Đó là buổi chiều làm việc trong tuần tại trung tâm Tokyo và một chính trị gia đang kêu gọi công chúng qua một micro, nhưng không phải là bà đang xin phiếu của cử tri.
Bà Emi Kaneko, một thành viên của đảng Dân chủ đương quyền tại Fukushima, đang kêu gọi dân chúng hãy tin tưởng vào các nông dân ở Fukushia và rau quả họ gieo trồng.
Bà Kaneko nói: "Suốt từ khi nhà máy điện hạt nhân Fukishima Daiichi bắt đầu phát ra những bụi phóng xạ vào môi trường, các mặt hàng nông sản của vùng này đã biến mất trên các quầy hàng và một số nước ngoài đã cấm nhập khẩu các nông sản đó."
Ông Sadayasu Abe là một giới chức tại Minimisoma, một ngôi làng nằm cách nhà máy Fukushima 25 kilmét, nói rằng sự kiện này là thiên tai thứ tư trong khu vực.
Ông Abe cho biết các làng mạc trong vùng đã bị tác động bởi trận động đất, sóng thần, tai nạn hạt nhân và giờ đây bởi những tin đồn và lo âu về các sản phẩm nông nghiệp. Ông đã nghe một số người nói rằng họ không muốn mua thực phẩm mang nhãn hiệu của Fukushima.
Chính phủ Nhật Bản đã giới hạn gắt gao việc bán một số rau quả của các thị trấn gần Fukushima, nhưng cho biết phần lớn rau quả trồng trong khu vực này vẫn an toàn.
Để phổ biến thông điệp đó, những người như cô Yoko Nazaki ở thành phố Iwaki của Fukushima, đã đến Tokyo.
Cô Nozaki cho biết cô đến đó với các nông dân để thuyết phục khách hàng rằng thực phẩm gieo trồng tại Iwaki là an toàn. Các quầy hàng bày bán cà chua, tỏi tây tươi, tỏi và các mặt hàng với giá hạ giảm cho khách hàng.
Trong vòng vài tiếng đồng hồ. Nhiều loại rau quả đã bán hết. Yoko Noumi, một bà nội trợ đang xách một bao cà chua về nhà.
Bà Noumi nói rằng bà nghe trên TV rằng các rau quả này an toàn, cho nên bà quyết định mua một ít để ủng hộ các nông dân.
Các nông phẩm bị cấm cũng bao gồm nông sản của một vài thị trấn bên ngoài Fukushima, nhưng các tỉnh chung quanh không thấy hình ảnh của họ hoen ố như Fukishima.
Tokyo là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến đi nhiều thành phố của các nông dân, nhưng nỗ lực giao dịch với dân chúng chỉ có thể đạt tới mức độ như vậy mà thôi. Có phần chắc là sẽ không ảnh hưởng tới được các nơi bên ngoài ranh giới nước Nhật.
Ông Kazuichi Ishii, một giới chức thuộc thành phố Iwaki, nói rằng khi dân chúng trên thế giới nghe đến tên Fukishima, họ ghép tên này vào chung với Chernobyl và đảo “Three Mile” là hai địa điểm đã xảy ra các tai nạn hạt nhân lớn khác. Và theo ông thì tình trạng này sẽ không thay đổi chừng nào mà cuộc khủng hoảng hạt nhân tiếp tục là tin hàng đầu trong giới truyền thông.
Công ty địên lực Tokyo cho biết họ dự kiến công ty không thể hoàn toàn kiểm soát được nhà máy trong 6 tháng, vì thế có phần chắc các tin hàng đầu về tai nạn này sẽ không thể chấm dứt sớm được.
Trong tình hình cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi chắc sẽ kéo dài suốt năm nay, nhiều người trong khu vực này đang lo ngại ảnh hưởng lâu dài đối với nhãn hiệu Fukushima. Rõ rệt nhất là trong ngành nông nghiệp của tỉnh này, nhưng nhiều nông dân đang cố gắng chống chọi. Thông tín viên VOA Martyn Williams tại Tokyo ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.