Đường dẫn truy cập

Martin Ennals Foundation: ‘Việt Nam vừa bỏ tù người bảo vệ nhân quyền vừa vận động vào Hội đồng Nhân quyền’


Tổ chức Martin Ennals viết: "Việt Nam vừa bỏ tù người bảo vệ nhân quyền vừa vận động vào Hội đồng Nhân quyền" . Photo Martin Ennals Award.
Tổ chức Martin Ennals viết: "Việt Nam vừa bỏ tù người bảo vệ nhân quyền vừa vận động vào Hội đồng Nhân quyền" . Photo Martin Ennals Award.

Tổ chức Martin Ennals vừa ra tuyên bố lên tiếng về bản án phúc thẩm đối với nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, nhận định rằng chính quyền Việt Nam một mặt tống giam những người bảo vệ nhân quyền mặt khác lại ra sức vận động cho chiếc ghế vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Tổ chức nhân quyền này đồng thời kêu gọi các nước trên thế giới hãy đánh giá tư cách ứng cử của Hà Nội.

“Vào tháng 3/2022, Việt Nam chính thức ứng cử viên vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay tại Đại hội đồng LHQ ở New York. Tuy nhiên, kết quả xét xử từ phiên tòa phúc thẩm của bà Phạm Đoan Trang tái khẳng định rằng Việt Nam không tôn trọng các cam kết được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hợp quốc”, Tổ chức Martin Ennals cho biết trong một tuyên bố ngay sau phiên tòa phúc thẩm của bà Phạm Đoan Trang diễn ra tại Hà Nội hôm 25/8.

“Sự hiện diện của Việt Nam trong Hội đồng này có thể làm xói mòn tính xác thực của phiên bỏ phiếu và tính hợp pháp của Hội đồng trong việc giám sát việc bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới”, tuyên bố cho biết thêm.

Mỹ, EU quan ngại về bản án phúc thẩm của nhà báo Phạm Đoan Trang
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:41 0:00

Tổ chức Martin Ennals có trụ sở ở Genene, Thụy Sĩ, hàng năm trao giải thưởng cùng tên cho các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền trên thế giới.

Vào hồi tháng 6/2022, tổ chức này vinh danh ba nhà bảo vệ nhân quyền, trong đó có nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, người đang thụ án tù 9 năm tại Việt Nam với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước”.

Martin Ennals Foundation cho rằng bà Trang là một nhà báo hàng đầu và là nhà vận động cho dân chủ ở Việt Nam, bà giúp nâng cao nhận thức về một chương trình nghị sự rộng rãi về nhân quyền trong nước, và bà ủng hộ việc bảo đảm các quyền tự do dân sự như tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do hội họp.

Tổ chức Martin Ennals kêu gọi nhà chức trách Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho bà Trang và kêu gọi các Quốc gia Thành viên của LHQ hãy xem xét việc Việt Nam ứng cử để trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 vì gần đây chính quyền nước này lại có hành động phản nhân quyền.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu phản ứng của họ trước tuyên bố này của Martin Ennals Foundation, nhưng chưa được phản hồi.

Trong những tháng vừa qua, ngoài việc được trao giải Martin Ennals, bà Phạm Đoan Trang còn giành được một số giải thưởng nhân quyền quốc tế khác, bao gồm Giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Giải thưởng Tự do Truyền thông năm 2022 của Canada-Vương quốc Anh, giải Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả.

Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự đã tố cáo phiên tòa phúc thẩm đối với bà Trang và kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích ngay lập tức bà và những người khác đang bị giam cầm chỉ vì họ tranh đấu ôn hòa cho nhân quyền.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định rằng “chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người dân.”

Khi chính thức ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, chính quyền Việt Nam nói sẽ “sẵn sàng hợp tác” với các quốc gia thành viên và các bên liên quan để duy trì các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, củng cố hiệu lực và hiệu quả của HĐNQ thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu tại Đại hội đồng LHQ trong một phiên thảo luận chung hồi tháng 9 năm ngoái, kêu gọi quốc tế ủng hộ Việt Nam và nói rằng Việt Nam ứng cử vào HĐNQ “với nguyện vọng đóng góp cho công việc chung.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG