Thông tín viên VOA Jerome Socolovsky ở Washington cho hay: từ Trung Quốc đến Iran, các blogger đã gióng lên tiếng nói bất mãn tại những nơi mà trước giờ ít nghe hoặc chưa bao giờ nghe tới.
Nhưng một nhóm nhà làm luật và nhà hoạt động tự do báo chí ở Hoa Kỳ đã lên tiếng báo động về hiện tượng kiểm duyệt báo chí online trên khắp thế giới.
Ông Robert Mahoney, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Ký giả nói: “Blogger sẽ bị thiệt thòi hơn các nhà báo truyền thống. Lý do các nhà báo truyền thống thường làm cho một tờ báo, một đài có nề nếp. Họ có đồng nghiệp, các luật sư giúp đỡ khi gặp khó khăn; trong khi các blogger làm việc độc lập, tự mình làm chủ, không có hậu thuẩn, tự mình phải lo lấy thân mỗi khi đứng trước cỗ máy đàn áp khổng lồ.”
Ủy ban Bảo vệ Ký giả cho biết năm ngoái họ tổng kết có đến 68 blogger khắp thế giới bị bắt, chiếm phân nửa số nhà báo đang ngồi tù.
Nhiều người lo ngại các blogger chưa bị tù sẽ chọn thái độ tự kiểm duyệt, trước sức đàn áp của chính phủ.
Omid Memarian, một blogger người Iran đã bị giam vào năm 2004 về tội viết báo trên Internet. Sau khi được thả, anh bỏ xứ và theo dõi các cuộc biểu tình sau bầu cử Tổng thống vào tháng 6 năm 2009.
Anh nói: “Nếu không có Internet, chỉ có Trời mới biết có bao nhiêu người đã bị giết trên đường phố Tehran và các thành phố khác.”
Internet đã được sử dụng để phơi bày chuyện tra tấn, tổ chức biểu tình công cộng, và nâng các hạn chế về những gì có thể phát biểu được tại các quốc gia sống dưới chế độ bạo quyền.
Phong trào viết blog nở rộ tại Trung Quốc trong những năm gần đây. Bà Tienchi Martin-Liao thuộc trung tâm văn bút PEN của Trung Quốc ước tính nước này có khoảng hàng chục triệu blogger. Nhưng chính quyền đang sử dụng công nghệ được các nước phương Tây chế ra để theo dõi mọi thứ, từ email cho tới gọi điện thoại qua Internet.
Bà đề nghị: “Các công ty phương Tây nên noi gương Google và ngưng hợp tác với chính phủ Trung Quốc. Liệu họ chỉ muốn nhắm mắt để kiếm ăn, hay muốn đóng góp để đưa Trung Quốc ra khỏi cái thế tiến thoái lưỡng nan, ra khỏi cơ chế kiểm soát của chính quyền?”
Những người bênh vực quyền tự do báo chí nói rằng có rất nhiều phần mềm giúp các nhà báo online khắc phục hiện tượng kiểm duyệt, nhưng chính quyền các nước như Iran hoặc Trung Quốc ngày càng có những cách tinh vi để ngăn chận và tuyên truyền cũng bằng các trang blog.
Các nhóm bênh vực nhân quyền nói rằng Internet đã trở thành một bãi chiến trường mới cho quyền tự do báo chí vì các chế độ toàn trị khắp thế giới đang truy quét các blogger có ý kiến khác với chế độ.