Quốc hội Nhật Bản đã thông qua một nghị quyết lên án kế hoạch phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên. Nước này cũng chuẩn bị các kế hoạch phòng bị trong trường hợp phi đạn chệch đường bay và đề ra mối đe dọa cho Nhật Bản.
Phát biểu tại Tokyo hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Naoki Tanaka nói quân đội Nhật Bản chuẩn bị cho bất kỳ khả năng nào.
Ông Tanaka nói ông đang ra lệnh cho các giới chức chuẩn bị triển khai các phi đạn đất đối không PAC-3 và tàu khu trục Aegis được trang bị hệ thống chống phi đạn tối tân, có khả năng bắn hạ rocket.
Bình Nhưỡng cho biết họ sẽ đặt một vệ tinh quan sát trái đất vào một quỹ đạo vùng cực vào giữa tháng Tư để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố chủ tịch và cũng là người người sáng lập đất nước, được coi là sống mãi trong lòng dân, ông Kim Il Sung.
Các thành viên của cộng đồng quốc tế cho rằng vụ phóng là một cái cớ cho một vụ thử phi đạn tầm xa mà Bắc Triều Tiên bị cấm tiến hành theo các biện pháp chế tài của Liên hiệp quốc.
Các nhà ngoại giao Nam Triều Tiên và Nhật Bản đã họp tại Seoul để chia sẻ cách thức đối phó với vụ phóng sắp tới.
Đặc sứ về hạt nhân của Nhật Bản, ông Shinsuke Sugiyama, nói Tokyo và Seoul cũng liên hệ với chính quyền các nước khác:
“Chúng tôi đã đồng ý rằng chúng tôi nên tiếp tục phối hợp các quan điểm và so sánh các nhận định giữa Nam Triều Tiên và Nhật Bản, và luôn cả những nhận định từ Washington, và dĩ nhiên chúng tôi phải sẵn sàng thảo luận với phía Trung Quốc. Tôi sẽ thực hiện điều đó, và cả với Nga nữa, với tư cách một trong các thành viên của nhóm đàm phán sáu bên.”
Các cuộc đàm phán sáu bên nhằm mục đích thương nghị việc chấm dứt các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nhưng năm 2009, Bình Nhưỡng thông báo nước này sẽ ‘không bao giờ’ tham gia vòng đàm phán này nữa, sau khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc quyết định lên án Bắc Triều Tiên về một vụ thử bất thành năm đó.
Bắc Triều Tiên cũng tuyên bố rằng đó là một vụ phóng vệ tinh, nhưng các quan sát viên báo cáo rằng phi đạn rốt cuộc đã rơi xuống Thái Bình Dương.
Các nguồn tin trong ngành không gian nói rằng cách thức phản ứng của Nhật Bản đối với vụ phóng của Bắc Triều Tiên vào tháng tới là một động thái mang tính chính trị.
Nhưng đây cũng là một cơ hội hiếm có để Nhật Bản huấn luyện cho đội ngũ của nước mình việc theo dõi một phi đạn từ một nguồn được coi là thù địch.
Ngoài Hoa Kỳ, Nhật Bản là quốc gia duy nhất có trang bị các phi đạn trên tàu có tên gọi SM-3 Block 1-a, một phần của hệ thống vũ khí phức tạp Aegis. Loại phi đạn này có tầm bắn lên tới 500 km và có thể bay trên bầu khí quyển để phá hủy các phi đạn đạn đạo.
Hải quân Hoa Kỳ cũng có các tàu được trang bị Aegis tại Nhật Bản. Và các phi đạn Patriot của các đơn vị quân đội Mỹ tại căn cứ không quân Kadena ở Okinawa có thể bay lên độ cao tới 24.000 mét.
Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các hệ thống chống phi đạn này trong vụ phóng năm 2009 của Bắc Triều Tiên.
Bắc Triều Tiên đã nói với giới hữu trách các nước rằng thiết bị phục vụ giai đoạn đầu tiên của vụ phóng rocket tháng tới sẽ rơi xuống ngoài khơi bờ biển phía tây Nam Triều Tiên, và giai đoạn hai sẽ rơi xuống ngoài khơi bờ biển phía đông Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã yêu cầu Hoa Kỳ giúp giám sát đường bay của vụ phóng này.
Phát biểu tại Singapore, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cảnh báo rằng một vụ phóng của Bắc Triều Tiên sẽ làm nản lòng các nhà tài trợ quốc tế, gây trầm trọng thêm cho tình hình nhân đạo tại quốc gia nghèo khó và bị cô lập này.
Hoa Kỳ nói nếu Bắc Triều Tiên vẫn tiến hành vụ phóng, thì thỏa thuận đạt được với Bình Nhưỡng hồi tháng trước không thể được triển khai.
Theo thỏa thuận, Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Bình Nhưỡng viện trợ lương thực mà nước này đang rất cần, và đổi lại, Bắc Triều Tiên sẽ ngưng một phần chương trình hạt nhân của họ.
Nhật chuẩn bị nghênh cản phi đạn có thể đi chệch hướng của Bắc Triều Tiên
Nhật Bản đang chuẩn bị để quân đội có thể sẵn sàng nghênh cản một phi đạn của Bắc Triều Tiên nếu bay qua lãnh thổ nước này tháng tới.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1