Ông Habibul Gazi không bao giờ có thể thấy được nữa. Các bác sĩ nói rằng thần kinh thị giác của ông đã bị hủy hoại không thể đảo ngược. Nguyên nhân là vì uống rượu lậu độc hại.
Vợ ông đang quẫn trí. Bà cho biết, bà đã xin ông đừng uống nữa. Bây giờ ông ta hoàn toàn tàn phế, gia đình bà suy sụp.
Ý niệm uống rượu đôi chút để xã giao chỉ có ở các giai cấp thượng lưu và giầu có mới nổi. Tại những khu vực có đời sống khó khăn hơn nhiều, thì người ta cũng uống nhiều.
Chính phủ đánh thuế rượu khá nặng để ngăn bớt các cuộc chè chén say sưa, nhưng, cựu giới chức thuế vụ Bijay Charkrabarty nói thuế nặng chỉ khiến nhiều người quay qua “rượu lậu.”
Những nơi bán rượu lậu có thể thấy ở khắp nơi và mỗi khi bị dẹp đi lại mọc lên mau chóng.
Những người nấu rượu lậu – còn gọi là “rượu quê hương” – sử dụng tiến trình sản xuất rất đơn sơ, có thể để lại nhiều độc hại cho thành phẩm. Đôi khi họ còn cho thêm hóa chất, thậm chí các thứ làm từ dầu hỏa, gây hậu quả chết người.
Trong một tin báo chí với hàng tít lớn, ít nhất 150 người thiệt mạng hồi tháng 12 tại Tây Bengal, sau khi uống rượu lậu có pha methanol.
Nhiều người dân Bengal bình thường, như thầy giáo Hassanuzzaman Mollah, hoài nghi về lời hứa của chính quyền là trấn áp sản xuất rượu lậu.
Ông nói nhiều cơ sở rượu lậu hoạt động ngay trước trạm cảnh sát, thậm chí còn được cảnh sát che chở họ cho việc làm ăn phi pháp.
Chồng bà Saharun Bibi có thâu nhập ít ỏi khi làm thợ may, trước khi ông chết vì uống rượu lậu.
Bà nói, bây giờ không biết làm thế nào để lo 8 đứa con. Chồng bà chẳng để lại tí gì cả, bà không biết lấy gì nuôi con và gả chồng cho các con gái.
Các giới chức Ấn Độ hy vọng có thể thuyết phục dân nghèo rằng uống rượu lậu chỉ tốn ít tiền nhưng sẽ phải trả giá rất đắt.
Cảnh sát tại bang Tây Bengal của Ấn Độ đã bắt giữ một đầu nậu phân phối rượu độc hại nấu tại nhà, làm nhiều người thiệt mạng hồi năm ngoái. Rượu lậu là một vấn đề to lớn ở Ấn Độ, giúp người ta nhất thời quên đi những cơ cực của đời sống, nhưng về lâu về dài đem lại hậu quả nặng nề.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1