Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ chính thức chấm dứt sứ mạng chiến đấu tại Iraq


Hoa Kỳ chính thức chấm dứt sứ mạng chiến đấu tại Iraq
Hoa Kỳ chính thức chấm dứt sứ mạng chiến đấu tại Iraq

Tại một nghi lễ với cờ xí tung bay được cử hành ở một dinh thự trước đây của Saddam Hussein bên ngoài thủ đô Baghdad, quân đội Hoa Kỳ đã chính thức chấm dứt vai trò chiến đấu tại Iraq và chuyển giao quyền chỉ huy 50.000 binh sỹ Mỹ còn lại ở đó cho một tân Ðại tướng.

Ban quân nhạc của Hoa Kỳ đã tấu nhạc trong lúc quốc kỳ của Mỹ và Iraq tung bay, và binh sỹ và nhân viên dân sự Mỹ và Iraq ngồi chật cả sảnh đường sâu hun hút của dinh Al-Faw để chứng kiến Phó Tổng thống Joe Biden chủ tọa buổi lễ này. Ông lên tiếng:

“Chúng ta đã giữ lời hứa với nhân dân Hoa Kỳ và nhân dân Iraq bằng cách giảm các lực lượng của chúng ta xuống còn chừng 50.000 quân, và chúng ta cũng đang tiến hành rút toàn bộ binh sỹ của chúng ta vào cuối năm tới , theo như thỏa hiệp đã ký giữa Tổng thống Bush và chính phủ Iraq.”

Ông Biden cũng ghi nhận sự hy sinh của các lực lượng Hoa Kỳ và Iraq, cũng như của thường dân Iraq. Ông cũng nêu lên rằng hơn 1 triệu binh sỹ Mỹ đã được điều đến Iraq trong 7 năm rưỡi qua.

Phó Tổng thống Mỹ nói rằng sự can dự của Hoa Kỳ vào Iraq sẽ tiếp tục, không phải chỉ với vài ngàn cố vấn quân sự mà con số các nhân viên ngoại giao và các nhân viên cứu trợ cũng sẽ gia tăng. Ông cho biết tiếp:

”Mục tiêu của chúng ta không phải chỉ là một nước Iraq có an ninh, nhưng còn là một nước Iraq với kinh tế thịnh vượng và ổn định nữa.”

Để đạt được mục tiêu đó, Phó Tổng thống Hoa Kỳ khuyến nghị các chính trị gia Iraq hãy chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài đã gần 6 tháng nay để thành lập một tân chính phủ.

Những vụ tấn công của quân nổi dậy vẫn tiếp diễn tại Iraq, một số trên qui mô rất lớn. Nhưng ông Biden nói rằng tình trạng bạo động ở nước này đã xuống tới mức thấp nhất kể từ khi Hoa Kỳ cầm đầu cuộc tiến quân vào đây năm 2003.

Tư lệnh sắp xuất nhiệm, Tướng Ray Odierno, đã đồn trú tại Iraq tổng cộng 55 tháng để chỉ huy binh sỹ ở Iraq ở nhiều cấp độ khác nhau, nói rằng bây giờ là lúc để chấm dứt sứ mạng chiến đấu. Ông nói:

“Ngay cả đến ngày hôm nay vẫn có những người ngờ vực rằng các lực lượng an ninh Iraq chưa thể đảm nhận toàn bộ trách nhiệm gìn giữ an ninh. Đứng trước quí vị ngày hôm nay, tôi nói rằng họ đã sẵn sàng đảm nhận công tác đó."

Tướng Odierno nói Iraq mãi mãi là một phần đời của ông và ông trông mong đến ngày trở lại thăm viếng nước này.

Tư lệnh sắp nhậm chức, tướng Lloyd Austin, một năm trước đây là phó tư lệnh dưới quyền tướng Odierno, và đã từ một chức vụ cao trong ban tham mưu liên quân Hoa Kỳ tại Ngũ giác Đài được trực tiếp gửi sang Iraq nhận lãnh chức vụ. Ông nói:

”Chúng tôi khẳng định rõ là các lực lượng quân sự của chúng ta, và lực lượng quân đội của Iraq vẫn quyết tâm bảo đảm là nhân dân Iraq đi đến thành công, và chúng ta sẽ chứng tỏ quyết tâm bằng cách tiếp tục hợp tác với nhân dân Iraq."

Số binh sỹ mà giờ đây Tướng Austin chỉ huy là những lữ đoàn với đầy đủ khả năng của quân đội Hoa Kỳ nhưng nhiệm vụ của họ là ”cố vấn và trợ giúp” cho quân đội và cảnh sát Iraq. Điều đó có nghĩa là đôi khi họ sẽ cùng với lực lượng Iraq mở các cuộc tuần tra, nhưng công việc của họ là huấn luyện và hỗ trợ khi cần, chứ không phải lãnh đạo hay chiến đấu."

Nhưng con số binh sỹ khá động đảo của Hoa Kỳ còn ở lại nước này có thể giúp trong trường hợp khẩn cấp, và theo giới phân tích thì quân số đó cũng sẽ có một ảnh hưởng giúp ổn định hầu ngăn chặn tình trạng căng thẳng sắc tộc và phe phái tôn giáo, không để cho chúng bùng nổ thành những vụ bạo động.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG