền nới lỏng các quy định kinh doanh sẽ giúp củng cố tăng trưởng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, những kinh tế gia được vấn ý cũng cho rằng gói cắt giảm thuế trị giá 1.500 tỷ đô la cho một thập niên tới sẽ đưa tới thâm hụt ngân sách cao hơn và sự thâm hụt này cần phải được giảm bớt. Mặc dù họ cho rằng việc giảm thuế sẽ tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế trong năm nay, 62% trong số họ dự báo rằng mức thuế thấp cũng chỉ đẩy tốc độ tăng trưởng hàng năm lên trung bình 0,1% hoặc thấp hơn hơn từ nay cho đến năm 2027.
Về việc giảm các quy định, hầu hết các kinh tế gia nhận định rằng trong ngắn hạn thì việc này có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng nhưng về lâu dài thì nó sẽ gây hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế.
Hơn nữa, 60% trong số họ nói rằng các chính sách kinh tế của chính quyền nên làm nhiều hơn nữa để đối phó với biến đổi khí hậu. Hồi năm ngoái ông Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Paris về cắt giảm khí thải.
Nhìn tổng thể thì kết quả của cuộc vấn ý này có thể xem là sự khiển trách đối với cách tiếp cận nói chung của chính quyền Trump đối với nền kinh tế.
Trong khi đó, chính quyền Trump đã ca ngợi kinh tế tăng trưởng nhanh hơn như là dấu hiệu cho thấy khởi đầu của sự bùng nổ kinh tế mạnh mẽ và kéo dài. Các quan chức của ông Trump cũng mô tả doanh số bán lẻ bật lên và lòng tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ được cải thiện trong các cuộc khảo sát là bằng chứng kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.