Cuộc họp đánh dấu kỷ niệm năm thứ 60 Hội nghị Á-Phi, kéo dài 1 tuần lễ, đã khai mạc ở Jakarta hôm Chủ nhật với sự tham dự của đại biểu từ 77 nước và trên 30 nguyên thủ quốc gia dự kiến sẽ đến dự cuộc họp. Ban tổ chức Indonesia xem hội nghị này như một phương cách nhằm gia tăng các chương trình hợp tác và phát triển giữa các nước đang phát triển.
Hội nghị Á-Phi được tổ chức lần đầu tiên ở thành phố Bandung của Indonesia năm 1955, nhằm mục đích cổ võ việc giành lại tự do từ ách thống trị của thực dân và chống ảnh hưởng từ 2 siêu cường: Hoa Kỳ và Liên Xô.
Tại buổi lễ kỷ niệm lần thứ 60th ở Jakarta và Bandung, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia, Arrmanatha Nasir nói rằng trọng tâm hội nghị lần này khác:
“Tôi nghĩ chủ đề chính là phát triển. Nó bảo đảm người dân Á châu và Phi châu bớt nghèo khó và giảm bớt khoản cách phát triển giữa Á châu và Phi châu.”
Hội nghị Á-Phi là sự kiện dẫn đến việc thành lập Phong trào Phi Liên kết. Với sự kết thúc thời kỳ chiến tranh lạnh, một số nhà phân tích nêu nghi vấn về sự thích đáng của các tổ chức đa quốc gia. Các cuộc họp thường đầy những ngôn từ chống phương Tây nhưng lại không có chương trình hợp tác nào.
Năm nay, Tổng thống Indonesia Joko Widodo muốn đề ra một khuôn khổ mới cho các nước đang phát triển, dựa trên tinh thần hợp tác và phát triển. Trong suốt hội nghị này, ban tổ chức Indonesia sẽ khuyến khích sự gia tăng Hợp tác Nam-Nam, có thuật ngữ có nghĩa là hợp tác trực tiếp giữa các nước đang phát triển và hợp tác tam giác liên quan đến các nước đang phát triển cùng làm việc bên cạnh các quốc gia tân tiến phương Tây cung cấp sự trợ giúp.
Ông Dian Triansyah Djani, một viên chức cao cấp trong Bộ Ngoại giao Indonesia, nhấn mạnh nước ông, với sự tài trợ và hỗ trợ của Na Uy, đang cung cấp 45 chương trình trợ giúp cho Afghanistan trong các lãnh vực y tế, giáo dục và nông nghiệp như thế nào, trong số các chương trình khác nữa.
Ông nói không một quốc gia nào có thể làm được việc này một mình:
“Nhu cầu thì bao la và các chương trình mà chúng tôi được dự kiến sẽ đảm nhiệm lớn đến nổi một nước như Indonesia sẽ không đủ, hay bất cứ một nước đang phát triển nào sẽ có đủ khả năng, mà không hợp tác với các đồng nghiệp khác từ các nước phát triển.”
Ông Stig Traavik, Đại sứ Na Uy tại Jakarta, nói rằng các nước thuộc thế giới Hồi giáo có thể liên kết một cách dễ dàng hơn với kinh nghiệm trong lãnh vực phát triển và dân chủ của Indonesia, quốc gia có thành phần dân Hồi giáo đông nhất thế giới.
“Indonesia là siêu cường trong một lãnh vực, đó là chủ nghĩa thực dụng, sự dung chấp và ôn hoà,” ông Traavik nói.
Ban tổ chức cho biết họ cũng muốn gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng của các nước đang phát triển trong Liên Hiệp Quốc, mặc dù Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Hoa Kỳ nắm quyền phủ quyết với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
Theo chương trình, trong những ngày tới đây các nguyên thủ quốc gia từ Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Phi, Ethiopia và Pakistan sẽ phát biểu trước hội nghị.