Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có kế hoạch đến Myanmar trong tuần này mặc dù khối 10 quốc gia vẫn còn chia rẽ về cách ứng phó với cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar, Reuters dẫn 4 nguồn tin ngoại giao cho biết hôm 1/6.
ASEAN có chính sách không can thiệp vào nội bộ của các thành viên, nhưng khối này đã dẫn đầu nỗ lực ngoại giao chính để giải quyết tình trạng hỗn loạn bạo lực đang bao trùm quốc gia thành viên sau vụ đảo chính lật đổ chính phủ dân cử vào bốn tháng trước.
Quân đội đã bắt giữ lãnh đạo dân sự của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, và bỏ tù các đối thủ chính trị trong bối cảnh tiến hành cuộc đàn áp chết người nhắm vào những người biểu tình, dẫn đến cuộc khủng hoảng người tị nạn ngày càng tăng và nguy cơ sụp đổ kinh tế.
Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai Erywan Yusof của Brunei, quốc gia giữ quyền Chủ tịch ASEAN năm nay, và Tổng thư ký của khối Lim Jock Hoi, cũng là người Brunei, dự kiến tuần này sẽ gặp các lãnh đạo quân đội Myanmar cùng các bên liên quan khác, các nguồn tin ẩn danh của Reuters cho biết.
Những nguồn tin này cũng cảnh báo chuyến đi có thể bị trì hoãn hoặc trục trặc do những trở ngại về hậu cần và ngoại giao vào phút chót.
Không rõ liệu hai lãnh đạo có kế hoạch gặp gỡ với các đối thủ của chính quyền ở Myanmar hay không. Nhiều người trong số họ đang bị bỏ tù hoặc đang lẩn trốn. Người phát ngôn của ASEAN và Chính phủ thống nhất quốc gia của phe đối lập Myanmar không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Phái bộ ASEAN của Brunei cũng không trả lời yêu cầu bình luận của hãng thông tấn Anh.
Khoảng 5 tuần trước, các lãnh đạo ASEAN tuyên bố đạt được “đồng thuận 5 điểm” nhằm chấm dứt bạo lực, bao gồm: thúc đẩy đối thoại, cung cấp viện trợ, cử đặc phái viên và cử một phái đoàn do đặc phái viên đến Myanmar để gặp gỡ “với tất cả các bên liên quan”.
Tuy nhiên, đặc phái viên hiện vẫn chưa được bổ nhiệm trong bối cảnh ASEAN đang có những chia rẽ về người hoặc ứng cử viên tốt nhất cho công việc, nhiệm vụ của đặc phái viên và thời gian nhiệm kỳ của đặc phái viên.