Các diễn biến xảy ra trên bầu trời một vùng đồng ruộng ở Pennsylvania ngày 11 tháng 9 năm 2001 được kể lại qua những kỷ vật được trưng bày tại Trung tâm Du khách mới ghi nhớ chuyến bay số 93. Phóng viên VOA từng tường thuật tại chỗ ngày 11/9 năm đó đi thăm lại hiện trường thảm họa, nay được biến thành một đài tưởng niệm quốc gia.
Bầu không khí hỗn loạn và hoang mang quanh vụ rớt chuyến bay 93 của hãng hàng không United bao trùm những cánh đồng trong quận Somerset ở tiểu bang Pennsylvania này, vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, hôm nay đã được thay thế bằng sự yên tĩnh và bình lặng, 14 năm sau khi một trong những giờ khắc quyết định lịch sử Mỹ, chính là thảm kịch riêng của ông Gordon Felt.
“Có những lúc mọi sự dường như là siêu thực. Ban đầu chúng tôi nhận ra rất nhanh rằng những người thân yêu của mình, rằng các diễn biến quanh cái chết của họ, đã mang một ý nghĩa lịch sử đáng kể đối với đất nước chúng ta”.
Đó là lời kể của ông Gordon Felt. Người anh em của ông là Edward đã là một trong những hành khách trên chuyến bay 93 tìm cách chiếm lại buồng lái từ tay các phần tử khủng bố đã cướp chiếc máy bay.
35 phút cuối cùng của cuộc đời ông Edward Felt và những người đi cùng chuyến bay với ông đã được giải thích qua các kỷ vật được tái tạo và những phần triển lãm tương tác tại Trung tâm Du khách mới tưởng niệm chuyến bay 93, nơi các thành viên gia đình hy vọng du khách sẽ hiểu được tác động toàn bộ của các hành động của những người thân. Ông Gorden Felt nói:
“Họ sẽ cảm nhận được 40 người anh hùng này là ai, cũng như các hành động tập thể của họ đã giúp cho trụ sở Quốc hội sáng đó thoát được tai biến”.
Ông Stephen Clark, thanh tra đài kỷ niệm chuyến bay số 93, nói:
“Tôi thực là kinh ngạc khi nhận ra rằng chỉ có 18 phút nữa là chiếc máy bay này sẽ rơi xuống trúng thủ đô Washington”.
Ông Stephen Clark là tổng giám đốc sở Công viên Quốc gia, cơ quan chủ quản Trung tâm Du khách và khu vực bao quanh rộng 890 hecta, đã trở thành một nơi thu hút khách đến thăm.
“Số khách thăm hàng năm của chúng tôi vào khoảng 325.000, nhưng chắc chắn với trung tâm mới được khai trương này, số khách thăm dự kiến sẽ tăng gấp đôi hay gấp 3 trong một thời gian rất ngắn”.
Ông Gordon Felt nói:
“Đây là một câu chuyện mà 14 năm sau vẫn còn vang dội trong lòng mọi người”.
Mặc dầu sinh cư ở miền bắc tiểu bang New York, cách xa mấy trăm kilomet, ông Felt nói mỗi năm ông đi thăm địa điểm này khoảng 6 lần.
“Có mặt ở đây là điều rất quan trọng đối với tôi. Tôi cảm thấy các thành viên gia đình tham dự vào tiến trình này là điều quan trọng”.
Và họ đã tham dự vào mọi chuyện, từ việc mua khoảng đất tại địa điểm, cho đến việc thiết kế Trung tâm Du khách với kinh phí 26 triệu đôla, cho đến số hàng tồn kho các cốc đựng cà phê và những chiếc áo thun trong cửa hàng lưu niệm. Ông Felt nói tất cả được thực hiện với hy vọng đem lại nguồn hứng khởi cho du khách.
“Tôi muốn khi ra khỏi đài tưởng niệm này, mọi người sẽ tự nhủ là 'Nếu là mình, liệu mình có thể làm được những gì họ đã làm hay không?'".
Đó là một câu hỏi những khách thăm có thể suy ngẫm trong khi hướng nhìn về nơi an nghỉ cuối cùng của 40 linh hồn, trong lúc đứng dọc theo con đường cuối cùng, nay được khắc vào đá, của chuyến bay United Airlines số 93.