Bảy người thiệt mạng và hàng trăm nhà cửa, xe cộ bị đốt trong một cuộc bạo loạn chết người tại Ambon, miền đông Indonesia vào ngày 11 tháng 9. Bạo động bắt đầu sau cái chết của một người đàn ông Hồi Giáo đưa đến những lời đồn đãi rằng nạn nhân đã bị những người theo Cơ Đốc Giáo bắt và tra tấn. Tin đồn lan tràn qua các tin nhắn trên điện thoại di động, trên các trang Twitter và Facebook.
Tiếp sau vụ tấn công, những trang mạng cực đoan như Arrahmah.com đăng tin nhắn yêu cầu được cấp vũ khí tốt hơn và nhiều chiến binh hơn. Trang mạng này do Muhammad Jibril, lãnh tụ của Jemmah Islamiyah, thành lập.
Một trang mạng khác nói chừng nào mà Hồi Giáo còn bị đàn áp tại Ambon, thì những vụ đánh bom tự sát tương tự như đã xảy ra ở Solo hồi cuối tháng 9, sẽ vẫn tiếp tục.
Bà Sidney Jones, một nhà phân tích chuyên về khủng bố của Tổ chức nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế, nói các trang mạng xã hội là phương tiện quan trọng để thành phần chủ trương thánh chiến củng cố ý thức hệ cực đoan của họ, và khích động công chúng; tuy nhiên, ngăn chận các trang mạng đó không phải là câu trả lời.
Bà Jones nói: “300 trang mạng đã bị chặn, nhưng những trang mạng nguy hiểm nhất vẫn còn và còn được nâng cấp nữa, cho nên không rõ mục đích muốn đạt ở đây là gì. Nhưng thực tế là nếu một trang mạng bị chặn, thì chỉ khoảng 6 giờ sau đó, một trang khác lại xuất hiện và cũng do cùng nhóm người thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh các trang blog và các trang web tương tự mọc lên như nấm.”
Tổ chức nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế vừa công bố một phúc trình trình bày chi tiết về cách thức các phần tử bảo thủ cực đoan đã khai thác những căng thẳng mới đây tại Ambon, bằng cách tải lên mạng những thông điệp có tính khích động.
Phúc trình này cũng xem xét cách thức một tổ chức ôn hòa, đa tôn giáo, đã dùng trang mạng xã hội để đối phó với những lời lẽ khích động hận thù.
Khi tổ chức Hồi Giáo và Cơ Đốc Giáo tại Ambon, được biết dưới tên là “nhóm kêu gọi hòa bình” nghe tin đồn rằng một nhà thờ đã bị phá hủy, tổ chức này chụp hình ngôi nhà thờ đó trong tình trạng nguyên vẹn, không thiệt hại, và phát tán tấm ảnh đó trên các trang mạng xã hội.
Bà Jones nói các nỗ lực tương tự đã tránh được tình huống tranh chấp leo thang hơn.
Bà nói: “Tôi nghĩ trong trường hợp ở Ambon, nhiều người rất rành sử dụng những tin nhắn, Twitter và Facebook đã phơi bày những tin đồn có mục đích xấu và chứng minh các tin đồn ấy là sai, và phát tán sự thật qua các trang mạng xã hội tức thời, đồng thời đưa người đến khu vực bị ảnh hưởng vì các tranh chấp… Đó là phương cách tốt nhất để đối phó với tình hình, và trong một số trường hợp phương pháp này đã chứng tỏ là hữu hiệu hơn xa, so với nỗ lực đóng cửa các trang mạng.”
Ông Slamet Effendy, một nhân vật quan trọng có chân trong một trong những tổ chức Hồi Giáo lớn nhất Indonesia, là Nadhatul Ulama, lên án cuộc xung đột giáo phái tại Ambon và vụ đánh bom tự sát tại một nhà thờ ở Đông Java.
Lưu ý rằng các trang mạng xã hội có thể là một phương tiện tốt để cổ vũ cho lòng khoan dung, ông Ulama nói cần phải làm nhiều hơn nữa để đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố.
Phản ứng trước nhiều vụ xung đột giáo phái tại Indonesia, chính phủ nước này đã chặn 300 trang mạng bị xem là cực đoan. Bất chấp các nỗ lực này, hàng trăm trang mạng khác vinh danh các cuộc thánh chiến vẫn có thể được truy cập trên Internet. Thông tín viên Kate Lamb tường trình rằng tại một quốc gia nơi các trang mạng xã hội đang phát triển nhanh chóng, một số nhà phân tích nói rằng có thể phương pháp hay hơn chống những phát biểu đầy thù hận đó, là sử dụng các chiến thuật trên mạng của thành phần tôn giáo ôn hòa.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1