Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki đã kết thúc cuộc đàm phán với Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) tại Vienna giữa lúc hai bên chưa giải quyết được những bất đồng về một đề nghị để trao đổi nhiên liệu hạt nhân được Liên hiệp quốc hậu thuẫn.
Một phát ngôn viên của IAEA mô tả các cuộc đàm phán giữa người đứng đầu Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế Yukiya Amano và Ngoại trưởng Mottaki của Iran là có tính cách “thuần túy công việc”.
Ông Mottaki cho biết ông đã nói với ông Amano rằng Teheran coi đề nghị trao đổi nhiên liệu được đề xuất hồi tháng 11 năm ngoái, là “vẫn còn để ngỏ”, và đề nghị này có triển vọng xây dựng niềm tin giữa các bên liên hệ.
Đề xuất này do Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế soạn thảo kêu gọi Iran gửi uranium sơ chế của họ sang Nga hoặc Pháp để được tinh chế thành nhiên liệu có thể được sử dụng trong một lò phản ứng hạt nhân có mục đích nghiên cứu y học ở Teheran.
Mục đích của đề nghị là nhằm kiềm chế khả năng của Iran tinh chế uranium đến mức có thể được dùng để chế tạo vũ khí.
Iran nhất định đòi trao đổi vật liệu hạt nhân ngay trên lãnh thổ nước họ, một ý kiến bị các cường quốc tây phương bác bỏ.
Các nước này tố cáo Iran đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân. Teheran một mực khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhắm các mục đích hòa bình.
Washington đang dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao để bảo đảm một đợt cấm vận mới tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để trừng phạt Iran về việc tiếp tục tinh chế uranium bất chấp đòi hỏi của quốc tế, yêu cầu Teheran ngưng tinh chế uranium.
Cùng lúc, Iran đang phát động một chiến dịch ngoại giao để ngăn chận đợt cấm vận mới. Ngoại trưởng Mottaki của Iran đã gặp vị tương nhiệm Áo, ông Michael Spindelegger trong các buổi họp riêng hôm Chủ nhật tại Vienna.
Ông Spindelegger nói Iran phải chứng tỏ họ sẵn sàng hợp tác để giải quyết cuộc tranh chấp. Ngoại trưởng Aó nói thời gian đang gấp rút, Iran phải hành động tức thời nếu muốn tránh một đợt cấm vận mới.
Trong một diễn biến mới, Nga cho hay Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã thảo luận vấn đề hạt nhân Iran với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton qua một cuộc điện đàm hôm thứ Bảy.
Bộ Ngoại giao Nga nói hai vị Ngoại trưởng đồng ý với nhau rằng các bước mới hướng tới việc giải quyết cuộc tranh chấp, phải tính đến quan điểm của tất cả 6 cường quốc thế giới tham gia vào các nỗ lực hòa giải với Iran. 6 cường quốc ấy gồm có Nga, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức.
Moscow đã bày tỏ lập trường sẵn sàng ủng hộ những biện pháp cấm vận nào không tác hại đến công chúng Iran, trong khi Trung Quốc tuyên bố ủng hộ giải pháp đối thoại để giải quyết cuộc tranh chấp.