Đường dẫn truy cập

Các nhà điều giải vấp phải sự chống đối của ông Gbagbo


Tổng thống Benin Boni Yayi (giữa) được Thủ tướng Côte D'Ivoire Gilbert Marie N'gbo ake (phải) đón tiếp tại sân bay Felix Houphouet Boigny ở Abidjan, ngày 28/12/2010
Tổng thống Benin Boni Yayi (giữa) được Thủ tướng Côte D'Ivoire Gilbert Marie N'gbo ake (phải) đón tiếp tại sân bay Felix Houphouet Boigny ở Abidjan, ngày 28/12/2010

Trong khi cộng đồng quốc tế đang vận động theo nhiều đường hướng để Tổng thống đương nhiệm Laurent Gbagbo phải rời chức, họ không đạt được thành quả nào một tháng sau cuộc bầu cử gây tranh cãi. Nay các chuyên gia cho rằng cuộc bầu cử được trông đợi và gây nhiều tốn kém có thể không phải là giải pháp cho vấn đề Côte d’Ivoire mà cộng đồng quốc tế trông mong. Từ Washington, thông tín viên VOA Nico Colombant ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Ba nhà lãnh đạo Tây Phi đã dành nguyên ngày hôm qua để gặp các nhân vật chủ chốt tại thành phố thương mại chính miền nam là Abidjan mà không có dấu hiệu đạt được tiến bộ nào trong việc buộc ông Gbagbo rời chức. Phía đối thủ của ông là ông Alassane Ouattara cho biết lập trường riêng của họ là đưa ông Ouattara lên làm tổng thống cũng không thể thương lượng được.

Các nhà ngoại giao từng nói rằng ông Gbagbo và những người theo chủ trương cứng rắn ủng hộ ông đã được đề nghị một sự phối hợp giữa bảo vệ và truy tố, với những lời hứa cung cấp tiền bạc và tỵ nạn chính trị, nhưng họ đang từ chối những đề nghị như thế, và muốn mở một cuộc điều tra về bầu cử và kiểm phiếu.

Tổ chức ECOWAS của Tây Phi, cũng như Liên hiệp quốc, Liên hiệp châu Phi và nhiều nước đều cho rằng ông Ouattara đã thắng cuộc bầu cử hôm 28 tháng 11, như được loan báo ban đầu bởi ủy ban bầu cử toàn quốc. Nhưng hội đồng hiến pháp Côte d’Ivoire đã dẹp bỏ những lá phiếu của miền Bắc do phiến quân kiểm soát, cáo buộc gian lận và giành chiến thắng cho ông Gbagbo.

Một cuộc tuần hành ủng hộ ông Gbagbo được dự định trong ngày hôm nay đã bị đình hoãn vô thời hạn, để dành thời gian cho đường lối ngoại giao, theo lời ban tổ chức. Nhưng trong một dấu hiệu về khả năng xảy ra thêm bạo lực, hôm qua, một đoàn xe của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc đã bị một đám đông hỗn loạn tấn công, và một nhân viên gìn giữ hòa bình đã bị vết thương do mã tấu.

Ông J.Peter Pham, một chuyên gia của Hoa Kỳ làm việc tại châu Phi, nói rằng cuộc khủng hoảng ở Côte d’Ivoire diễn ra vào một thời điểm khủng khiếp, trong lúc các nhà lãnh đạo chính của châu Phi và thế giới đang phải đối phó với nhiều vấn đề cấp bách.

Ông Pham cho biết: “Nigeria, nước nặng ký trong khối, không những đang trải qua tình trạng bạo động trong nước ngày càng gia tăng mà còn có những cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống của đảng cầm quyền trong vòng 2 tuần nữa, bị rối trí về vấn đề đó. Với cuộc trưng cầu dân ý của Sudan sắp tới, và mọi người đều tập trung vào vấn đề đó, nhất là Hoa Kỳ, thì đây là một vụ khủng hoảng không thể xảy ra vào một thời điểm tệ hại hơn xét về mặt thu hút sự chú ý của quốc tế.”

Trong vòng bạo động mới nhất xảy ra tại Abidjan trước đây trong tháng, trong mưu toan của những người ủng hộ ông Ouattara định chiếm đóng các công ốc, các nhân viên điều tra về nhân quyền nói rằng có hơn 170 người đã bị thiệt mạng. Họ còn cho biết các vụ bố ráp ban đêm do lực lượng an ninh và dân quân ủng hộ ông Gbagbo thực hiện, dẫn đền hàng chục vụ tra tấn, mất tích và bắt giữ.

Ông Pham không tin rằng mối đe dọa về hành động quân sự bên ngoài do ECOWAS thực hiện nhằm lật đổ ông Gbagbo sẽ được tiến hành, vì những lý do hậu cần cũng như những suy xét trong tương lai về sự khả tín của việc duy trì lực lượng gìn giữ hòa bình trung lập. Ông nói cho dù cuộc bầu cử được hoãn lại 5 năm nữa, thì ông Gbagbo và những người ủng hộ ông rõ ràng cũng chưa sẵn sàng để từ bỏ quyền lực.

Ông Daniel Chirot, một nhà xã hội học làm việc tại Hoa Kỳ đã từng nghiên cứu kỹ về tình hình ở Côte d’Ivoire, cũng đã tiên liệu kết quả này.

Ông Chirot nói: "Bất cứ giải pháp thuộc loại nào đều phải dựa trên nhận thức là ta không thể chỉ chỉnh đốn một xã hội bị chia rẽ sâu sắc bằng cách tổ chức một cuộc bầu cử trong đó một bên thắng, và bên kia thua rồi cảm thấy là phải bác bỏ kết quả bầu cử.”

Các cựu phiến quân vẫn còn chiếm đóng miền bắc Côte d’Ivoire cho hay họ đã bắt đầu cuộc nổi dậy vào cuối năm 2002 một phần bởi lẽ ông Ouattara không được phép ra tranh cử trong các cuộc bầu cử trước, giữa những mối nghi ngờ có liên quan đến quốc tịch của ông. Họ cũng muốn có thêm người miền bắc, nhiều người là cư dân bất hợp pháp và con cháu của công nhân di trú, được phép đi bầu.

Về mặt chính trị nội bộ, ông Stephen Smith, một nhà nhân chủng học và chuyên gia về châu Phi ở trường đại học Duke, nói rằng ông Ouattara có thể phạm một lổi lầm sách lược khi ông tái bổ nhiệm cho cựu thủ lãnh phiến quân Guillaume Soro lên làm thủ tướng trong chính phủ hậu bầu cử cho đến nay vẫn chỉ mang nặng tính biểu tượng. Ông Smith cho rằng có lẽ sẽ là điều không ngoan hơn nếu để cho ông Ouattara tăng cường thêm liên minh bầu cử với cựu Tổng thống Henri Konan Bedie.

Ông Smith nhận xét: “Ít nhất về mặt tâm lý, người ta sẽ lập luận rằng đấy là một tín hiệu cho thấy ông ta cần đến một quân đội. Ông Gbagbo có một quan đội trung thành và ông Ouattara cần có một quân đội và ông sẵn sàng liên minh với lực lượng phiến quân. Tôi cho rằng điều thực sự cướp đi chiến thắng của ông là liên minh của ông với ông Bedie, một nhân vật hiếu thắng hơn, trung phái hơn, ít ngả về phe quân đội hơn, mà ông đã từ bỏ quá nhanh và có thể là quá vội vã.”

Cho đến nay, ông Bedie và những người chủ chốt ủng hộ ông đã đứng về phe ông Ouattara về mặt chính trị, nhưng về mặt một phong trào kiểu như lực lượng quần chúng tại Abidjan, thì những lời kêu gọi tổ chức thêm các cuộc tuần hành chống ông Gbagbo, kêu gọi bất tuân dân sự và tổng đình công trong tuần này phần lớn đã không được để ý tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG