Tổng thống Joe Biden mới ký lệnh xóa bớt các món nợ của sinh viên đại học. Tại sao không đưa đề nghị này như một dự luật cho quốc hội thông qua? Vì ông biết rằng nhiều đại biểu đảng Dân Chủ cũng không ủng hộ. Quả thật, nhiều người đã phản đối, từ hai phía tả cũng như hữu.
Nhật báo Wall Street Journal , khuynh hướng Cộng Hòa, viết, “Đây là quyết định tệ hại nhất” của ông Biden. Báo Washington Post, thường ủng hộ đảng Dân Chủ, nhận xét rằng quyết định tha nợ này “lấy tiền đóng thuế của những người lao động không học đại học để trợ cấp cho những người với những bằng cấp giá trị.”
Nghị sĩ Mitch McConnell, trưởng khối Cộng Hòa ở Thượng viện, nói Tổng thống Biden, “… tát vào mặt tất cả các gia đình đã dành dụm tiền cho con vào đại học, tất cả các sinh viên đã trả hết nợ, và những người Mỹ không muốn vay nợ đã chọn gia nhập quân đội để được học bổng đại học.”
Jason Furman, cố vấn kinh tế thời Tổng thống Obama viết trên Twitter ví như vụ tha nợ giống như “Đổ thêm gần nửa ngàn tỷ đô la vào cơn cháy lạm phát!” Chương trình tốn từ $400 đến $600 tỷ mỹ kim, nhưng theo ước tính của Đại học Pennsylvania có thể lên đến $1,000 tỷ.
Chương trình của ông Biden sẽ tha $10,000 tiền nợ cho 43 triệu người đã vay khi học đại học, nếu vay trước ngày 1 tháng 7 năm nay, và lợi tức cá nhân dưới $125,000 một năm. Trong đó, 27 triệu người vay nợ trong chương trình Pell Grants sẽ được tha $20,000. Có 20 triệu người sẽ được xóa hết nợ. Các phụ huynh vay tiền cho con em vào đại học cũng được tha nợ.
Ông Biden cũng ấn định số tiền trả nợ của mỗi cựu sinh viên không được lớn quá 5% lợi tức khả dụng, bằng một nửa tỷ số 10% do ông Obama đưa ra trước đây.
Theo bản tin Associated Press, nhiều người vẫn không thỏa mãn khi được chính phủ Biden xóa nợ. Hơn nửa triệu người nợ đến gần $200,000 đô la sau khi xong đại học, được xóa $10,000 hay $20,000 không nghĩa lý gì.
Nhưng các sinh viên đại học đã tốt nghiệp hiện có cần được chính phủ giúp đỡ hay không? Báo Washington Post cho biết ba phần tư những người được tha nợ nằm trong số 60% những người lợi tức cao nhất, dù đã áp dụng giới hạn lợi tức $125,000 một năm, theo nghiên cứu của Đại học Pennsylvania. Hiện nay chỉ có 2% những người tốt nghiệp đại học đang bị thất nghiệp, thị trường nhân dụng thì cần tuyển mộ rất nhiều mà vẫn thiếu!
Hơn nữa, khi tha nợ cho các cựu sinh viên thì chính phủ lấy đâu ra $500 tỷ để bù vào ngân sách? Họ dùng tiền thuế do tất cả mọi người dân Mỹ đóng góp. Trong số đó, báo Wall Street Journal kể, có hàng chục triệu người chưa bao giờ bước vào đại học, hoặc đi học nhưng không vay tiền, những người vay nhưng trả hết nợ rồi, hoặc chấp nhận vào các trường nhỏ, học phí thấp để khỏi phải vay nợ. Tờ báo này viết, “Đây là một vụ lấy tiền của những người thợ sửa ống nước và các tài xế FedEx đi giao hàng, để trợ cấp cho những người tốt nghiệp đại học.”
Nhiều sinh viên đã cố đi làm lấy tiền trả học phí, không vay nợ, cũng thấy bị thiệt thòi. Những người đã cố trả hết nợ giờ thấy tiếc! Nhiều người sẽ bất mãn là các sinh viên đã đi vay ngân hàng tư để đóng học phí thay vì vay chính phủ; họ sẽ không được hưởng gì cả.
Quyết định tha nợ của Tổng thống Joe Biden hoàn toàn có tính cách chính trị. Phong trào đòi xoá nợ chớm phát năm 2011, khi các sinh viên đi biểu tình ở New York phản đối chính phủ trợ cấp hàng tỷ mỹ kim giúp các ngân hàng khỏi phá sản. Họ hỏi “Tại sao không giúp các sinh viên trả nợ?”
Trong cuộc tranh cử sơ bộ của đảng Dân chủ, hai nghị sĩ tả phái Bernie Sanders (Vt.) và Elizabeth Warren (Mass.) đã cổ động cho chủ trương này. Tháng Ba năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã cho phép các cựu sinh viên được ngưng trả nợ. Ông Biden bèn hứa hẹn nếu đắc cử sẽ tha nợ, và giữ nguyên quyết định của ông Trump. Và bây giờ, gần 3 tháng trước ngày bầu cử quốc hội, ông tung ra chương trình này để kích thích các cử tri Dân chủ đi bỏ phiếu cho đông.
Trong đời sống chính trị Mỹ, các chương trình “trợ cấp” của chính phủ thế nào cũng có nhiều người được lợi và họ sẽ ghi nhớ. Nhiều người khác có thể biết chính phủ đang sử dụng tiền đóng thuế của mình làm “việc thiện,” chính mình thiệt thòi. Nhưng họ sống tản mát khắp nước và không biết đích xác mình bị thiệt bao nhiêu. Khi đảng Cộng Hòa cắt giảm thuế cho các công ty và những người lợi tức cao, họ sẽ ghi nhớ mãi; còn người dân bình thường cũng chẳng để ý chuyện ngân sách sẽ khiếm hụt. Bây giờ đảng Dân chủ tha nợ cho các cựu sinh viên, những người này sẽ biết ơn. Còn những người lo lắng về lạm phát hoặc bất mãn vì mình không được hưởng gì sẽ phản đối; nhưng họ không được kích động mạnh bằng những người được ông Biden trợ cấp.
Với 43 triệu người được hưởng trong chương trình tha nợ này, tất cả đều trong tuổi đi bầu, ông Biden đã “gãi trúng chỗ ngứa.” Ông được tiếng là giữ đúng lời hứa khi tranh cử. Tới 80% các cử tri Dân chủ ủng hộ; đặc biệt là các cử tri gốc Phi châu, vì phần lớn họ đều phải vay nợ khi vào đại học. Đa số các sinh viên da đen và gốc Latino vay nợ trong chương trình Pell Grant, được tha tới $20,000 đô la. Họ thấy rõ ràng ngân sách gia đình khả quan hơn. Những người trẻ thường lười không cất công đi bỏ phiếu, năm nay sẽ được kích thích để đi bầu!
Nhưng con số 43 triệu người được ơn mưa móc của nhà nước lần này thường cũng là các cử tri vẫn ủng hộ đảng Dân chủ. Họ không nhất thiết tập trung ở các tiểu bang “nghiêng ngửa” không quen bầu cho riêng một đảng nào. Cho nên, hậu quả của việc tha nợ có tính cách “buôn sỉ,” số người bỏ phiếu cho đảng Dân chủ có thể tăng lên trên toàn quốc. Trong khi đó, việc bỏ phiếu bầu các đại biểu quốc hội mang tính cách “bán lẻ” tùy các địa phương. Nhiều ứng cử viên đảng Dân chủ có thể bị thiệt nếu số người lo lạm phát tăng lên trước cảnh nhà nước sắp tung thêm nửa ngàn tỷ mỹ kim vào nền kinh tế. Đài CNBC nghiên cứu dư luận cho thấy 60% dân Mỹ nghĩ rằng sau vụ này lạm phát sẽ cao hơn.
Nhiều ứng cử viên Dân chủ đang lo lắng, tìm cách tự vệ. Trên báo Wall Street Journal, Kimberley A. Strassel dẫn lời đại biểu đảng Dân Chủ, Michael Bennet (Colorado) chỉ trích vụ xóa nợ của ông Biden sẽ làm lạm phát tăng thêm! Tim Ryan (Ohio), phê phán hành động này “gửi một thông điệp sai lầm cho hàng triệu người dân Ohio không có bằng cấp đại học đang làm việc cật lực cho đủ sống.”
Đảng Cộng Hòa sẽ nêu lên một vấn đề gốc rễ gây ra tình trạng các cựu sinh viên phải trả nợ tiền học cao quá. Từ năm 2011 đến nay, số sinh viên vay nợ chỉ tăng chưa đầy một phần năm (18%), nhưng tổng số tiền nợ đã tăng gấp đôi, theo Wall Street Journal. Tự gốc rễ, đó là vì các đại học tăng học phí. Học phí đại học đã tăng liên tục trong những năm qua, tốn từ $10,000 đến $37,000 một năm. Họ sẽ chỉ trích ông Joe Biden không giải quyết vấn đề tận gốc, mà chỉ “thoa dầu nóng” tạm thời cho bớt cơn sốt. Cứ như vậy, nhà nước sẽ còn phải tiếp tục thoa dầu mãi mãi.
Trên nhật báo Washington Post Megan McArdle thấy việc tha nợ các cựu sinh viên sẽ khuyến khích các đại học tăng học phí! Trên báo này, Perry Bacon cũng tiên đoán như vậy. Ông thấy quyết định tha nợ của ông Biden chỉ khuyến khích các sinh viên đi vay nhiều hơn, chẳng khác gì chữa bệnh ghiền thuốc lá bằng cách bỏ thuốc có đầu lọc, hút thuốc không đầu lọc!
Ông nêu kinh nghiệm trước đây, khi quốc hội làm luật tăng số tiền tối đa cho các sinh viên vay, thì các đại học bèn tăng học phí, cứ mỗi đồng nợ tăng lên thì tiền học phí cao hơn 60 cents! Cái vòng luẩn quẩn sẽ tiếp tục quay. Học phí tăng, sinh viên vay nợ nhiều hơn, rồi nhà nước lại phải lo xóa nợ thêm nhiều lần nữa!
Nhưng đó là mối lo của các người lãnh đạo chính phủ mấy chục năm sau này. Còn ông tổng thống đương nhiệm, ông chỉ lo kiếm thêm phiếu!
Diễn đàn