Indonesia đã vận động các nước Đông Nam Á tiến hành tuần tra hàng hải trong vùng biển Biển Đông có tranh chấp để cải thiện an ninh, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu nói hôm thứ Sáu.
Indonesia nói họ không phải là nước có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp Biển Đông nhưng đã đụng độ với Trung Quốc về quyền đánh bắt quanh quần đảo Natuna, và đã mở rộng sự hiện diện quân sự của mình ở đó. Indonesia cũng đã đổi tên phần rìa phía bắc vùng đặc quyền kinh tế, khẳng định tuyên bố lãnh hải của chính mình.
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne đã hội đàm với hai vị tương nhiệm của Indonesia là Retno Marsudi và Ryacudu tại Sydney, trước một hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Úc là nước chủ trì hội nghị này, mặc dù không phải là một thành viên của khối, trong khi nước này đang tìm cách thắt chặt quan hệ chính trị và thương mại trong khu vực giữa ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc.
"Đối với Biển Đông, tôi đã nêu ý tưởng với các bộ trưởng quốc phòng ASEAN để mỗi nước giáp Biển Đông tuần tra tới 200 hải lý, khoảng 230 km," ông Ryacudu nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo chung.
Indonesia đang tập trung vào ba khu vực, đặc biệt là Biển Sulu, Eo biển Malacca và các vùng biển xung quanh bờ biển của Thái Lan, ông Ryacudu cho biết, nhắc đến sự hợp tác hiện thời với Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia và Philippines.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - nước có tuyên bố chủ quyền rộng lớn nhất ở Biển Đông - tuần trước nói rằng quyết tâm của Trung Quốc bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông là không thể lay chuyển, và rằng các thế lực bên ngoài đang tìm cách làm phức tạp tình hình.
Trung Quốc trước đây đã tức giận về những cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông và nói rằng chúng mang tính khiêu khích.
Úc - nói rằng họ không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông nhưng đã ủng hộ các cuộc tuần tra của Mỹ - trước đây nói rằng họ không có kế hoạch tham gia các cuộc tuần tra chung.