Cảnh sát Sharia giải tán một đám người đang chơi domino. Bất chấp sự phản đối của những người nói là họ không đánh cờ bạc, cảnh sát đã tịch thu bộ bài domino và lần này chỉ cảnh cáo họ. Vụ việc kết thúc một cách vui vẻ bằng một cái bắt tay nhưng đây là một công tác nghiêm túc.
Năm 1999, Indonesia thoạt tiên đã cho phép tỉnh Aceh bảo thủ trên đảo Sumatra được thực thi một phần bộ luật Sharia. Bộ luật này chỉ áp dụng với các tín đồ Hồi giáo. Trong nhiều năm, các tòa án và cảnh sát Sharia được thành lập và trở nên mạnh hơn sau thỏa thuận hòa bình năm 2005 kết thúc cuộc chiến giành độc lập kéo dài 30 năm.
Ủy viên Cảnh sát Darmansyah, người đứng đầu phân bộ Thông tin Cảnh sát Sharia, cho hay 7 ngàn nhân viên trong đội cảnh sát Sahria ở Aceh áp dụng các lệnh cấm cờ bạc, uống rượu và ngoại tình, và các quy định về trang phục của phụ nữ. Nhưng ông nói họ tự coi họ là nhân viên giáo dục hơn là những người thi hành công lực.
Ông Darmansyah nói rằng ngay cả những vụ đánh những người phạm tội ngoại tình bằng roi trước công chúng cũng được thực hiện để giáo dục.
Ông này nói rằng bản chất của việc đánh bằng roi không phải để gây thương tích hay thiệt mạng cho người phạm tội. Nó chỉ được dùng để họ biết tội, và roi vọt là một cách khuyên nhủ để họ phải suy xét lại hành động của mình.
Ông cho biết các toán tuần tra cảnh sát Sharia toàn nam giới thường dùng toàn bộ thời gian để khuyên nhủ phụ nữ đội khăn choàng đầu và tìm cách ngăn chia các cặp chưa thành hôn. Nhiều phụ nữ ở Aceh, như bà Ernanianti, ủng hộ các nỗ lực của họ nhằm thực thi các giá trị và hạnh kiểm Hồi giáo.
Bà Ernianti nói tuy phụ nữ thường trở thành nạn nhân, bà cho rằng cơ bản chính là lỗi của họ bởi vì họ không chịu đội khăn choàng lên.
Và cô Eci 22 tuổi thì nói rằng luật Sharia nên cấm luôn việc bán các trang phục không phải là Hồi giáo.
Cô Eci nói mọi sự sẽ khác nếu như thị trường chỉ bán quần áo Hồi giáo. Điều đó sẽ khiến tất cả mọi người ở đây mặc sắc phục hồi giáo và sẽ không có việc mặc quần áo bó sát hở hang.
Phó thị trưởng tỉnh Banda Aceh, bà Illiza Sa’aduddin Djamal nói đại đa số người Hồi giáo ở đây ủng hộ luật Sharia.
Bà Djamal nói chỉ có một số ít người do dự tuân thủ luật Sharia và họ có xu hướng nổi loạn.
Một người nổi loạn như thế là cô sinh viên Nindi Silvie, 22 tuổi. Cô nói chính phủ nên có những việc tốt để làm hơn là can dự vào đời sống cá nhân của cô.
Cô Silvie cho rằng họ phải nghĩ cách thoát khỏi nền kinh tế xấu, tìm cách xây dựng một xã hội tốt đẹp, tìm cách tăng cường giáo dục trẻ em, vân vân, thay vì nói nguyên tắc đạo đức của anh là xấu và nguyên tắc đạo đức của tôi là tốt.
Bà Evi Zain, thuộc liên minh nhân quyền HAM Aceh, nói bản chất dọa nạt của việc thực thi luật Sharia ở Aceh đang tạo ra một nền tảng văn hóa áp bức phụ nữ.
Bà Zain nói rằng có rất nhiều cáo buộc đối với phụ nữa chứa đựng sự xách nhiễu. Theo bà, vấn đề là mợt số người không có đủ can đảm và không quen bầy tỏ ý kiến của mình.
Bà Zain nói cảnh sát Sharia thường lạm dụng quyền của họ. Tại một ngôi làng, họ đã cấm phụ nữ mặc quần và buộc họ phải mặc váy dài. Một số cảnh sát Sharia đã bị bắt về tội lạm quyền và thậm chí cả tội hiếp dâm.
Tuy bà Zain ủng hộ các giá trị cổ truyền mà đạo luật Sharia tìm cách duy trì, bà nói bất cứ ai chỉ trích việc cưỡng bức thi hành luật đều bị gán cho tội chống đạo Hồi.
Bà nói ngày càng có nhiều vụ việc dùng bạo lực chống lại phụ nữ ở Aceh có liên quan đến thái độ của nhiều người cho rằng phụ nữ không tuân hành các luật lệ do nam giới áp đặt đáng phải chịu sự trừng phạt.
Tại tỉnh Aceh của Indonesia, cảnh sát Sharia thi hành một số quy định về đạo đức nghiêm khắc nhất trong nước. Cảnh sát Sharia cho hay nhiệm vụ của họ chủ yếu là giáo dục cho người Hồi giáo hiểu rõ hơn về các giá trị của đạo Hồi. Nhưng một số tổ chức nhân quyền cho rằng các phương pháp của họ bao gồm việc xách nhiễu và ngược đãi, nhất là đối với phụ nữ. Thông tín viên VOA Brian Padden đã tham dự một cuộc tuần tra với cảnh sát Sharia tại thủ phủ Banda Aceh, và ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.