Nhà lãnh đạo quân nhân Miến Điện Than Shwe bắt đầu chuyến công du Ấn Độ một cách thầm lặng với một cuộc viếng thăm địa điểm hành hương Phật giáo Bodh Gaya ở Bihar. Ngày mai, ông sẽ gặp Thủ tướng Ấn Ðộ Manmohan Singh và các nhà lãnh đạo cấp cao khác ở New Delhi.
Trong chuyến công du này, Ấn Độ nhắm mục tiêu thắt chặt cam kết với Miến Điện qua việc ký kết một loạt các thỏa thuận về hợp tác kinh tế và quân sự với Tướng Than Shwe.
Ấn Độ đã có thời là nước ủng hộ nhiệt thành cho thần tượng tranh đấu cho dân chủ Aung San Suu Kyi. Nhưng, vì các quyền lợi chiến lược, Ấn Độ đã bắt đầu giao tiếp với giới lãnh đạo quân đội Miến Điện cách đây khoảng 1 thập niên.
New Delhi cần sự hỗ trợ của Miến Điện để chống lại các nhóm nổi dậy hoạt động ở nhiều bang miền đông bắc, và đã lập các căn cứ xuyên qua biên giới ở Miến Điện. Hai nước có chung đường biên giới dài 1680 kilomét. Là một nước thiếu năng lượng, Ấn Độ còn muốn khai thác các trữ lượng lớn về khí đốt thiên nhiên của Miến Điện.
Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất, theo các nhà phân tích thời cuộc, là Ấn Độ muốn tìm một đối trọng để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Miến Điện, còn được gọi là Myanmar. Ông Bharat Karnad là một chuyên gia về các vấn đề sách luợc thuộc Trung tâm Khảo cứu Chính sách độc lập ở New Delhi.
Ông nêu nhận xét như sau: “Ấn Độ đang tìm cách củng cố vị thế và cơ bản tôi nghĩ là họ sẽ tranh thủ được thêm sự hỗ trợ của tướng Than Shwe. Bởi vì sự thiếu chú ý và các chính sách sai lầm trước đây, chúng ta đã mất đi Myanmar về tay Trung Quốc, và chúng ta đang tìm cách phục hồi lại vị thế ở đó, và chúng ta đang đạt được thành quả.”
Các nhà lãnh đạo Ấn Độ có phần chắc sẽ thảo luận các kế hoạch của giới lãnh đạo quân nhân Miến Điện nhằm tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên ở nước này từ hai thập niên vào cuối năm nay. Nhiều quốc gia Tây phương đã bài bác cuộc bầu cử là một trò hề.
Tuy nhiên, các đề tài gây nhiều tranh cãi như vấn đề nhân quyền sẽ không được đưa ra bàn luận bất kể những lời phản đối và kêu gọi của các nhà tranh đấu cho nhân quyền đòi thảo luật về vấn đề này.
Tổ chức Human Rights Watch đã hối thúc Ấn Ðộ gửi một thông điệp rằng sự kiện Miến Điện không chịu tôn trọng nhân quyền và thiết lập một nền dân chủ thực sự gây trở ngại cho sự phát triển của Miến Điện va tạo ra những khó khăn chính trị cho Ấn Độ.
Chính phủ quân nhân Miến Điện bị cáo buộc là vi phạm nhân quyền tràn lan, và nhiều nước Tây phương đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này để thúc đẩy nhà cầm quyền hướng tới việc cải cách dân chủ. Nhưng Ấn Độ nói họ không có đủ khả năng để cô lập một quốc gia trong khu vực của mình.
Nhà lãnh đạo quân đội Miến Điện cũng sẽ đi thăm trung tâm kỹ thuật thông tin của Ấn Độ là Hyderabad và thành phố công nghiệp Jamshedpur.
Lãnh đạo quân đội Miến Điện đang đến Ấn Độ thực hiện chuyến thăm trong 5 ngày nhắm mục đích củng cố quan hệ giữa hai nước. Thông tín viên VOA Anjana Pasricha tại New Delhi ghi nhận chi tiết về mối bang giao đang nẩy nở với một nước láng giềng với một chính quyền quân nhân bị nhiều nước xa lánh trong bài tường sau đây.