Đường dẫn truy cập

Khó khăn vì dịch, Trung Quốc có ‘xù’ thỏa thuận thương mại?


Các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc
Các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc

Trung Quốc khó lòng giữ đúng lời hứa mua một số lượng lớn hàng hóa của Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã khiến nền kinh tế của họ bị suy giảm nặng nề, các nhà quan sát cho biết, mặc dù các quan chức Trung Quốc công khai tuyên bố họ vẫn giữ nguyên cam kết.

Trong cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi cuối tuần trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer ‘cam kết sẽ thực hiện thỏa thuận thương mại’, Tân Hoa Xã đưa tin.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ xé bỏ thỏa thuận giai đoạn 1 nếu Trung Quốc không tuân thủ các điều khoản, bao gồm mua 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Ngoài ra, ông còn dọa sẽ đánh thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc để trừng phạt nước này vì cái mà ông gọi là ‘đưa thông tin sai và xử lý tệ dịch Covid-19’.

Tuy nhiên, một kinh tế gia nói với VOA rằng nếu Mỹ đánh thêm thuế Trung Quốc vào lúc này thì không những Trung Quốc bị thiệt hại mà bản thân Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Còn lâu mới đạt được mục tiêu?

Dữ liệu thương mại được công bố trong tuần trước được tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lại cho thấy Trung Quốc còn lâu mới đạt được các mục tiêu nhập khẩu khi mà đại dịch đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng ở cả hai nước.

Theo tờ báo này thì Trung Quốc đã thực hiện nhiều bước kể từ tháng 1 để mở cửa thị trường cho các sản phẩm của Mỹ, bao gồm dỡ bỏ lệnh cấm đối với thức ăn gia súc, khoai tây, sữa công thức, thịt gia cầm và thịt bò. Họ đã thu hồi lại một số mức thuế quan và mở ra một quy trình miễn trừ thuế quan, trong khi tiếp tục mua thịt lợn, cao lương, ngô và đậu nành của Mỹ hồi tháng Hai.

Tuy nhiên, họ vẫn chưa tiến gần đến lượng mua lớn mà họ đã cam kết vào tháng Giêng. Theo đó, Trung Quốc sẽ phải mua thêm 76,7 tỷ đô la hàng hóa được chỉ định của Mỹ trong năm nay, nhưng kể từ đầu năm, hàng nhập khẩu của họ từ Mỹ đã thực sự giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Trung Quốc đã giảm 11,1% trong tháng Tư, dữ liệu hải quan cho thấy, và giảm đến 85,5% trong tháng Ba. Do Trung Quốc đã mua ít hơn rất nhiều hàng hóa Mỹ vào năm 2019 so với năm 2017, họ còn lâu mới đi gần đến đạt được mục tiêu cam kết.

Các nhà kinh tế của Bloomberg ước tính rằng trong các mục tiêu mà Trung Quốc phải đáp ứng trong thỏa thuận giai đoạn 1, họ đã nhập khẩu chỉ có 14,4 tỷ đô la trong quý đầu tiên, thấp hơn so với mức 16 tỷ đô la Mỹ trong quý đầu tiên của năm 2019 và thấp hơn mức 34 tỷ đô la theo yêu cầu của thỏa thuận.

Giá dầu thế giới lao dốc càng khiến tình hình tồi tệ hơn. Theo thỏa thuận giai đoạn 1, Trung Quốc hứa tăng mua sản phẩm năng lượng của Hoa Kỳ thêm 33,9 tỷ đô la trong năm nay và thêm 44,8 tỷ đô la vào năm 2021, bao gồm khí tự nhiên, dầu thô, dầu tinh chế và than đá.

Tuy nhiên, trong quý đầu tiên, Trung Quốc chỉ nhập khẩu từ Mỹ dầu và các loại nhiên liệu khác trị giá 114 triệu đô la Mỹ, tức chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Trong cùng thời gian đó, họ đã mua 11,3 tỷ đô la các sản phẩm năng lượng của Nga và 10,7 tỷ đô la từ Ả Rập Xê-út.

‘Muốn giữ thỏa thuận’

Mặc dù mua hàng ít hơn cam kết, nhưng một số quan chức Trung Quốc khẳng định rằng nước này vẫn muốn giữ thỏa thuận với phía Mỹ để tránh leo thang chiến tranh thương mại một lần nữa.

“Trung Quốc chắc chắn đang cố gắng tránh leo thang cuộc chiến thương mại, công nghệ hay tài chính,” ông Jian Chang, kinh tế gia trưởng về Trung Quốc thuộc Ngân hàng Barclays ở Hong Kong, được SCMP dẫn lời nói. “Nếu Trung Quốc được đảm bảo từ phía Mỹ rằng điều tồi tệ nhất sẽ không xảy ra, họ có thể trấn an Mỹ rằng họ vẫn giữ đúng các cam kết mua thêm hàng hóa.”

“Chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước mua thêm các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng đã được đề xuất như là một phương cách để Trung Quốc nghiên cứu,” một quan chức chính phủ giấu tên của Trung Quốc am tường về quá trình đàm phán được SCMP dẫn lời nói.

Một cố vấn của chính phủ Trung Quốc cho biết thỏa thuận thương mại ‘tự nó rất mong manh’ vì Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc tuân thủ các cam kết mua hàng hóa của Mỹ và đặt câu hỏi liệu các công ty nhà nước có đủ khả năng để thực hiện các cam kết này hay không.

“Ai sẽ mua? Ai sẽ dự trữ hàng hóa này? Quốc gia hay các công ty? Rồi sau đó để cho hàng hóa hư thối trong kho? Đó không phải là cách làm của các doanh nghiệp,” vị cố vấn chính phủ này nói với SCMP với điều kiện giấu tên do tính chất nhạy cảm của vấn đề.

Nhiều người trong cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ dự đoán rằng Trung Quốc sẽ trì hoãn một số cam kết mua hàng cho đến năm 2021.

“Không thể nào rút khỏi thỏa thuận, nhưng đàm phán lại lại là điều hợp lý,” một cố vấn khác của chính phủ Trung Quốc nói.

“Chẳng hạn, giá dầu thô đã giảm hơn một nửa, cho nên cho dù chúng tôi mua nhiều bao nhiêu đi nữa thì vẫn không thể đáp ứng các cam kết,” người này nói với SCMP.

Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung trong một tuyên bố hồi tuần trước kêu gọi thực hiện đầy đủ thỏa thuận.

Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng ‘chỉ với hai tháng thực thi thỏa thuận cho đến nay, không có đủ thời gian để đánh giá việc thực hiện của Trung Quốc đối với một số cam kết - đặc biệt là các mục tiêu mua hàng hóa hàng năm’.

‘Thế khó của Mỹ’

Trao đổi với VOA từ tiểu bang California, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nói rằng ‘cho đến giờ Trung Quốc vẫn chưa tôn trọng những cam kết của họ’ trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết ở Nhà Trắng.

Theo ông thì nếu như vào lúc này nếu như Trung Quốc không thể mua nhiều hàng hóa Mỹ thì họ ‘phải nhượng bộ ở những lĩnh vực khác’.

Về lời đe dọa của Tổng thống Trump sẽ xé bỏ thỏa thuận hay tiếp tục tung ra đòn thuế với Trung Quốc, ông Nghĩa cho rằng hành động này ‘trong ngắn hạn có thể khiến cho Mỹ bị bất lợi nhưng Trung Quốc sẽ bị tổn thất về dài hạn’.

“Đại dịch đã khiến cho nền kinh tế của Mỹ đã suy sụp chưa từng thấy chỉ trong vòng 60 ngày và có thể trở lại thời kỳ Đại khủng hoảng vào những năm 1929-1933,” ông lưu ý.

“Dĩ nhiên nếu tăng thêm thuế thì ai sẽ trả? Doanh nghiệp của Mỹ trả, giới tiêu thụ của Mỹ trả. Nhưng bề nào thì giới tiêu thụ của Mỹ cũng đang kiệt quệ vì trận dịch này rồi,” ông lập luận.

Ông giải thích thêm rằng do ‘kinh tế Mỹ đã gặp quá nhiều vấn đề trầm trọng rồi nên có thêm vấn đề từ đánh thêm thuế cũng không nghiêm trọng lắm’. “Người dân Mỹ không quên rằng cách nay chừng 4-5 tháng, nền kinh tế của họ rất vững mạnh mà bùng một cái xảy ra đại dịch này. Họ nhìn thấy nguyên nhân đó là do Trung Quốc,” ông nói và cho rằng điều này sẽ khiến người dân Mỹ ủng hộ thêm đòn thuế với Trung Quốc.

Ngoài biện pháp đánh thuế, ông Nghĩa nói thêm: “Chính phủ Donald Trump đang chứng minh cho doanh nghiệp Mỹ thấy rằng việc đi vào cái gọi là chuỗi cung ứng toàn cầu có quá nhiều bất lợi cho Mỹ và ông đang muốn thuyết phục các doanh nghiệp Mỹ thấy điều đó và tìm giải pháp khác.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG