Đường dẫn truy cập

Diễn đàn thế giới tại Ấn Độ hối thúc chấm dứt tục tảo hôn


Đức Tổng giám mục Nam Phi Desmond Tutu (phải), và cựu Tổng thống Ireland Mary Robinson trong một cuộc phỏng vấn ở New Delhi, Ấn Độ hôm 8/2/12
Đức Tổng giám mục Nam Phi Desmond Tutu (phải), và cựu Tổng thống Ireland Mary Robinson trong một cuộc phỏng vấn ở New Delhi, Ấn Độ hôm 8/2/12

Một nhóm các nhà hoạt động danh tiếng trên thế giới được biết tới với danh hiệu The Elders, (tạm dịch là những bậc trưởng thượng) có mặt tại Ấn Độ để đưa ra một lập trường công khai chống lại tục tảo hôn, tức tập tục gả bán con từ lúc còn niên thiếu.

Hôm thứ Năm, Tổng Giám Mục Nam Phi, ông Desmond Tutu, chủ tịch tổ chức The Elders đã lên tiếng tại New Delhi rằng sáng kiến “Thiếu Nữ, không phải Cô Dâu” của tổ chức này là sẽ giúp Ấn Độ sử dụng tiềm năng thật sự của nước này. Ông nói:

“Ấn Độ là một nền kinh tế khổng lồ trong lãnh vực chế tạo. Và chúng ta hãy tưởng tượng chuyện gì sẽ đến khi nữ giới, kể cả các trẻ gái vị thành niên, được giải phóng.”

The Elders là một tổ chức độc lập gồm các nhà cựu lãnh đạo thế giới tìm cách sử dụng ảnh hưởng của họ để chấm dứt các nguyên nhân quan trọng gây thống khổ cho con người trên khắp thế giới.

Bà Mary Robinson - Nữ Tổng Thống đầu tiên của Ireland - nói rằng tục tảo hôn đã gây chú ý cho tổ chức này vì con số đáng kể các trẻ em bị ảnh hưởng của hủ tục này trên khắp thế giới. Bà nói:

“Tảo hôn không phải là một vấn đề nhỏ. Mỗi năm nó ảnh hưởng tới 10 triệu thiếu nữ. Đó là 100 triệu bé gái trong 10 năm bị gả bán và thường là không có sự đồng ý của các em, hoặc thậm chí không biết là các em sẽ lấy ai.”

Tục tảo hôn tại Ấn Độ đã đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật trong nhiều thập niên nay. Tuy nhiên, các cuộc khảo cứu cho thấy rằng khoảng 1/3 trong số 10 triệu thiếu nữ đã bị gả bán dưới 18 tuổi sống ở Ấn Độ.

Một cuộc khảo cứu toàn quốc năm 2006 tại Ấn Độ cho thấy cứ 5 phụ nữ ở độ tuổi từ 20 tới 24 lại có một người đã về nhà chồng trước 15 tuổi.

Tục lệ này thường được gán cho các truyền thống tôn giáo cổ xưa, và thành kiến coi các con gái là trách nhiệm nặng nề cho gia đình cần phải gả bán càng sớm càng tốt.

Ela Bhatt, một nhà hoạt động đã thành lập một trong những công đoàn lớn nhất của phụ nữ tại Ấn Độ cho biết giải quyết vấn đề tảo hôn là yếu tố cốt lõi để đạt được các mục tiêu phát triển toàn cầu. Bà nói:

Cũng giống như nận nghèo khó, tục tảo hôn thường đi kèm với tình trạng bạo động. Và bạo động trong vấn đề này lại xảy ra với sự đồng tình của xã hội.

Bà Gro Harlem Brundtland là một thành viên của tổ chức The Elders và cũng là nữ Thủ Tướng đầu tiên của Na Uy. Bà nói:

“Vì là một bác sĩ, tôi muốn nhấn mạnh tới những ảnh hưởng về sức khỏe mà vấn đề tảo hôn gây nên. Những ảnh hưởng tai hại tới cơ thể non trẻ của các bé gái, và thậm chí còn ảnh hưởng tới những trẻ sơ sinh do người mẹ mang thai trong tuổi còn quá non trẻ dẫn tới.”

Sáng kiến“ Thiếu Nữ, không phải Cô Dâu” được Tổng Giám Mục Desmond Tutu nêu lên đã qui tụ những tổ chức cấp tiến từ hơn 80 quốc gia. Tổ chức The Elders cho biết sáng kiến này sẽ xác định những lề lối tốt nhất để giáo dục và tạo ảnh hưởng chính trị tới các cộng đồng địa phương để chấm dứt hủ tục tảo hôn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG