Đường dẫn truy cập

Khảo sát: Các nước châu Á quan tâm căng thẳng Mỹ-Trung


Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (phải) bắt tay Ngoại trưởng Philippine Enrique Manalo trước cuộc họp song phương tại Manila, Philippines, ngày 22/4/2023.
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (phải) bắt tay Ngoại trưởng Philippine Enrique Manalo trước cuộc họp song phương tại Manila, Philippines, ngày 22/4/2023.

Phần lớn cư dân Hàn Quốc, Philippines và Singapore bày tỏ lo ngại đáng kể về tác động của căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc; nhiều người lo lắng rằng một cuộc đối đầu địa chính trị giữa hai siêu cường có thể dẫn đến suy giảm an ninh quốc gia của chính họ, theo một cuộc thăm dò mới được công bố trong tuần này.

Cuộc thăm dò do tổ chức Eurasia Group thực hiện cho thấy nhìn chung, Hoa Kỳ được đánh giá cao hơn nhiều so với Trung Quốc, với 70% số người được hỏi tại ba quốc gia vừa kể có cái nhìn tích cực về Hoa Kỳ, trong khi chỉ có 34% cho biết như vậy đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, kết quả rất khác nhau giữa các quốc gia, với phần lớn những người được hỏi ở Singapore cho biết có quan điểm tiêu cực về Hoa Kỳ và quan điểm tích cực về Trung Quốc. Ở Hàn Quốc và Philippines thì ngược lại.

Một số lượng đáng kể người dân ở cả ba quốc gia cho biết họ có cảm xúc tích cực đối với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, cho thấy sự khó khăn mà nhiều người gặp phải khi họ cảm thấy mình bị buộc phải “chọn phe” trước sự cạnh tranh của các cường quốc. Tại cả ba quốc gia, 56,9% số người được hỏi đồng ý với nhận định: “Nền chính trị của đất nước tôi sẽ căng thẳng hơn khi các đảng phái chính trị chọn phe trong cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.”

Các cuộc thảo luận đang diễn ra

Các kết quả thăm dò nêu bật sự không chắc chắn xung quanh mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Mối quan hệ đã trở nên xấu đi trong năm qua, đặc biệt là sau khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay ngang qua lục địa Hoa Kỳ và bị Không quân Mỹ bắn hạ trên Đại Tây Dương vào tháng Hai.

Các nhà ngoại giao cấp cao của cả hai nước đã và đang nỗ lực thận trọng để nối lại đối thoại. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã xác nhận rằng ông sẽ công du Trung Quốc vào cuối tuần này. Hôm 14/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận rằng ông Blinken ngày 14/6 đã nói chuyện với Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương trước chuyến đi.

Trong văn bản ghi lại cuộc gọi, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Blinken đã nhấn mạnh với ông Tần “tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở” giữa Washington và Bắc Kinh để “tránh tính toán sai lầm và xung đột”. Ngoài ra, ông nói rằng “Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng các cam kết ngoại giao để nêu lên các lĩnh vực quan ngại cũng như các lĩnh vực hợp tác tiềm năng”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Tần trong cuộc điện đàm đã nói với ông Blinken rằng Hoa Kỳ nên “ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc” và “ngừng phá hoại chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc dưới danh nghĩa cạnh tranh”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng đối với Hoa Kỳ trong việc duy trì mối quan hệ bền chặt với các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan sẽ tới Tokyo trong tuần này để thảo luận với các quan chức an ninh Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.

Không phải là ‘nguyên khối’

Ông Zuri Linetsky, một nhà nghiên cứu của tổ chức Eurasia Group và là một trong những đồng tác giả của một phúc trình về cuộc khảo sát, nói với VOA rằng kết quả sẽ là một lời nhắc nhở cho người Mỹ rằng có nhiều quan điểm khác nhau về sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Ông nói: “Có lo ngại về sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực, nhưng khi nói như vậy, có sự khác biệt khá lớn trong khu vực về ý nghĩa của điều đó.” “Chúng ta cần nhớ rằng châu Á rất rộng lớn, không phải là một nguyên khối.”

Ông Linetsky cho biết một trong những phát hiện nổi bật nhất là mức độ ủng hộ của những người được hỏi đối với sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ vào khu vực trong những trường hợp nhất định. Cuộc khảo sát yêu cầu những người trả lời tưởng tượng một kịch bản trong đó một quốc gia phi dân chủ giấu tên trong khu vực tấn công một quốc gia dân chủ với mục đích chiếm toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ của quốc gia đó.

Ở cả ba quốc gia, đa số đều ủng hộ sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ trong trường hợp như vậy và sự ủng hộ đó tăng lên trong trường hợp Hoa Kỳ có hiệp ước phòng thủ hiện hành với quốc gia đang bị tấn công.

Ông Linetsky nói: “Có rất nhiều người muốn Hoa Kỳ bảo vệ ai đó bị xâm lược.” “Ngay cả ở Singapore điều này cũng có. Tôi khá ngạc nhiên về điều đó.”

Hàn Quốc gần Mỹ nhất

Trong số ba quốc gia được thăm dò, những người được hỏi ở Hàn Quốc thể hiện mức độ ủng hộ cao nhất đối với Hoa Kỳ, với 82,6% số người được hỏi nói rằng họ có quan điểm “rất yêu chuộng” hoặc “phần nào yêu chuộng” đối với Hoa Kỳ. Ngược lại, chỉ có 14,8% bày tỏ quan điểm tương tự về Trung Quốc.

Khi được hỏi liệu họ có đồng ý với tuyên bố “Hệ thống chính phủ của Hoa Kỳ là một tấm gương tích cực cho đất nước của tôi” hay không, 11,9% người Hàn Quốc cho biết họ đồng ý mạnh mẽ, trong khi 65,6% cho biết họ đồng ý phần nào. Khi được hỏi câu hỏi tương tự về hệ thống chính quyền Trung Quốc, chỉ có 6,6% đồng ý.

Khi được hỏi liệu ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với đất nước của họ là tích cực hay tiêu cực trong năm năm qua, 72,2% người Hàn Quốc cho biết ảnh hưởng đó là rất tích cực hoặc tích cực. Khi được hỏi điều tương tự về Trung Quốc, 14,1% cho biết họ tin rằng Bắc Kinh đã gây ảnh hưởng tích cực.

Hầu hết người dân Philippines đứng về phía Mỹ

Những người được hỏi từ Philippines bày tỏ sự tán thành đối với Hoa Kỳ gần như bằng với những người ở Hàn Quốc, với 81,6% số người được hỏi nói rằng họ có quan điểm “rất yêu chuộng” hoặc “phần nào yêu chuộng” đối với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, 30,2% người Philippines cũng bày tỏ quan điểm tích cực đối với Trung Quốc, cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ của người Hàn Quốc.

Khi được hỏi liệu họ có đồng ý với tuyên bố “Hệ thống chính quyền của Hoa Kỳ là một tấm gương tích cực cho đất nước tôi” hay không, 21,2% người Philippines cho biết họ đồng ý mạnh mẽ, trong khi 60,9% cho biết họ đồng ý phần nào. Khi được hỏi cùng một câu về hệ thống chính quyền Trung Quốc, 34% đồng ý một cách mạnh mẽ hoặc phần nào.

Khi được hỏi liệu ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với đất nước của họ là tích cực hay tiêu cực trong năm năm qua, 85% người Philippines cho biết ảnh hưởng đó là rất tích cực hoặc tích cực. Khi được hỏi câu tương tự về Trung Quốc, 33,5% cho biết họ tin rằng ảnh hưởng của Bắc Kinh là tích cực.

Singapore nghiêng về phía Trung Quốc

Trong số ba quốc gia được khảo sát, Singapore là nơi ưa chuộng Trung Quốc nhất trên hầu hết các chỉ số. Khi được hỏi về quan điểm của họ đối với Trung Quốc, 55,7% người Singapore nói rằng họ có quan điểm “rất yêu chuộng” hoặc “phần nào yêu chuộng” đối với quốc gia này. Ngược lại, chỉ 47,8% người Singapore bày tỏ quan điểm tích cực về Hoa Kỳ.

Đa số người Singapore cho biết họ thích chính phủ Hoa Kỳ như một hình mẫu cho đất nước của họ, một biên độ nhỏ hơn nhiều so với những người được khảo sát ở Hàn Quốc và Philippines. Khi được hỏi liệu họ có đồng ý với tuyên bố “Hệ thống chính quyền của Hoa Kỳ là một tấm gương tích cực cho đất nước tôi” hay không thì 49,7% cho biết họ đồng ý mạnh mẽ hoặc đồng ý phần nào. Khi được hỏi cùng một câu về hệ thống chính quyền Trung Quốc, 38% đồng ý một cách mạnh mẽ hoặc phần nào.

Đa số đáng kể người Singapore nói rằng cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có ảnh hưởng tích cực đến đất nước của họ trong năm năm qua, với 69,4% có quan điểm đó về Hoa Kỳ và 69,1% bày tỏ quan điểm đó về Trung Quốc.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG