Đường dẫn truy cập

IFJ lên án pháp lệnh mới của Việt Nam hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo tại tòa


Các nhà báo và đại diện ngoại giao tham dự một phiên tòa xét xử Linh mục bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Lý tại một tòa án ở Huế năm 2007 qua màn hình TV trong khuôn viên tòa án.
Các nhà báo và đại diện ngoại giao tham dự một phiên tòa xét xử Linh mục bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Lý tại một tòa án ở Huế năm 2007 qua màn hình TV trong khuôn viên tòa án.

Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) vừa lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam tránh xâm phạm quyền của các nhà báo được đưa tin về các phiên tòa sau khi Quốc hội ở Hà Nội thông qua một pháp lệnh mới gây tranh cãi về việc xử phạt nhà báo ghi âm ghi hình tại tòa nếu không được phép.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam hôm 19/8 thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, trong đó quy định rằng các nhà báo có thể bị phạt đến 15 triệu đồng nếu ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Quy định mới, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9, còn buộc các nhà báo phải xin phép mới được ghi âm hoặc ghi hình người tham gia tố tụng.

Trong dự thảo đưa ra lấy ý kiến hôm 15/8, Thường vụ Quốc hội còn đưa vào quy định phạt các nhà báo livestream phiên tòa mà không được phép của chủ tọa. Nhưng quy định này không được nhắc tới trong pháp lệnh được thông qua sau đó 4 ngày, sau khi vấp những phản đối từ công chúng và giới báo chí.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về pháp lệnh mới hôm 29/8, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết rằng nhà báo livestream ở phiên tòa sẽ bị xử phạt nặng hơn ghi âm, ghi hình mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, theo cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam. Không rõ quy định này đã được bổ sung vào pháp lệnh mới sắp có hiệu lực hay chưa.

IFJ, trong một thông cáo báo chí đưa ra hôm 25/8, nói rằng tổ chức này lên án các hành động có thể làm suy yếu quyền tự do báo chí và thúc giục chính quyền Hà Nội tránh xâm phạm quyền này của nhà báo trong nước.

Khi đưa ra dự thảo Pháp lệnh, ông Tuệ đã nói rằng việc ban hành một văn bản pháp luật như vậy sẽ “tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật” trước thực tiễn các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp.

Đã có những tranh cãi trong công chúng, chuyên gia, giới báo chí, luật sư và ngay cả các nhà lập pháp ngay từ khi dự thảo Pháp lệnh được đưa ra. Họ cho rằng việc xử phạt nhà báo ghi âm, ghi hình phiên tòa mâu thuẫn với các luật khác và cản trở quyền tác nghiệp của nhà báo.

Theo pháp lệnh mới, các nhà báo phải xin phép ghi âm, ghi hình tại tất cả các phiên tòa hành chính, dân sự và hình sự.

Luật Báo chí Việt Nam quy định nhà báo có quyền được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn.

Theo ông Nguyễn Công Phú, nguyên phó chánh tòa Kinh tế Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, được VnExpress trích dẫn nói rằng Luật Báo chí có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh vấn đề hoạt động báo chí. Nguyên phó chánh tòa này còn cho rằng hành vi “phát trực tiếp trên không gian mạng”, tức livestream, không có trong quy định trong tất cả các luật hay bộ luật cũng như không gây cản trở hoạt động tố tụng tại phiên tòa.

IJF, tổ chức lớn nhất của các nhà báo trên thế giới, có trụ sở ở Brussels của Bỉ, nói rằng “các nhà báo đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền đạt thông tin chi tiết của các phiên tòa vì lợi ích cộng đồng và phải có khả năng làm việc tự do và độc lập”.

Nhà báo Võ Văn Tạo nói với VOA trong cuộc phỏng vấn gần đây rằng pháp lệnh mới sẽ bóp nghẹt thêm quyền của báo chí vốn đã bị kiểm soát chặt chẽ tại Việt Nam, nơi Đảng Cộng sản cầm quyền và kiểm duyệt báo chí do nhà nước quản lý. Theo nhà báo có 15 năm làm việc cho báo nhà nước, “những quy định gây cản trở cho nhà báo tác nghiệp sẽ làm cho xã hội nhiễm phải những thông tin không đúng sự thật”.

Phó Chánh án Tuệ cho rằng pháp lệnh mới còn để “bảo vệ quyền con người, quyền công dân” của những người tham gia tố tụng. Tuy nhiên theo Luật sư Hà Huy Sơn, người từng bào chữa cho các nhà báo bất đồng chính kiến và nhà hoạt động dân chủ, các nhà báo “cần phải ghi âm, ghi hình để phản ánh đúng sai” và tự bảo vệ mình sau này khi bị khiếu nại, kiện tụng liên quan đến hoạt động tác nghiệp của họ.

Theo Quốc hội Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao đã tính đến việc phải xây dựng những quy phạm về cách tác nghiệp của nhà báo tại phiên tòa và sắp tới sẽ phải có hướng dẫn về nhà báo xin phép ghi âm, ghi hình.

“IFJ lên án bất kỳ hạn chế nào áp đặt cho các nhà báo khi tác nghiệp và kêu gọi chính phủ Việt Nam rút lại pháp lệnh mới”, tổ chức đại diện cho 600.000 người làm truyền thông chuyên nghiệp ở 140 quốc gia trên thế giới, nói trong thông cáo của họ.

Ủy ban Bảo vệ Ký giả xếp Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai ở châu Á bỏ tù nhiều nhà báo nhất, sau Trung Quốc, trong khi tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp Việt Nam trong nhóm 3 quốc gia được xem là những “nhà tù” lớn nhất thế giới đối với các nhà báo.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG