Giá dầu thế giới giảm xuống mức chưa từng thấy là do sản xuất ồ ạt khiến thị trường không thể kham nổi và điều này đang khiến cho ngành dầu hỏa của Mỹ khốn đốn, đe dọa thêm nền kinh tế Mỹ vốn đã bị lao đao vì dịch Covid-19, một nhà kinh tế phân tích với VOA.
Hôm thứ Hai ngày 20/4, giá dầu WTI (West Texas Intermediate) của Mỹ đã rớt giá đến 300% chỉ trong vòng 1 ngày, xuống đến mức âm là -37,63 đô la Mỹ một thùng – chuyện chưa bao giờ xảy ra từ trước đến giờ. Hồi đầu năm nay, giá dầu WTI còn ở mức 60 đô la một thùng, trong khi hồi năm 2001 là 114 đô la.
‘Năn nỉ’ người khác mua giùm?
Trao đổi với VOA từ Dallas, bang Texas, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, người đang giảng dạy chương trình MBA tại Keller Graduate School of Management, lưu ý rằng mức giá âm hy hữu này ‘chỉ là tạm thời’ và ‘chỉ áp dụng với các hợp đồng phải giao trong tháng Năm’.
Ông giải thích mức giá âm này như sau: “Khách hàng đã ký hợp đồng để giao hàng vào tháng 5 nhưng hệ thống dự trữ dầu hỏa của họ cũng như trên thế giới đã bị tràn ngập hết rồi cho nên nếu họ nhận hàng thì họ cũng không có chỗ chứa. Thành ra họ muốn bán lại số dầu đó và người nào nhận thì họ còn trả tiền cho người đó.”
Ông Lộc phân tích rằng do các hãng dầu trên thế giới đã sản xuất quá nhiều vượt quá khả năng dự trữ của các nước nên nhiều nước dù có muốn mua cũng không thể mua thêm được.
Nguyên nhân thứ nhất, theo ông Lộc, là do ‘nhu cầu giảm’. “Nhu cầu đã giảm do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, sau đó đến dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc phong tỏa không sản xuất gì được. Rồi đến Mỹ và châu Âu đóng cửa. Người dân không đi du lịch, máy bay không bay được. Xe hơi không bán được nên không tiêu thụ xăng dầu được,” ông nói.
Thứ hai là do khả năng dự trữ có hạn của các nước và việc trữ dầu không phải đơn giản là ‘đào dưới đất mà có được’ mà phải tốn kém nhiều chi phí xây dựng, ông cho biết.
“Khả năng dự trữ của Mỹ hiện giờ là 7 tỷ thùng mà đã chứa đầy 60-70% rồi, nếu tiếp tục mua nữa thì sẽ không còn chỗ chứa.”
“Dự trữ đâu phải là có chỗ nào đó đào đất lên là có chỗ để bỏ xuống cả triệu thùng dầu đâu? Phải xây dựng chỗ chứa. Đa số là dùng các tàu chở dầu cũ kỹ không chạy được, dùng các toa xe lửa hay kho chứa dưới lòng đất,” ông nói và cho biết chi phí xây dựng kho lưu trữ ‘rất tốn kém’.
Do đó, theo lời ông thì không có chuyện giá dầu rẻ như hiện nay các nước vì hám rẻ mà có thể mua về tích trữ hay để dành xài dần được.
Tại sao sản xuất quá nhiều?
Một phần lý do khiến các quốc gia sản xuất dầu mỏ trong khối OPEC và Nga bơm dầu ồ ạt trong thời gian qua là ‘muốn triệt hạ các hãng dầu của Mỹ’, ông Lộc cho biết.
“Họ muốn giá dầu hỏa tiếp tục đi xuống để làm khánh kiệt các công ty dầu hỏa của Mỹ,” ông nói và cho biết từ một nước nhập khẩu dầu, nước Mỹ đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới – chiếm giữ vị trí độc tôn của Ả Rập Xê-út với sản lượng 18 triệu thùng mỗi ngày so với 12 triệu thùng của Ả Rập Xê-út.
Về vấn đề này, ông Lộc cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây áp lực buộc Nga và các nước OPEC phải cắt giảm sản lượng ‘nhưng đã quá muộn’ và rằng ‘dù OPEC cắt giảm sản lượng mà các công ty Mỹ vẫn sản xuất ồ ạt thì cũng không ăn thua gì’.
Một lý do nữa là các nước Trung Đông vẫn phải tăng cường sản xuất dầu hỏa bán ra để cứu đất nước họ trong bối cảnh suy thoái kinh tế. “Các chính phủ này họ phụ thuộc phần lớn vào lợi tức dầu hỏa. Họ cũng cần tiền để chống dịch Covid-19,” ông giải thích.
Ông cho biết thì thị trường thế giới hiện giờ vẫn tiêu thụ dầu hỏa chứ không phải ngưng hoàn toàn, chỉ là không thể tiêu thụ ở mức sản xuất tối đa nên các nước sản xuất dầu vẫn có thể cạnh tranh nhau mà bán ra thị trường được.
“Giá mua thấp họ còn phải bơm dầu nhiều hơn nữa để bán. Chẳng hạn như hồi xưa giá 60 đô lai họ chỉ cần bơm chừng 10 triệu thùng thì bây giờ nếu với giá 20 đô la anh phải bơm lên gấp ba để bán để bù lại thu nhập bị thiếu hụt,” ông nói thêm.
Cho nên bây giờ các nhà sản xuất dầu phải bán rẻ cho những ai còn có khả năng dự trữ hoặc tìm thêm chỗ trữ thật nhanh mua về. Mục đích là ‘cố gắng cầm cự kéo dài thời gian’
Không thể ngừng sản xuất?
Trước câu hỏi tại sao các hãng khoan dầu bán dầu lỗ mà vẫn phải tiếp tục sản xuất, ông Lộc nói rằng dừng sản xuất thiệt hại còn lớn hơn.
“Những quốc gia này không muốn đóng sản xuất tại vì hãng xưởng mà đóng 1, 2 tháng thì nhân viên sẽ mất đi. Thứ nhì nữa những máy móc về dầu hỏa sẽ bị gỉ sét khi sản xuất lại thì khởi động không được nữa sẽ rất tốn kém. Cho nên họ phải chịu thà bán lỗ bán tháo để cho máy móc vẫn chạy.”
Theo lời ông thì các nhà máy dầu một khi mà đóng cửa ‘có khả năng phải bỏ luôn’. Trong khi đó, chi phí đầu tư để thăm dò mỏ dầu mới rất là lớn.
“Đôi khi phải mất cả 10 năm để khai phá ra mỏ mới nhưng đến khi khai thác thì lại chưa chắc được lại phải đi tìm mỏ khác,” ông nói thêm và cho biết nếu các hãng dầu muốn tăng trưởng lâu dài và có vốn để khai phá mỏ mới thì giá bán dầu phải ở mức 70-85 đô la một thùng.
Ngoài ra, các hãng dầu Mỹ đều đã ‘đi vay mượn rất nhiều’ nên nếu bây giờ dừng sản xuất hay sản xuất ít đi thì họ không có tiền trả lãi, trả nợ. “Giá đã xuống mà lượng mua cũng xuống luôn trong khi các khoản nợ vẫn còn chình ình ở đó,” ông Lộc nói.
Tuy nhiên, giá dầu rẻ như vậy khiến giá xăng đến tay người tiêu dùng, dù ở Mỹ hay Việt Nam, đều sẽ rẻ nhưng vấn đề là trong tình hình gần như phong tỏa như hiện nay người dân ‘không đi xe hay đi máy bay’, ông cho biết.
“Các công ty lọc dầu cũng không mua dầu thô về nhưng vì lọc xong thì để đâu vì không ai mua để chạy xe,” ông nói thêm. Ông cũng cho rằng tình trạng giá dầu thấp trong khoảng 10-25 đô la một thùng ‘có thể kéo dài đến 1 hay 1,5 năm nữa’ vì nền kinh tế thế giới ‘không thể hồi phục và đi vào sản xuất ngay được’. Do đó, người tiêu dùng cũng có thể được hưởng lợi từ giá dầu rẻ trong thời gian đó.
Mỹ cứu trợ như thế nào?
Ông Lộc cho biết là ‘ngành dầu hỏa rất quan trọng với Mỹ’ nên chính phủ Mỹ không thể để cho ngành này sụp đổ được.
Nguyên nhân khiến Mỹ đi từ chỗ nhập khẩu đến xuất tăng cường sản xuất để xuất khẩu dầu hỏa, theo ông Lộc, là do Mỹ rút ra bài học từ thời kỳ lệ thuộc vào giá dầu ở Trung Đông khiến nền kinh tế Mỹ dễ bị tổn thương một khi giá dầu tăng cao. Nhưng giờ đây khi Mỹ trở thành nhà sản xuất lớn thì nước này lại bị thiệt hại khi giá dầu xuống thấp.
“Không chỉ là dầu hỏa không. Một nhà máy lọc dầu ảnh hưởng đến 40-50 ngành khác, từ thép cho đến xây cất, chuyên chở,” ông phân tích.
Cho nên, ông cho biết Tổng thống Trump ‘rất lo về giá dầu hỏa’ vì khi giá dầu xuống đã kéo thị trường chứng khoán của Mỹ đi xuống theo.
Một trong những cách mà Mỹ có thể áp dụng để cứu ngành dầu mỏ là ‘mua dầu để bỏ vào kho dự trữ chiến lược’. Bằng cách này Mỹ có thể tận dụng mua vào giá rẻ và sau này giá thị trường cao trở lại thì bán ra kiếm lời, ông nói.
Tuy nhiên, Mỹ không thể nào mua hết lượng dầu sản xuất ra của các công ty trong nước. “Mỹ chỉ có chỗ chứa thêm 75 triệu thùng, và khả năng bơm chỉ được 500 ngàn thùng mỗi ngày. Cho nên cũng phải kéo dài hết tháng này tháng nọ mới mua hết được nhiêu đó.”
Cách thứ hai mà Mỹ có thể làm là ‘trả tiền cho các hãng sản xuất dầu hỏa’, giống như Mỹ từng trả tiền mua nông sản dư thừa của nông dân ‘rồi đổ đi cũng được’ để duy trì năng lực sản xuất của nông dân, ông nói.
“Tôi trả cho anh tiền để anh chỉ sản xuất vừa đủ thôi để không phải đóng cửa. Thay vì sản xuất 1 triệu thùng thì bây giờ chỉ sản xuất 200-300 ngàn thùng thôi.”
Một cách nữa mà chính phủ Trump đang tính đến là chuyển một phần trong gói cứu trợ các doanh nghiệp đang bị khốn đốn vì dịch bệnh cho các công ty dầu hỏa, ông Lộc nói thêm. Tuy nhiên, chính phủ không thể cứu hết tất cả các công ty mà phải buông những công ty không đủ sức cạnh tranh theo kiểu ‘ai mạnh nhất thì sống’ (survival of the fittest) và ‘cá lớn nuốt cá bé’
“Các công ty này hoặc sẽ khánh tận, hoặc sẽ sáp nhập với nhau vì họ vay mượn rất nhiều,” ông cảnh báo. “Điều này sẽ xảy ra trong những tháng tới.”
Khi được hỏi có thể nào dựa vào sức mua của Trung Quốc để cứu các công ty dầu của Mỹ không do Trung Quốc là một trong những nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới, ông Lộc nói ‘chắc chắn ông Trump sẽ gây áp lực buộc Trung Quốc mua thêm trong thỏa thuận thương mại’.
Tuy nhiên, khả năng thành công sẽ không cao vì theo ông Lộc trong tình hình Trung Quốc sản xuất thấp như vậy thì ‘chỉ có khả năng mua tối thiểu mà thôi’. Với lại Trung Quốc ‘đã ký hợp đồng với các nước cung cấp khác cho nhiều năm’ nên ‘không dễ gì một sớm một chiều hủy hợp đồng được’.
Chuyên gia này nói ông Trump phải cứu ngành dầu hỏa vì ‘trách nhiệm của bất cứ Tổng thống nào cũng phải lo cho kinh tế’ và cũng thừa nhận rằng ngành công nghiệp dầu hỏa cũng quan trọng đối với cơ hội của ông trong cuộc bầu cử tháng 11 tới vì đó là ngành công nghiệp chủ chốt của bang Texas, bang thành trì trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.