Đường dẫn truy cập

Khủng hoảng Ukraine: Mỹ, Trung Quốc thúc giục giảm leo thang căng thẳng và bình tĩnh


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong một cuộc gặp vào năm 2015.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong một cuộc gặp vào năm 2015.

Trung Quốc nói với Hoa Kỳ rằng họ muốn thấy tất cả các bên liên quan đến Ukraine phải giữ bình tĩnh và tránh gia tăng căng thẳng, trong khi Hoa Kỳ nhấn mạnh về việc giảm leo thang căng thẳng và cảnh báo về những rủi ro an ninh và kinh tế từ sự xâm lược của Nga.

Trong cuộc điện đàm ngày 26/1, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã bàn về vấn đề Ukraine.

Ông Vương Nghị nói với ông Blinken: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh và hạn chế làm những điều kích động căng thẳng và thổi phồng cuộc khủng hoảng”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.

Nga, quốc gia đã tăng quân ở biên giới Ukraine trong nhiều tháng, đã yêu cầu NATO phải rút quân và vũ khí khỏi Đông Âu và không kết nạp Ukraine, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ, không bao giờ được tham gia liên minh.

Hoa Kỳ và các đồng minh NATO bác bỏ quan điểm đó nhưng nói rằng họ sẵn sàng thảo luận về các chủ đề khác như kiểm soát vũ khí và các biện pháp xây dựng lòng tin.

“Bộ trưởng Blinken nói rằng giảm leo thang và ngoại giao là biện pháp để đi tới”, ông Blinken đã nói với ông Vương, theo một tuyên bố do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra.

Bộ này cho biết thêm rằng an ninh toàn cầu và những rủi ro kinh tế gây ra bởi sự xâm lược hơn nữa của Nga đối với Ukraine đã được nêu ra trong các cuộc đàm phán.

Ông Vương Nghị trong một phát biểu có lẽ để đề cập đến sự phản đối của Nga đối với việc mở rộng của NATO ở Đông Âu, nói với ông Blinken rằng không thể hy sinh an ninh của các quốc gia khác cho an ninh của một quốc gia, và an ninh khu vực không thể được đảm bảo bằng cách tăng cường hoặc thậm chí mở rộng các khối quân sự, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Hoa Kỳ đã cảnh báo Nga không xâm lược Ukraine và kêu gọi cả hai nước quay trở lại một loạt các hiệp ước được gọi là Minsk I và Minsk II được ký kết lần lượt vào năm 2014 và 2015, nhằm chấm dứt cuộc chiến ly khai của những người nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine.

Nhưng một loạt các bước đi về quân sự và chính trị được đề ra bởi thỏa thuận Minsk II sau này vẫn chưa được thực hiện, với việc Nga nhấn mạnh rằng họ không phải là một bên trong cuộc xung đột và do đó không bị ràng buộc bởi các điều khoản của hiệp ước và đây trở thành một trở ngại lớn.

“Để giải quyết vấn đề Ukraine, chúng ta vẫn cần quay lại Thỏa thuận Minsk mới – là điểm khởi đầu”, ông Vương Nghị nói.

“Thỏa thuận Minsk mới, đã được Hội đồng Bảo an thông qua, là một văn kiện chính trị cơ bản được tất cả các bên công nhận và cần được thực hiện hiệu quả”.

Trung Quốc đang tăng cường quan hệ với Nga khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng về một loạt vấn đề, từ thương mại cho đến nhân quyền, Đài Loan và các yêu sách chủ quyền hàng hải của Trung Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, người bị Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt cá nhân nếu như Nga xâm lược Ukraine, dự kiến sẽ thăm Trung Quốc vào tuần tới để tham dự Thế vận hội Mùa đông, bắt đầu vào ngày 4/2.

Ông Vương Nghị nói với ông Blinken rằng Hoa Kỳ “tiếp tục phạm sai lầm trong lời nói và việc làm của mình đối với Trung Quốc, gây ra những cú sốc mới cho mối quan hệ”.

Ông nói: “Ưu tiên hàng đầu lúc này là Mỹ nên ngừng can thiệp vào Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, ngừng đùa với lửa trong vấn đề Đài Loan và ngừng tạo ra nhiều bè phái chống Trung Quốc”.

Hoa Kỳ, Canada, Úc và Anh đã thông báo sẽ không cử bất kỳ quan chức nhà nước nào đến Thế vận hội vì hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.

Bắc Kinh phủ nhận vi phạm nhân quyền và phản đối điều mà họ gọi là chính trị hóa thể thao.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG