Theo Hội Ân Xá Quốc Tế thì Iran đang đàn áp những người bất đồng chánh kiến trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào ngày mùng hai tháng Ba và đã phát động một “đạo quân vi tính” để ngăn chặn Internet và mạng lưới truyền thông xã hội.
Bà Suzanne Nossel, giám đốc điều hành Hội Ân Xá Hoa Kỳ đã nói với Mạng lưới Tin tức tiếng Ba Tư của đài VOA rằng “điều chúng tôi thấy là sự gia tăng các mô thức vi phạm nhân quyền.” Bà nói chính phủ Tehran đã đàn áp các nhà báo, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia, và các nhân vật đối lập.
Bà Nossel nói Tehran đã bố trí một đội cảnh sát mạng được huấn luyện trong các quán cà phê Internet để thi hành lệnh đàn áp khiến rất khó cho bất cứ ai muốn thâu thập tin tức hay liên lạc với thế giới về bất cứ vi phạm nào – như họ đã làm hồi năm 2009 khi các cuộc biểu tình đông đảo bị chính phủ đàn áp tàn bạo.
Những người hoạt động đối lập, những nhà chủ trương cải tổ và các sinh viên vào lúc đó đã sử dụng facebook, Twitter, điện thoại di động để truyền đi các video hầu báo động với thế giới về cuộc đàn áp đẫm máu, một kỹ thuật cũng được sử dụng trong các cuộc nổi dậy trên khắp thế giới nói tiếng Ả Rập trong năm ngoái.
Bà Nossel nói họ đã thấy dân chúng sử dụng điện thoại di động, máy vi tính, Internnet để nối kết với nhau, để tổ chức và huy động, và tôi nghĩ là quyết định tập trung cao độ vào việc tạo ra một đội cảnh sát mạng, cũng như hạn chế chặt chẽ việc truy cập Internet và khả năng của dân chúng kết nối với nhau là một cách ứng phó trực tiếp trước hành động đó.
Các cuộc biểu tình ở Iran đã là một phản ứng trước việc tái đắc cử của Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad trong một cuộc bầu cử mà nhiều người Iran nói là gian lận.
Khamenei nói rằng thắc mắc về kết quả bầu cử là một tội hình sự
Nhiều nhân vật chủ trương cải tổ tin là nhà lãnh đạo đối lập Mir Hossein Mousavi lẽ ra là người thắng cử trong một cuộc kiểm phiếu xác thực. Hằng chục ngàn người xuống đường trong Phong Trào Xanh, bởi vì những người biểu tình lấy màu xanh lá cây là biểu tượng cho phong trào, vì nó là biểu tượng cho cuộc vận động tranh cử của ông Mousavi.
Các cuộc biểu tình dẫn tới những vụ đụng độ với cảnh sát và các dân quân thân chính phủ. Một người chết trong cuộc biểu tình là một phụ nữ, cô Neda Agha-Soltan, vụ cô bị bắn chết, được thâu video bằng điện thoại di động và đã được truyền đi khắp thế giới.
Hồi tháng Tám năm 2009, ông Ahmadinejad đòi các nhà lãnh đạo đối lập phải bị truy tố về tội chủ mưu gây xáo trộn, Các cuộc biểu tình này cuối cùng đã nhạt dần vì vụ trấn áp và hồi tháng Mười, nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei nói thắc mắc về kết quả cuộc bầu cử là một tội hình sự.
Các đảng chính trị ủng hộ cải tổ đã bị cấm hoạt động và các nhà lãnh đạo đối lập Mousavi và Mehdi Karroubi đã bị quản thúc tại gia trong năm vừa qua. Bà Nossel tin là vụ đàn áp những người đối lập chính trị, đặt họ trong tình trạng giam giữ tại nhà chỉ là một nỗ lực cố ý để củng cố chế độ.
Giới hữu trách Iran vẫn hối thúc lực lượng an ninh cảnh giác chống lại những mối đe dọa của kẻ thù trong thời gian sắp diễn ra cuộc bầu cử năm nay.
Mới đây, Ayatollah Khamenei nói “bộ máy tuyên truyền của kẻ thù và báo chí của phe nhóm ngạo mạn đã khởi sự một nỗ lực rộng lớn để làm cho cuộc bầu cử quốc hội không có được vẻ huy hoàng. Nhưng tất cả mọi người nên biết rằng sự tham gia của nhân dân trong cuộc bầu cử này sẽ đưa đất nước tiến lên … một cuộc bầu cử đầy sôi nổi sẽ là một đòn nặng giáng vào kẻ thù.”