Hôm 2/6, Ngoại trưởng Indonesia kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cử ngay một phái viên đến Myanmar, hơn một tháng sau khi khối này đồng ý các bước để tìm cách chấm dứt tình trạng hỗn loạn sau cuộc đảo chính quân sự, theo Reuters.
ASEAN đang dẫn đầu nỗ lực ngoại giao chính đối với Myanmar kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2 khiến nước này rơi vào hỗn loạn, với hàng trăm vụ giết người bởi lực lượng an ninh, hàng nghìn người bị bỏ tù, các cuộc biểu tình diễn ra hàng ngày, các cuộc đình công gây tê liệt và lan rộng xung đột ở các khu vực biên giới.
Ngoại trưởng Retno Marsudi phát biểu trong một cuộc họp báo phát qua video ở Jakarta: “Việc bổ nhiệm một đặc phái viên phải được thực hiện ngay lập tức và việc liên lạc với tất cả các bên phải được duy trì.”
Các nguồn tin ngoại giao cho biết hôm 1/6 rằng Chủ tịch và Tổng thư ký của 10 quốc gia ASEAN có kế hoạch đến Myanmar trong những ngày tới để theo dõi việc xúc tiến 5 điểm mà khối này đã đồng ý.
Những điểm này bao gồm chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên, đặc phái viên ASEAN tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối thoại, nhận viện trợ và cho phép đặc phái viên ASEAN tới thăm Myanmar.
Thay vì đồng ý đối thoại với các lực lượng đối lập đã thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia, chính quyền quân sự Myanmar đã gán cho họ là những kẻ khủng bố và phản bội.
Ngoại trưởng Retno nói: “Đối thoại hòa nhập cần được khuyến khích để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar và đưa dân chủ trở lại lĩnh vực chính trị của Myanmar phù hợp với ý chí của người dân Myanmar.”