Gần đây, các cơ quan truyền thông tiếng Việt ở khắp nơi loan tin, theo bảng xếp hạng “chỉ số hành tinh hạnh phúc” của New Economics Foundation, Việt Nam là quốc gia có chỉ số “hạnh phúc” đứng nhất ở châu Á và đứng nhì trên thế giới, chỉ sau Costa Rica; và bỏ xa các quốc gia phát triển và giàu có khác, như Nhật (thứ 45), Đức (46), Pháp (50), Hàn Quốc (63), Canada (65), Mỹ (105), v.v.
Trước đây, Viện dư luận BVA và tổ chức Gallup cũng xếp hạng Việt Nam là nước lạc quan nhất thế giới (nước đứng cuối bảng là Pháp, được xem là bi quan nhất.)
Đọc những bản tin như thế, thoạt đầu, bao giờ tôi cũng thấy vui; sau, thấy vui vui. Và cuối cùng, lần nào cũng thế, lại nhớ đến một bà dì họ của tôi. Dì Mười.
Trong giới phụ nữ thuộc bên ngoại của tôi, dì Mười suýt nữa là người đẹp nhất. So với những người khác, dì cao hơn hẳn, da trắng hơn hẳn, mũi thẳng hơn hẳn, và đặc biệt, mắt lớn và sáng hơn hẳn. Tiếc, dì bị một khuyết tật khiến tôi phải dùng chữ “suýt” ở trên: Hồi nhỏ không biết dì bị bệnh gì đó khiến một chân và một tay của dì hơi bị rút lại, còn miệng thì hơi bị méo đi một chút. Dì đi theo kiểu chấm phẩy, một chân bước ngay ngắn, còn một chân thì hơi hụt, kéo lê trên mặt đất, vì vậy ống quần ở chân ấy bao giờ cũng dính đầy bụi đất, dày cộm lên, trông rất dơ bẩn.
Mà dì bẩn thật. Lúc nào cũng bẩn. Quần áo của dì, trong ký ức của tôi, suốt mấy chục năm, hầu như lúc nào cũng màu đen, và lúc nào cũng cũ kỹ, rách rưới, vá chằng vá đụp. Dì lại ăn trầu và hút thuốc, thường là thuốc Cẩm Lệ vấn sâu kèn, lâu lâu lại phun nước miếng phèn phẹt xuống nền đất. Hồi nhỏ, tôi thương dì, nhưng lại cảm thấy ghê ghê, không dám gần dì. Hình như tôi chưa bao giờ bước vào nhà dì, lúc nào cũng là một túp nhà lụp xụp, chật chội, tối tăm, nằm đâu đó ở ngoài rìa làng. Tôi chỉ gặp dì những lúc dì đến nhà tôi. Cũng không thường xuyên lắm. Khoảng vài ba tháng một lần. Thường, đến nhà, dì nói về tướng số người này người nọ, kể chuyện tiếu lâm, không ngần ngại phun ra những chữ rất tục. Dì nói chuyện rất vui và có duyên. Dì nhớ rất nhiều ca dao, tục ngữ, thơ cổ và đặc biệt sấm Trạng Trình.
Những lần dì đến chơi như thế, nói chuyện được một lát, bao giờ mẹ tôi cũng rầy dì. Chuyện tướng số, mẹ tôi không tin, rầy dì nói nhảm. Rồi lại rầy dì không tắm giặt cho sạch sẽ, không bới tóc cho gọn gàng, không chịu làm ăn cho tử tế. Rồi hai chị em cãi nhau. Rồi dì đứng phắt dậy, cầm chiếc nón lá ngoe nguẩy ra về. Với một bàn chân lẹt quẹt kéo lê dưới đất.
Thường, mẹ tôi lại kéo dì lại, dúi vào tay dì ít tiền hoặc kéo ra sau, đưa cho dì ít ký gạo.
Mẹ tôi biết dì và các con dì đang đói.
Có lẽ dì thường xuyên đói. Chồng dì đi lính, chết trận. Dì một mình nuôi bốn năm đứa con nhỏ xíu. Lại tàn tật. Tôi thực tình không biết dì làm gì để sống. Có lẽ chỉ làm thuê làm mướn những việc không quá nặng nề. Và có lẽ bằng việc coi bói. Dì nổi tiếng coi bói hay. Nhưng cũng chỉ nổi tiếng trong làng. Mà làng lại nghèo. Nên có lẽ dì không thể sống hẳn bằng cái nghề ấy được. Coi xong, người ta thương tình tặng cho dì ít tiền hoặc ít lúa gạo. Vậy thôi.
Nhưng dì lúc nào cũng cười. Cũng vui. Khi ai hỏi về đời sống của dì như thế nào, bao giờ dì cũng đáp lại bằng một câu, một câu duy nhất: “Khỏe re như bò kéo xe!” Rồi lại cười hê hê.
Sau năm 1975, dì cũng kéo được mấy đứa con vào Nam, sống ở Đồng Nai. Cả gia đình dì làm rẫy. Nhưng lúc ấy con dì vẫn còn nhỏ, còn dì thì tàn tật nên sức canh tác và thu hoạch chắc cũng chẳng được bao nhiêu. Lâu lâu dì lại lẹt quẹt kéo lê bàn chân đầy bụi đất đến nhà tôi. Lại nói chuyện bói toán. Lại kể chuyện tiếu lâm. Lại cười hê hê. Khi ai hỏi về đời sống của dì, dì cũng lại đáp: “Khỏe re như bò kéo xe!”
Gần đây, anh tôi về Việt Nam, lại gặp dì. Con cái dì đã lớn, và may mắn, có một đứa làm ăn tương đối khá, dì không còn đói nữa. Nhưng vẫn nghèo. Và già yếu. Bàn chân tật nguyền vẫn lê lẹt quẹt trên đường, lúc nào cũng dính đầy bụi đất. Dì vẫn say sưa với chuyện bói toán, vẫn đoán hậu vận người này kẻ khác, vẫn thích nói chuyện tiếu lâm. Và vẫn cười hê hê.
Hỏi về đời sống của dì, dì vẫn đáp: “Khỏe re như bò kéo xe!”
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Trước đây, Viện dư luận BVA và tổ chức Gallup cũng xếp hạng Việt Nam là nước lạc quan nhất thế giới (nước đứng cuối bảng là Pháp, được xem là bi quan nhất.)
Đọc những bản tin như thế, thoạt đầu, bao giờ tôi cũng thấy vui; sau, thấy vui vui. Và cuối cùng, lần nào cũng thế, lại nhớ đến một bà dì họ của tôi. Dì Mười.
Trong giới phụ nữ thuộc bên ngoại của tôi, dì Mười suýt nữa là người đẹp nhất. So với những người khác, dì cao hơn hẳn, da trắng hơn hẳn, mũi thẳng hơn hẳn, và đặc biệt, mắt lớn và sáng hơn hẳn. Tiếc, dì bị một khuyết tật khiến tôi phải dùng chữ “suýt” ở trên: Hồi nhỏ không biết dì bị bệnh gì đó khiến một chân và một tay của dì hơi bị rút lại, còn miệng thì hơi bị méo đi một chút. Dì đi theo kiểu chấm phẩy, một chân bước ngay ngắn, còn một chân thì hơi hụt, kéo lê trên mặt đất, vì vậy ống quần ở chân ấy bao giờ cũng dính đầy bụi đất, dày cộm lên, trông rất dơ bẩn.
Mà dì bẩn thật. Lúc nào cũng bẩn. Quần áo của dì, trong ký ức của tôi, suốt mấy chục năm, hầu như lúc nào cũng màu đen, và lúc nào cũng cũ kỹ, rách rưới, vá chằng vá đụp. Dì lại ăn trầu và hút thuốc, thường là thuốc Cẩm Lệ vấn sâu kèn, lâu lâu lại phun nước miếng phèn phẹt xuống nền đất. Hồi nhỏ, tôi thương dì, nhưng lại cảm thấy ghê ghê, không dám gần dì. Hình như tôi chưa bao giờ bước vào nhà dì, lúc nào cũng là một túp nhà lụp xụp, chật chội, tối tăm, nằm đâu đó ở ngoài rìa làng. Tôi chỉ gặp dì những lúc dì đến nhà tôi. Cũng không thường xuyên lắm. Khoảng vài ba tháng một lần. Thường, đến nhà, dì nói về tướng số người này người nọ, kể chuyện tiếu lâm, không ngần ngại phun ra những chữ rất tục. Dì nói chuyện rất vui và có duyên. Dì nhớ rất nhiều ca dao, tục ngữ, thơ cổ và đặc biệt sấm Trạng Trình.
Những lần dì đến chơi như thế, nói chuyện được một lát, bao giờ mẹ tôi cũng rầy dì. Chuyện tướng số, mẹ tôi không tin, rầy dì nói nhảm. Rồi lại rầy dì không tắm giặt cho sạch sẽ, không bới tóc cho gọn gàng, không chịu làm ăn cho tử tế. Rồi hai chị em cãi nhau. Rồi dì đứng phắt dậy, cầm chiếc nón lá ngoe nguẩy ra về. Với một bàn chân lẹt quẹt kéo lê dưới đất.
Thường, mẹ tôi lại kéo dì lại, dúi vào tay dì ít tiền hoặc kéo ra sau, đưa cho dì ít ký gạo.
Mẹ tôi biết dì và các con dì đang đói.
Có lẽ dì thường xuyên đói. Chồng dì đi lính, chết trận. Dì một mình nuôi bốn năm đứa con nhỏ xíu. Lại tàn tật. Tôi thực tình không biết dì làm gì để sống. Có lẽ chỉ làm thuê làm mướn những việc không quá nặng nề. Và có lẽ bằng việc coi bói. Dì nổi tiếng coi bói hay. Nhưng cũng chỉ nổi tiếng trong làng. Mà làng lại nghèo. Nên có lẽ dì không thể sống hẳn bằng cái nghề ấy được. Coi xong, người ta thương tình tặng cho dì ít tiền hoặc ít lúa gạo. Vậy thôi.
Nhưng dì lúc nào cũng cười. Cũng vui. Khi ai hỏi về đời sống của dì như thế nào, bao giờ dì cũng đáp lại bằng một câu, một câu duy nhất: “Khỏe re như bò kéo xe!” Rồi lại cười hê hê.
Sau năm 1975, dì cũng kéo được mấy đứa con vào Nam, sống ở Đồng Nai. Cả gia đình dì làm rẫy. Nhưng lúc ấy con dì vẫn còn nhỏ, còn dì thì tàn tật nên sức canh tác và thu hoạch chắc cũng chẳng được bao nhiêu. Lâu lâu dì lại lẹt quẹt kéo lê bàn chân đầy bụi đất đến nhà tôi. Lại nói chuyện bói toán. Lại kể chuyện tiếu lâm. Lại cười hê hê. Khi ai hỏi về đời sống của dì, dì cũng lại đáp: “Khỏe re như bò kéo xe!”
Gần đây, anh tôi về Việt Nam, lại gặp dì. Con cái dì đã lớn, và may mắn, có một đứa làm ăn tương đối khá, dì không còn đói nữa. Nhưng vẫn nghèo. Và già yếu. Bàn chân tật nguyền vẫn lê lẹt quẹt trên đường, lúc nào cũng dính đầy bụi đất. Dì vẫn say sưa với chuyện bói toán, vẫn đoán hậu vận người này kẻ khác, vẫn thích nói chuyện tiếu lâm. Và vẫn cười hê hê.
Hỏi về đời sống của dì, dì vẫn đáp: “Khỏe re như bò kéo xe!”
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.