Đường dẫn truy cập

Bị soi xét, Indonesia thông báo hoãn hành quyết các can phạm nước ngoài


Một cảnh sát Indonesia đứng gác ở Cilacap, miền trung Java, Indonesia trong khi một chiếc phà, cùng với các phương tiện chống đạn khác chở hai tù nhân người Australian đến đảo Nusakambangan island, 4/3/2015.
Một cảnh sát Indonesia đứng gác ở Cilacap, miền trung Java, Indonesia trong khi một chiếc phà, cùng với các phương tiện chống đạn khác chở hai tù nhân người Australian đến đảo Nusakambangan island, 4/3/2015.

Các giới chức Indonesia hôm thứ Sáu cho hay họ chưa biết chắc thời điểm các vụ hành quyết đã định cho các tù nhân nước ngoài là công dân của nửa chục nước, đã bị xét can tội buôn bán ma tuý. Áp lực đè nặng lên Jakarta, nhất là từ phía Australia, có thể gây ra những hậu quả về kinh tế và chính trị.

Một phát ngôn viên của bộ trưởng tư pháp Indonesia hôm thứ Sáu nói rằng không có thời biểu rõ ràng cho vụ hành quyết 11 tù nhân đang bị giam giữ tại một nhà tù được canh phòng tối đa trên Đảo Nusakambangan.

Các tù nhân chờ bị xử bắn là những người mang quốc tịch Australia, Brazil, Philippines, Pháp, Ghana, Nigeria và Indonesia, tất cả đều bị xét là can tội buôn lậu ma tuý hay dính líu đến ma tuý bất hợp pháp.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bày tỏ lập trường cứng rắn khi quyết định tuyên án tử hình và nói rằng mục đích là để bảo vệ thanh niên Indonesia, và chính phủ đã tuyên bố “tình trạng khẩn trương” trong cái được gọi là một cuộc chiến chống ma tuý.

Hồi đầu năm nay, chính phủ đã hành quyết sáu đối tượng buôn lậu ma tuý người Brazil, Malawi, Nigeria, Hà Lan và Việt Nam, cùng với một phụ nữ Indonesia.

Sự kiện đó đã khiến Brazil và Hà Lan triệu hồi đại sứ của họ. Các nước ngoài sau đó đã vận động ráo riết đòi Indonesia bãi bỏ vòng hành quyết mới nhất, với lập luận chống lại hình phạt nặng nề. Nhưng cho đến giờ này, chưa có ai được khoan hồng.

Các tổ chức nhân quyền như Hội Ân xá Quốc tế cũng đã phản đối, và nói rằng việc chính phủ dường như không chịu cứu xét khoan hồng trên cơ sở từng trường hợp một đi ngược lại với hiến pháp của nước này.

Ít nhất hai tù nhân, ông Rodrigo Gularte, 49 tuổi, người Brazil và công nhân di trú Jane Fiestal Veloso, 30 tuổi, người Philipiines, nói rằng bà đã bị lường gạt tham gia buôn lậu ma tuý vào năm 2010, đang được xét lại.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, ông Charles Jose nói với giới truyền thông Philippines rằng ông hoan nghênh việc duyệt lại pháp lý này.

“Chúng tôi hy vọng nay khi vụ việc được sự chấp thuận của Tối cao Pháp viện, có nghĩa là sẽ không có việc hành quyết cho đến khi hoàn tất thủ tục xét duyệt pháp lý và chừng nào vụ việc còn được xét xử.”

Vụ hành quyết ông Gularte người Brazil có thể được đình lại để chờ một cuộc xét duyệt y khoa về tình trạng sức khoẻ tâm thần. Brazil đã rút lại quan hệ ngoại giao sau vụ hành quyết một công dân Brazil khác trong khuôn khổ cuộc trấn áp nạn buôn lậu ma tuý của Indonesia.

Những người khác bị án tử hình gồm công dân Pháp Serge Areski Atlaoui, cũng đang xin tái xét pháp lý; công dân Ghana Martin Anderson, và ba công dân Nigeria là Rahmeen Agbaje Salami, Silvester Obiekwe và Okwudili Ayotanze. Còn một người nữa mang quốc tịch Indonesia là Zainal Abidin.

Trong một phát biểu với đài VOA, các giới chức đại sứ quán Nigeria ở Jakarta nói tất cả các biện pháp ngoại giao đã được tiến hành để cứu mạng sống của ba người Nigeria cũng như khiếu nại với chính phủ Indonesia.

Hai công dân Australia Andrew Chan, phải, và Myuran Sukumaran,đứng trong phòng giam sau phiên xử ở một tòa án ở Denpasar, Bali, Indonesia, 14/2/2006.
Hai công dân Australia Andrew Chan, phải, và Myuran Sukumaran,đứng trong phòng giam sau phiên xử ở một tòa án ở Denpasar, Bali, Indonesia, 14/2/2006.

Australia đặc biệt lớn tiếng trong việc thỉnh cầu cho hai công dân của họ là Andrew Chan, và Myuran Sukumaran, được tha mạng, dẫn tới tình cảm chống Úc tại Indonesia và các nơi khác ở châu Á.

Nguyên bộ trưởng thông tin Malaysia, ông Zainuddin Maidin tuần này kêu gọi Tổng thống Indonesia “hãy dạy cho Australia cách xử sự với châu Á, nhất là với ASEAN, tức Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á.”

Giới doanh nghiệp và đầu tư Úc ở châu Á đang lo sợ về phản ứng đối với lập trường nổi trội của Canberra trong một khu vực nơi đường lối ngoại giao trầm lặng thường được ưa chuộng.

Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Australia-Indonesia Debnath Guharoym nói cộng đồng kinh doanh Úc rất thất vọng trước các biện pháp của Indonesia hướng tới vụ hành quyết.

“Nếu quý vị có các bộ trưởng họp với nhau để bàn về một vần đề do Australia nêu lên và phản ứng của ASEAN đối với vấn đề đó; bản thân việc đó nói lên rằng ASEAN không hài lòng với cách thức của Australia hiện nay. Và điều đó không giúp ích cho mối quan hệ và chúng tôi thừa nhận điều đó.”

Cả Thủ tướng Tony Abbott của Australia lẫn Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đều kêu gọi Indonesia chớ nên hành quyết các tù nhân can tội về ma tuý. Indonesia đã phục hồi án tử hình vào năm 2013 sau 5 năm ngưng thi hành án.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG