Đường dẫn truy cập

Kế hoạch của Nga làm giảm khả năng thiết lập vùng cấm bay ở Syria


Nga cho biết sẽ chuyển giao các phi đạn phòng không S-300 cho chính phủ Syria.
Nga cho biết sẽ chuyển giao các phi đạn phòng không S-300 cho chính phủ Syria.
Chính phủ Nga mới đây loan báo kế hoạch chuyển giao cho Syria các loại phi đạn phòng không tối tân, bất chấp sự phản đối của Mỹ, Pháp và Israel. Các nhà phân tích cho rằng kế hoạch của Moskova làm giảm thiểu khả năng thiết lập một vùng cấm bay ở Syria.

Các nhà phân tích cho rằng nếu Nga xúc tiến kế hoạch bán phi đạn phòng không cho đồng minh của họ ở Damascus, điều đó sẽ làm cho Hoa Kỳ và các cường quốc Tây phương gặp nhiều khó khăn trong việc chấp hành một lệnh cấm bay ở Syria.

Hồi đầu tuần này, các giới chức ở Moskova cho biết họ sẽ chuyển giao các phi đạn phòng không S-300 cho chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm thứ ba nói rằng sự chuyển giao này là “một yếu tố tạo ổn định” và sẽ ngăn chặn những người mà ông gọi là “những cái đầu nóng” tính tới việc đưa lực lượng nước ngoài đến can thiệp vào cuộc xung đột ở Syria.

Ông Ben MacQueen, một chuyên gia về Trung Đông của Đại học Monash ở Australia, cho đài VOA biết rằng phi đạn địa đối không của Nga sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng không của Syria.

Ông McQueen nói: "Phi đạn S-300 có khả năng bắn rơi các loại phi đạn đạn đạo và các loại máy bay bay cao. Vì thế cho nên việc Syria sở hữu phi đạn S-300 chắc chắn sẽ tạo ra thêm những sự khó khăn cho việc chấp hành một lệnh cấm bay."

Một số các nhà lập pháp hàng đầu của Mỹ đã hối thúc chính phủ của Tổng thống Obama xem xét tới việc thiết lập một vùng cấm bay để ngăn không cho quân đội Syria thực hiện những vụ không kích đã giết chết nhiều chiến binh nổi dậy và thường dân trong cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua.

Israel và Hoa Kỳ đã yêu cầu Nga không xúc tiến vụ mua bán phi đạn với Syria vì họ e rằng hệ thống phòng không này sẽ đe dọa tới an ninh của Israel và gây phức tạp cho những hành động quân sự mà họ có thể thực hiện ở Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon hôm qua cảnh báo rằng Israel có thể sẽ có hành động trả đũa nếu phi đạn của Nga được đưa tới Syria.

Ông Yaalon nói: "Hiển nhiên là theo quan điểm của chúng tôi thì đây là một mối đe dọa trong giai đoạn này. Tôi không thể xác nhận là quá trình chuyển giao đã được tăng tốc. Tôi có thể xác nhận là các chuyến hàng chưa khởi hành và tôi hy vọng là các chuyến tàu sẽ không rời bến. Nhưng nếu chẳng may các phi đạn đó được đưa tới Syria thì chúng tôi sẽ biết phải làm gì."

Các nguồn tin Tây phương cho biết Israel đã thực hiện nhiều vụ oanh kích ở Syria hồi đầu tháng này, rõ ràng là để ngăn không cho chính phủ Syria chuyển các loại vũ khí tối tân cho nhóm chủ chiến Hezbollah thân Assad ở Li Băng. Israel không phủ nhận mà cũng không xác nhận những vụ oanh kích đó.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov cũng chỉ trích việc Liên hiệp Âu châu quyết định hủy bỏ một lệnh cấm vận vũ khí đối với Liên minh Quốc gia Syria, nhóm đối lập chính ở Syria, trong lúc duy trì các biện pháp chế tài chống lại chính phủ Syria.

Ông Ryabkov tố cáo liên hiệp gồm 27 nước thành viên này “châm dầu vào lửa” cho cuộc xung đột ở Syria và “gây phương hại” cho triển vọng tổ chức một hội nghị hòa bình do Nga và Mỹ khởi xướng nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria.

Trong một phát biểu riêng rẽ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tố cáo các cường quốc Tây phương tiến hành “một loạt các hành động khác nhau” để gây phương hại cho kế hoạch tổ chức hộïi nghị hòa bình.

Bộ Ngoại giao Syria đưa ra một lời đả kích kịch liệt hơn nhắm vào Liên hiệp Âu châu. Họ nói rằng liên hiệp này vi phạm luật pháp quốc tế qua việc hỗ trợ cho “các phần tử khủng bố” và gây cản trở cho những nỗ lực quốc tế nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG