Đường dẫn truy cập

Khủng bố vẫn là mối đe dọa ở Indonesia


Máu của một nghi phạm khủng bố tại hiện trường sau một vụ tấn công ở đảo Bali, ngày 19/3/2012
Máu của một nghi phạm khủng bố tại hiện trường sau một vụ tấn công ở đảo Bali, ngày 19/3/2012
Chưa xảy ra một vụ tấn công khủng bố lớn nào tại Indonesia sau các vụ đánh bom ở đảo Bali năm 2002, nhưng không có nghĩa là mối đe dọa không còn nữa. Một báo cáo của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế gợi ý rằng các phần tử khủng bố đang tổ chức lại bằng những đường lối ngày càng tinh vi. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Kate Lamb ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Bản phúc trình mới nhất của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, còn gọi tắt là ICG mô tả các mạng lưới khủng bố ở Indonesia là yếu, chia rẽ và thậm chí còn có vẻ như bất lực trong những năm gần đây. Nhưng bản phúc trình cũng nêu ra hoạt động đang nổi lên trên các trang mạng quá khích và các diễn đàn chat, và các phương pháp gây quỹ ngày càng tinh vi.

Chẳng hạn như hồi tháng 6, cảnh sát đã bắt giữ một nghi can khủng bố cùng hơn 800.000 đôla mà họ tin là do đánh cắp được qua mạng.

Phân tích gia khủng bố của ICG, bà Sidney Jones nói rằng những dấu hiệu này cho thấy phong trào thánh chiến nở rộ ở một số bộ phận trong xã hội.

Bà Jones cho biết: “Một trong những điều mà phúc trình này chỉ ra là những người bị cảnh sát truy nã đã dễ dàng tìm kiếm các đồng minh mới như thế nào để có được vũ khí và đạn dược, đi lại trên khắp nước và thực sự lập kế hoạch hành động, cho dù co tới nay họ vẫn chưa đủ chuyên nghiệp lắm để thực hiện những vụ đó. Ðiều quan trọng là sự nguy hiểm vẫn chưa hết, nhưng cho dù có thể tình hình hiện vẫn tốt và yên tĩnh, thực tế là vẫn có khả năng các vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra ở Indonesia.”

Việc phát hiện một trại huấn luyện của phe chủ chiến ở Aceh, North Sumatra, hồi năm 2010 là một đòn giáng mạnh vào mạng lưới khủng bố đang hoạt động ở nước này. Tuy nhiên, bà Jones nói rằng hơn 200 vụ bắt giữ đã châm ngòi cho mong muốn trả thù của những phần tử cực đoan khác.

Phúc trình cho rằng các phần tử cực đoan đang trở nên ngày càng kỹ càng hơn trong việc xem xét hồ sơ của các thành viên và bí mật hơn về cách thức hoạt động.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã nhấn mạnh về xu hướng ngày càng tăng việc không dung chấp các tôn giáo khác ở Indonesia trong những tháng gần đây.

Hồi tháng 6, một buổi biểu diễn của ngôi sao nhạc nhẹ Mỹ Lady Gaga đã bị hủy trước áp lực của các nhóm có tư tưởng cứng rắn – cũng như một buổi ra mắt sách của một tác giả có tư tưởng bênh vực nữ quyền người Canada Irshad Manji. Cũng trong tháng đó, một người đàn ông Sumatra đã bị bỏ tù vì bị buộc tội cổ vũ cho thuyết vô thần và phỉ báng tiên tri Mohammed.

Bà Jones nói rằng các tổ chức đứng sau một vài vụ việc có thể là một bước đệm cho một chủ nghĩa cực đoan bạo lực hơn.

Bà Jones nói: “Tôi nghĩ rằng một trong những lĩnh vực mà chính phủ cần hành động là các chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng, bởi mọi người thực sự đều hiểu rõ sự kỳ thị Ðạo Hồi hoặc có một mối quan ngại lớn đến nỗi có những lằn ranh sẽ được định hình theo cách mà một số hình thức tự do dân sự sau khi cựu Tổng thống Suharto bị lật đổ sẽ lại bị giới hạn trên danh nghĩa chống lại chủ nghĩa cực đoan. Và đó chính là điều đáng quan ngại và là điều mà chính phủ phải giải quyết, nhưng chúng ta đang thấy một sự thụ động hoàn toàn đối với vấn đề này trong việc giải quyết quá trình cực đoan hóa tận gốc…”

Trong thời gian sắp tới khi tháng chay Ramadan bắt đầu từ thứ Sáu tuần này ở Indonesia, các nhà hoạt động nhân quyền cũng đã đặt nghi vấn về sự sẵn sàng của cảnh sát trong việc ngăn chặn những nhóm cực đoan từ những cuộc đột kích thường lệ của họ tại những hộp đêm và nhà hàng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG