Doanh nghiệp, các đoàn thể xã hội dân sự và các giới chức chính phủ Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ hợp tác, theo hướng dẫn của Tokyo, để đẩy mạnh công cuộc phục hồi khu vực bị những thiên tai nghiêm trọng nhất thời hiện đại tàn phá khủng khiếp.
Trong lúc một loạt các cơn dư chấn vẫn tiếp tục mà ở mãi tận Tokyo cũng cảm nhận được, hôm Chủ nhật Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã họp với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật, dùng trà với Nhật hoàng và Hoàng hậu, và thảo luận với Thủ tướng Naoto Kan.
Sau khi họp với người tương nhiệm của Nhật, Ngoại trưởng Clinton nhận xét về sự đáp ứng của cộng đồng quốc tế như thế nào để đền đáp lại những giúp đỡ đáng kể và đều đặn của Nhật mỗi khi thiên tai xảy ra tại những nơi khác. Bà nói: "Nhật là một trong những quốc gia hào hiệp nhất thế giới, và hàng chục quốc gia đã gửi trợ giúp đến trong vòng 5 tuần lễ qua để cảm tạ sự quan tâm từ trước tới nay của Nhật đối với các quốc gia khác."
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Takeaki Matsumoto nói với Ngoại trưởng Hoa Kỳ rằng nước Nhật hết sức tri ân những trợ giúp mà Washington đã cung ứng cho Nhật, gồm cả những trợ giúp từ lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại quốc gia này.
Quân đội Hoa Kỳ đã huy động đến 20 ngàn nhân viên và gần 200 máy bay để sử dụng cho những hoạt động cứu trợ tại Nhật.
Chính phủ Hoa Kỳ đã gửi chuyên gia từ Ủy ban An toàn Hạt nhân và bộ Năng lượng sang giúp cho Nhật đối phó với tình trạng khẩn cấp tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1.
Nhật đã bị chỉ trích ở ngay trong nước lẫn ngoài nước vì đã trì hoãn và đưa những thông tin không rõ ràng về những gì bị cho là đang xảy ra ở nhà máy bị tàn phá.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật, lên tiếng qua một thông dịch viên, cam kết rằng chính phủ Nhật sẽ cập nhật hơn về những thông tin liên hệ đến cuộc khủng hoảng hạt nhân chưa được giải quyết xong.
Ông nói: "Giờ đây chúng tôi phải gia tốc những nỗ lực để đối phó với tai nạn hạt nhân. Chắc chắn là chúng tôi phải tiến những bước vững chắc để kiểm soát được tình hình. Chúng tôi cần có sự hỗ trợ thật tận tình, và dĩ nhiên chúng tôi muốn công bố những tin tức về tình hình như chúng tôi có bổn phận phải làm, cho cộng đồng quốc tế biết."
Thủ tướng Kan, vốn đã gặp niều khó khăn chính trị trước khi xảy ra động đất ngày 11 tháng Ba, ngày càng gặp nhiều phản đối đòi ông từ chức vì bị coi là thiếu khả năng lãnh đạo trong việc đối phó với thảm họa hạt nhân.
Chính phủ và công ty điện của Nhật đang vất vả tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng ở nhà máy điện hạt nhân. Hệ thống làm nguội lò phản ứng tại nhà máy Fukushima đã bị tàn phá trong trận sóng thần. Kể từ đó nhà máy hư hại đã làm rò rỉ phóng xạ ra nước biển và không khí, khiến hàng chục ngàn gia đình phải di tản và hủy hoại kế sinh nhai của nông gia và ngư dân.
Nhật và Mỹ đã đồng ý thiết lập công cuộc hợp tác cả trong lãnh vực công lẫn tư, theo hướng dẫn của Tokyo, để tái thiết những cộng đồng bị trận động đất mạnh 9.0 trên địa chấn kế và trận sóng thần tàn phá. Lời loan báo được đưa ra trong một chuyến công du thủ đô Tokyo của Ngoại trưởng Clinton.