Viết loạt bài “Văn hoá blog” này, tôi đọc khá nhiều sách, trong đó, có nhiều tài liệu nhất là cuốn “Blogosphere, the New Political Arena” của Michael Keren do Lexington Books xuất bản năm 2006. Trong cuốn sách ấy, có một trích dẫn tôi rất lấy làm tâm đắc: Theo Ted Landphair, nếu cuốc chiến Mỹ - Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 19 là cuộc chiến báo chí, Đệ nhị thế chiến là cuộc chiến radio, chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến ti vi thì hai cuộc chiến tranh ở Iraq vào đầu thập niên 1990 và đầu thế kỷ 21 vừa qua là cuộc chiến tranh internet. (tr. 6)
Xin nói một chút về cuộc chiến ti vi.
Giới sử gia và nghiên cứu chính trị thường gọi chiến tranh Việt Nam là chiến tranh ti vi (television war) hay chiến tranh truyền thông (media war) hay chiến tranh trong phòng khách (lounge room war): Tất cả đều nhấn mạnh đến vai trò của ti vi trong cuộc chiến tàn khốc và kéo dài đăng đẵng ấy, trong đó nạn nhân chủ yếu là chính chúng ta, người dân ở cả hai miền Nam và Bắc, không những trước 1975 mà còn cả khá lâu sau đó nữa.
Thời ấy, vào đầu thập niên 1960, kỹ nghệ truyền hình ở Mỹ phát triển rất mạnh. Hầu hết các gia đình ở Mỹ đều có ti vi. Họ xem quảng cáo chủ yếu trên ti vi. Họ xem phim và các chương trình giải trí khác chủ yếu trên ti vi. Và, quan trọng nhất, họ xem tin tức ở Mỹ cũng như khắp nơi trên thế giới cũng chủ yếu trên ti vi. Đáp ứng nhu cầu ấy, vào khoảng giữa thập niên 1960, cả ba hệ thống truyền thông lớn ở Mỹ, ABC, NBC và CBS đều tăng thời lượng phát tin buổi tối từ 15 đến 30 phút.
Say mê trước phương tiện truyền thông đại chúng mới mẻ và hấp dẫn ấy, chính phủ Mỹ đã vấp phải một sai lầm nghiêm trọng trong chiến tranh Việt Nam: Họ cho phép các phóng viên chiến trường đến bất cứ nơi nào các phóng viên ấy muốn. Không những cho phép, họ còn mời mọc. Phóng viên có thể len lách vào bất cứ ngõ ngách nào của cuộc chiến. Phóng viên được tháp tùng tướng lãnh và binh sĩ trong các trận đánh. Những hình ảnh nóng hổi của chiến tranh được phát rộng rãi trên hệ thống truyền hình Mỹ mỗi ngày, mỗi ngày. Hậu quả là chiến tranh Việt Nam lôi cuốn không phải chỉ có đám thanh niên đến tuổi quân dịch mà còn toàn bộ dân chúng, từ người già đến trẻ thơ, từ giới trí thức đến giới bình dân, từ cánh đàn ông vốn hay quan tâm đến chính trị đến những người phụ nữ, là mẹ và là vợ, vốn, theo truyền thống, ít chú ý đến các cuộc bắn giết, nhất là ở những xứ sở xa lơ xa lắc. Thế nhưng, với chiếc máy truyền hình để ngay giữa phòng khách, người ta vừa ăn tối vừa nhìn hình ảnh lính Mỹ, trong đó, có thể có chồng, con, cháu, bạn bè, người thân quen của họ đang lặn lội trong rừng sâu, nổ súng vào những người dân xa lạ, và có thể bị những người xa lạ ấy bắn giết.
Có thế nói ti vi đã giản lược hoá một cuộc chiến tranh vô cùng phức tạp giữa nhiều lực lượng và với những động cơ hoàn toàn khác nhau, vừa ở tầm quốc gia vừa ở tầm quốc tế, vừa có tính chất ý thức hệ vừa có tính chất địa phương chủ nghĩa, thành một số hình ảnh rất cụ thể, và vì cụ thể nên thành thiên lệch. Trong số các hình ảnh ấy, nổi bật là hình ảnh Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963, hình ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan chĩa súng bắn vào đầu một người lính Bắc Việt vào tết Mậu Thân, và hình ảnh Kim Phúc trần truồng chạy với vết lửa từ bom Napalm cháy rực sau lưng vào năm 1972.
Tiếc, cả ba hình ảnh ấy đều quy tội vào một hướng: chính phủ miền Nam. Hậu quả là, dưới mắt dân chúng Mỹ, cuộc chiến tranh, thoạt đầu, được tuyên truyền như một chính nghĩa, sau, dần dần, dưới mắt dân chúng, biến thành một sự phi lý. Ý thức phản chiến càng lúc càng phát triển mạnh mẽ. Và phong trào phản chiến bùng nổ khắp nơi. Tham gia vào các phong trào phản chiến ấy có những thành phần vốn được xem là phi-chính trị trước đây: học sinh, sinh viên và nhất là phụ nữ. Họ, chính họ, đã tạo nên một sức ép mạnh mẽ lên chính quyền Mỹ; cuối cùng, chính phủ Mỹ đã nhượng bộ bằng cách rút quân ra khỏi Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều người cho Mỹ không thua trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Họ chỉ thua cuộc chiến tranh trên ti vi ở ngay trên đất nước của họ.
Đó là một trong những bài học lớn nhất mà Mỹ đã học được từ chiến tranh Việt Nam. Và họ đã áp dụng nó một cách triệt để trong hai cuộc chiến tranh ở Iraq và ở Afghanistan hiện nay. Ở cả ba cuộc chiến tranh, phóng viên chiến trường không được phép theo quân đội ra mặt trận. Nhiều phóng viên kể: khi đến vùng Vịnh để theo dõi và tường thuật các diễn biến cuộc chiến ngay tại chỗ theo yêu cầu của các toà báo, họ chỉ làm được mỗi một việc là ngồi trong căn phòng nào đó, mở ti vi lên, xem chương trình tin tức của CNN để biết những gì đang xảy ra ở vùng Vịnh! Mà những hình ảnh ấy do ai cung cấp? Do quân đội Mỹ! Chúng được gạn lọc rất kỹ. Hầu hết là những hình ảnh từ xa: các phản lực cơ chiến đấu vừa cất cánh, các hoả tiễn vừa được bắn, kéo theo những vệt sáng trong đêm, các chiếc xe chở đầy lính lăn bánh trên đường, các tướng lĩnh đang đăm đăm nhìn lên các tấm bản đồ trên tường. Hết. Không thấy cảnh những em bé bị bom napalm gào thét đau đớn và kinh hoàng với những ngọn lửa đỏ rực trên thân thể trần truồng như hình ảnh Kim Phúc ngày nào. Không thấy cảnh những xác người bị giết chồng chất trên mặt đất như vụ Mỹ Lai. Không thấy cảnh người nào dí súng vào đầu quân địch như hình ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan hồi Tết Mậu Thân. Chính vì vậy, Jean Baudrillard mới lý luận: cuộc chiến ở vùng Vịnh vào năm 1991 là không có thật (“The Gulf War Did Not Take Place” do Paul Patton dịch sang tiếng Anh, Power Publications xuất bản tại Sydney năm 1995).
Không có ti vi, hầu hết các tin tức về cuộc chiến tranh ở Iraq vào năm 1991 và 2003 cũng như chiến tranh Afghanistan hiện nay đều đến chủ yếu từ internet.
Trên internet, hình thức chính là blog.
Qua các blog do binh sĩ hoặc thường dân viết, người ta mới tiếp cận được những thông tin chính xác và cụ thể nhất của chiến tranh, từ những nỗi sợ hãi, đau đớn đến hoài nghi, thất vọng, phẫn nộ, hoang mang, và bế tắc của chiến tranh; người ta mới thấy được máu và nước mắt; nghe được những tiếng khóc và những tiếng thở dài của những người dân vô tội. Blog làm cho cuộc chiến tranh trở thành có thật chứ không phải chỉ là những ý niệm xa xôi, mơ hồ và trừu tượng nữa. Blog trám vào các khoảng trống do các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống để lại.
Trong chiến tranh, blog đóng vai trò quan trọng như thế. Ở các nước độc tài, blog cũng đóng vai trò tương tự.
Khi tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng đều nằm trong tay nhà nước hoặc bị nhà nước kiểm soát và kiềm chế, bằng cách nào người dân biết được sự thật? Trước, chủ yếu là tin đồn bằng miệng. Bây giờ là blog. Blog trở thành lối thoát duy nhất cho những người thấp cổ bé miệng. Và của sự thật.
Mà không phải chỉ ở những xứ độc tài toàn trị như Việt Nam. Ngay ở những quốc gia tự do, thật tự do, như Mỹ, chẳng hạn, blog cũng là một lối thoát để vượt khỏi ách độc tài của các thế lực thương mại. Theo Ben Compaine, trong bài “Does Rupert Murdoch control the media? Does anyone?”, mười công ty truyền thông lớn nhất vào thập niên 1980 cung cấp 38 phần trăm, và vào thập niên 1990, 41 phần trăm tổng số tin tức được phổ biến tại Mỹ. Viết năm 2004, Compaine, dù sao, cũng lạc quan khi cho tình trạng ấy không tăng vọt theo thời gian và viễn tượng một sự độc quyền về thông tin vẫn còn xa vời. George Washington, trong bài “Blogs: Crucial or a Waste of Time?” đăng trên Washington’s Blog ngày 31 tháng 3 vừa qua, bi quan hơn, khi đồng ý với Dan Rather cho khuynh hướng độc quyền hoá trong thông tin càng lúc càng nhảy vọt trong suốt mấy thập niên vừa qua. Hiện nay, theo ông và Dan Rather, “khoảng 80 phần trăm truyền thông tại Mỹ bị kiểm soát bởi dưới sáu, có thể chỉ là bốn, tổ hợp khác nhau” mà thôi.
Đồ biểu dưới đây cho thấy độc quyền hoá các tổ hợp truyền thông (bao gồm báo chí, tạp chí, truyền hình và truyền thanh, sách, nhạc, phim ảnh, video, v.v...) tại Mỹ từ năm 1983 đến 2004:
Dĩ nhiên, ở các xã hội tự do, chú tịch hay tổng giám đốc các tổ hợp lớn hay giám đốc các công ty truyền thông thường ít khi trực tiếp chi phối nội dung bài vở của nhân viên hoặc cộng tác viên. Tuy nhiên, dù sao họ cũng có những định hướng nhất định. Có định hướng là có hạn chế. Bởi vậy, không có gì lạ khi nhiều người tin blog là một trong những cách thức khắc phục những hạn chế.
Còn việc khắc phục được đến đâu thì lại là một việc khác.
Còn phải chờ xem.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.