Đường dẫn truy cập

Tang lễ ông Phạm Kim Ngọc: Không buồn phiền, không hối tiếc


Ông Phạm Kim Ngọc (phải) đứng chung với ông Nguyễn Đức Cường (trái) tại hội thảo mới đây về các giá trị Việt Nam Cộng hòa ở Eugene, bang Oregon
Ông Phạm Kim Ngọc (phải) đứng chung với ông Nguyễn Đức Cường (trái) tại hội thảo mới đây về các giá trị Việt Nam Cộng hòa ở Eugene, bang Oregon

Cảm nghĩ nhân tang lễ ông Phạm Kim Ngọc

Nguyễn Đức Cường
cựu Tổng trưởng Thương Mại và Kỹ Nghệ, VNCH, 1973-1974,
cộng sự viên và bạn lâu năm của ông Phạm Kim Ngọc


Ông Phạm Kim Ngọc, vị tổng trưởng kinh tế lâu dài nhất của Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn cực kỳ khó khăn của cái gọi là Việt Nam Hóa chiến tranh từ 1969 đến 1973, qua đời ngày 14 tháng 12 năm 2019, đại thọ 91 tuổi.

Ông là người chồng tận tụy chăm sóc vợ trong suốt thời gian bà lâm bịnh ung thư và đã qua đời.

Nhiều người bạn của ông nói rằng ông Ngọc là người kể chuyện rất hay, lôi cuốn thính giả, và là một người đầy nhựa sống. Những người nghịch với ông – và cũng có khá nhiều – nói ông là “Tổng Thằn Lằn”, một loại thằn lằn lúc nào cũng bám vào vách tường được và không bao giờ rớt xuống đất. Những người ủng hộ ông, tuy không nhiều nhưng lại có quyền hành và uy thế đáng kể, nói ông Ngọc là chuyên gia kinh tế có nhiều khả năng, một con người thực tế, sẵn sàng lấy những biện pháp không được quần chúng tán đồng, sẵn sàng dùng những phương cách mới và xông vào những lãnh vực mà ông ta chưa hiểu biết nhiều. Những người đó nể ông Ngọc vì cá tính, năng lực, tinh thần uyển chuyển, hiểu biết chuyên môn và không ngần ngại thực hiện những quyết định đầy rủi ro.

Đối với tôi, người bạn lâu năm và cộng sự viên của ông, câu văn trên mộ bia của ông Phạm Kim Ngọc sẽ là: “Nơi đây an nghỉ người may mắn nhất trần gian”.

Phạm Kim Ngọc sanh tại Hà Nội trong một gia đình khá giả. Ông được gia đình cho đi học trung học tại Hong Kong, rồi tại Anh quốc khi ông được nhận vào học về ngân hàng thương mại tại đại học Southampton và sau đó đại học London School of Economics.

Khi ông tập sự tại ngân hàng Standard Chartered Bank thì ông được tin miền Nam Việt Nam giành độc lập khỏi Pháp. Đồng thời ông cũng được biết rằng Giáo sư Vũ Quốc Thúc, tân Thống Đốc Ngân hàng Quốc gia, muốn thành lập một ngân hàng thương tín tại Sài Gòn. Ông Ngọc liền giã từ cuộc sống thoải mái tại Luân Đôn, và rời thủ đô này mà không thông báo cho bạn hữu. Ông về đến Sài Gòn, xin yết kiến Giáo sư Vũ Quốc Thúc mà ông chưa hề biết. Giáo sư Thúc rất vui khi gặp ông Ngọc và tuyển dụng ngay vì ông thông thạo Anh ngữ và hiểu biết nhiều về dịch vụ ngân hàng thương mại tân thời so với chế độ của Pháp trước đây.

Ông Ngọc đến đúng lúc để tổ chức cơ quan đặc trách viện trợ Hoa Kỳ cho Việt Nam ngày càng gia tăng nhiều. Theo lối nói bình dân của chúng ta thì có thể nói ông Ngọc là “con chuột sa hũ gạo”!

Ông Phạm Kim Ngọc phục vụ một thời gian ngắn trong Nội các Nguyễn Cao Kỳ vào đầu năm 1967 với chức vụ Ủy viên Kinh tế, dưới quyền của ông Trương Thái Tôn, Tổng Ủy viên Kinh tế Tài chánh.

Tôi gặp ông Ngọc khi ông giữ chức vụ đó. Thời ấy tôi là chuyên viên hạng thấp đang tìm hiểu công việc tại Bộ Kinh tế. Lợi thế của tôi là khả năng viết và nói Anh ngữ vì tôi học tại đại học Hoa Kỳ trong sáu năm. Ông Ngọc và tôi dần dần hiểu được hoạt động của guồng máy tại Bộ Kinh tế, và chúng tôi cộng tác chặt chẽ suốt bảy năm trời. Chính ông đã xin Bộ Quốc phòng biệt phái tôi về Bộ Kinh tế vào tháng 10 năm 1969. Ông bổ nhiệm tôi vào làm việc tại văn phòng của ông. Sau bảy tháng ông thăng chức tôi làm phụ tá cho ông khi Thứ trưởng Thương mại từ chức.Tôi làm việc với ông Ngọc đến tháng 8 năm 1973 khi ông được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Kế hoạch và tôi làm Tổng trưởng Thương mại và Kỹ nghệ.

Trách nhiệm Ủy viên Kinh tế của ông Ngọc chấm dứt khi nền Đệ nhị VNCH ra đời vào tháng 10 năm 1967. Lúc đó ông rời chánh phủ và làm việc trong lãnh vực ngân hàng đầu tư được hai năm. Ông Ngọc trở lại chánh phủ vào tháng 9 năm 1969 khi Đại tướng Trần Thiện Khiêm được bổ nhiệm Thủ tướng Chánh phủ, vị Thủ tướng lâu dài nhất của VNCH, và bổ nhiệm ông làm Tổng trưởng Kinh tế. Thật ra, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm mời ông Nguyễn Hữu Hanh, cựu Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, giữ chức vụ đó. Nhưng ông Hanh từ chối và vì muốn giữ chức vụ Chánh Đại diện của VNCH tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Hoa Thịnh Đốn, cho nên đề nghị Thủ tướng Khiêm chọn ông Phạm Kim Ngọc.

Trong suốt thời gian làm Tổng trưởng Kinh tế, ông Ngọc đối đầu từ cam go này đến cam go khác, phát xuất từ việc gia tăng thuế nhập cảng, lạm phát phi mã, thiếu hụt ngân sách trầm trọng vì nhu cầu chi tiêu cho an ninh quốc phòng, tình trạng vừa lạm phát vừa suy giảm tăng trưởng kinh tế vì Hoa Kỳ dần dần rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, mức độ thất nghiệp rất cao tại thành thị vì làn sóng tỵ nạn chiến tranh từ thôn quê về, thiếu hụt ngoại tệ Mỹ Kim vì sự giảm thiểu viện trợ Hoa Kỳ.

Ông Ngọc còn bị lên án vì cho phép nhiều thương gia làm giàu quá mức lúc họ tích trữ hàng hóa đợi cho lúc giá tăng vọt mới bán ra thị trường. Ngoài ra, khá nhiều chính giới cao cấp Hoa Kỳ như ông George Schultz, John Connolly, ngay cả Phó Tổng thống Spiro Agnew và Tiến sĩ Henry Kissinger cũng đến gặp ông Ngọc. Những viên chức này muốn ông Ngọc cam kết rằng những chánh sách và kế hoạch kinh tế của VNCH sẽ không cản trở việc Hoa Kỳ rút quân lính khỏi miền Nam Việt Nam.

Chánh phủ VNCH nhận thức sự khẩn trương về nhu cầu có thêm ngoại tệ để bù đấp giảm thiểu viện trợ Hoa Kỳ. Ông Ngọc nhớ đến một hồ sơ nghiên cứu tại Bộ Kinh tế liên quan đến việc khai thác dầu ngoài khơi miền Nam mà lâu nay ông chưa cứu xét vì nhiều ưu tiên khác. Chỉ trong vòng hai năm sau khi trình lên Tổng thống Thiệu đề nghị khai thác dầu và Quốc hội chấp thuận Đạo luật Dầu hỏa, và với sự giúp đỡ kỹ thuật của chuyên viên dầu hỏa Ba Tư, ông Ngọc thiết kế một mô hình và ấn định điều kiện khai thác dầu hỏa rất hấp dẫn. Ông tổ chức cuộc đấu thầu nhượng quyền khai thác mỏ dầu ngoài khơi miền Nam Việt Nam. Công ty dầu Shell trúng thầu này, và vỏn vẹn một năm sau đó tìm thấy dầu tại giếng dầu thứ nhì họ đào. Đây là thành công ngoạn mục vì giới khai thác dầu biết rằng cần nhiều năm mới tìm ra dầu và nhiều năm nữa mới xác nhận có thể khai thác giếng dầu ở mức thương mại hay không.

Ông Ngọc còn may mắn hơn nữa khi được sự giúp đỡ kỹ thuật của chuyên viên dầu hỏa Ba Tư. Trong một chuyến công tác hải ngoại ông tình cờ gặp lại một đồng môn tại đại học London School of Economics lúc bấy giờ là Tổng trưởng Tài chánh của Thủ tướng Hoveida trong thời vua Pahlavi của Ba Tư. Người đồng môn này giới thiệu ông Ngọc với nhiều giới chức cao cấp trong lãnh vực khai thác dầu của Ba Tư. Ông Tổng trưởng Dầu hỏa Ba Tư chấp thuận viện trợ kỹ thuật cho VNCH và gởi ba chuyên viên dầu hỏa đến Sài Gòn. Ba chuyên viên này giúp ông Ngọc và Bộ Kinh tế xúc tiến việc khai thác dầu hỏa, soạn thảo một mô hình và điều kiện đấu thầu nhượng quyền khai thác rất minh bạch và hợp lý nhằn mục đích thu hút các công ty dầu hỏa quốc tế .

Ít ai hiểu được tầm quan trọng của sự giúp đỡ của ba chuyên viên Ba Tư này cho đến khi một bà Dân biểu của đơn vị Manhattan, Nữu Ước, thuộc đảng Dân Chủ, yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận rằng VNCH không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ trong việc khai thác dầu ngoài khơi. Bà dân biểu này nêu lên lập luận của giới chống chiến tranh Việt Nam rằng chánh phủ Hoa Kỳ đưa con em qua Việt Nam chiến đấu để bảo vệ các mỏ dầu của VNCH. Nếu quả thật Hoa Kỳ có giúp đỡ VNCH trong việc tìm kiếm và khai thác dầu thì công cuộc khai thác dầu ở mức thương mại tại miền Nam Việt Nam sẽ bị đình trệ rất lâu cho đến khi chúng ta có được sự giúp đỡ kỹ thuật của các quốc gia khác.

Những thành công xuất sắc của ông Phạm Kim Ngọc được ghi lại trong bài ông trình bày tại cuộc hội thảo về VNCH tại đại học California, Berkeley vào tháng 10 năm 2016 và được Cơ quan Ấn loát của đại học Cornell phổ biến, cùng với những bài trình bày khác, trong cuốn sách nhan đề The Republic of Vietnam 1955-1975 – Vietnamese Perspectives on Nation Building (Việt Nam Cộng Hòa 1955-1975 – Những Quan Điểm Của VNCH Về Xây Dựng Đất Nước) sẽ phát hành vào giữa tháng Giêng năm 2020.

(Ông Nguyễn Đức Cường là cựu Tổng trưởng Thương Mại và Kỹ Nghệ, Việt Nam Cộng hòa. Ông là cộng sự viên và bạn lâu năm của ông Phạm Kim Ngọc. Bài điếu văn này là quan điểm cá nhân của ông Cường, được VOA đồng ý đăng tải nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của Đài cũng như của Chính phủ Hoa Kỳ.)

XS
SM
MD
LG