Bộ trưởng Tài chính Geithner đã lên tiếng ca ngợi Nhật Bản, quốc gia ông gọi là một “đồng minh kinh tế và an ninh thiết yếu” vì đã cùng Washington và cộng đồng quốc tế ủng hộ một “mục tiêu chiến lược rất quan trọng.”
Hoa Kỳ đang hối thúc các quốc gia khác ủng hộ các biện pháp chế tài đối với Iran vì chương trình hạt nhân của nước này.
Ông Geithner nói rằng Hoa Kỳ đang thăm dò các phương sách để cắt đứt ngân hàng trung ương Iran khỏi hệ thống tài chính quốc tế và giảm bớt nguồn thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Ông Geithner nói: “Chúng tôi đang trong giai đoạn đầu, rất sơ khởi, tham vấn với các đồng minh ở châu Âu, Nhật Bản và trên toàn thế giới về cách thức tốt nhất để đạt được những mục tiêu đó.”
Đứng cạnh ông Geithner ở Tokyo, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi đã tỏ ra thấu hiểu quan điểm của Washington.
Ông Azumi nói rằng, trong 5 năm qua, nước ông đã cắt giảm đáng kể nguồn dầu nhập từ Iran. Ông cho biết thêm rằng Nhật Bản sẽ tiến hành các biện pháp cụ thể để cắt giảm số lượng dầu mua của Iran, hiện đang chiếm 10% tổng số dầu nhập khẩu của Nhật Bản. Nhưng ông không nói số lượng hay thời gian cụ thể.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cho biết cũng đang tìm cách cắt giảm các nguồn nhập khẩu không liên quan tới dầu. Nhật Bản cũng mua khí đốt thiên nhiên của Iran.
Nhật Báo có số lượng phát hành lớn nhất Nhật Bản, tờ Yomiuri Shimbun, đưa tin, Tokyo sẽ yêu cầu Washington không trừng phạt các thể chế tài chính Nhật Bản làm ăn với ngân hàng trung ương Iran, để đổi lại việc yêu cầu các nhà nhập khẩu dầu thay đổi nguồn cung ứng.
Ngân hàng trung ương Iran xử lý phần lớn nguồn thu nhập từ việc xuất khẩu dầu của Iran.
Các giới chức tại Bộ Tài chính và Sách lược của Nam Triều Tiên cho đài VOA biết rằng chưa đưa ra quyết định về tỷ lệ nhập khẩu dầu từ Iran trong năm nay.
Giống với Nhật Bản, Nam Triều Tiên có ít nguồn tài nguyên nhiên nhiên, nên cũng phải nhập khoảng 10% lượng dầu thô từ Iran.
Tháng trước, Nam Triều Tiên thông báo sẽ mở rộng các biện pháp chế tài đối với nước cộng hòa Hồi giáo và can ngăn các công ty nội địa nhập khẩu các sản phẩm hóa dầu từ Iran. Nhưng hành động không liên quan tới vận chuyển dầu thô.
Các nhà phân tích nói rằng Seoul đang hành động một cách dè dặt vì các hợp đồng nhập khẩu dầu mới và đắt hơn sẽ cần phải được ký với các nước khác, và sẽ mất thời gian để làm việc đó. Các giới chức tại đây cũng bày tỏ quan ngại rằng việc không nhập khẩu dầu của Iran nữa sẽ làm tăng giá cả tiêu dùng và ảnh hưởng tới nỗ lực kiểm soát lạm phát ở Nam Triều Tiên.
Các công ty nước ngoài tiếp tục làm ăn với Iran sẽ phải đối mặt với việc bị cắt đứt giao dịch với Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ và các nước này muốn Iran ngưng chương trình tinh chế uranium. Họ lo ngại rằng Iran đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân. Chính phủ Iran thì nhấn mạnh rằng chương trình hạt nhân của nước này là chỉ nhằm mục đích hòa bình và nhằm mục đích tăng sản lượng điện cũng như các chất đồng vị phóng xạ để chữa trị bệnh ung thư.
Nhật Bản và Nam Triều Tiên là hai trong số các nước đang cân nhắc yêu cầu của Hoa Kỳ về việc giảm bớt hoặt cắt đứt quan hệ với các lĩnh vực ngân hàng và năng lượng của Iran. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Timothy Geithner hôm nay đã nhận được cam kết một phần từ người đồng nhiệm Nhật Bản tại Tokyo. Trong khi đó, Nam Triều Tiên vẫn chưa quyết định sẽ hành động mạnh mẽ tới mức nào. Từ Seoul, thông tín viên đài VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1