HĐND thành phố Hà Nội hôm 4/12 đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc đặt tên đường, trong đó có một con phố sẽ mang tên “Đinh Núp”, nguyên mẫu của nhân vật “anh hùng Núp” trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc.
Đinh Núp (1914 – 1999) được mô tả là một anh hùng có công gầy dựng phong trào chống Pháp cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên bằng cách vận động người dân tộc thiểu số tham gia các tổ du kích, xây làng chiến đấu chống Pháp và “làm tiêu hao nhiều lực lượng địch”.
Ông Núp còn có tên là Sar, người dân tộc Ba Na, quê ở làng Stơr, xã Tơ Nung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
Sau chống Pháp, ông tham gia chống Mỹ ở Tây Nguyên, được kết nạp vào Đảng Cộng sản năm 1955 và ra miền Nam chiến đấu vào năm 1963. Ông Núp cũng đã từng được phái sang thăm Cuba theo lời mời của Chủ tịch Fidel Castro vào năm 1964.
Tin cho hay phố Đinh Núp được đặt cho đoạn đường kéo dài từ ngã ba giao cắt phố Nguyễn Chánh (tại ô đất A5 đến A7) đến ngã tư giao cắt phố Tú Mỡ tại điểm đối diện tòa chung cư CT4 Vimeco (quận Cầu Giấy). Con phố có chiều dài 1 km, rộng 20,5m và có hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống.
Cũng liên quan đến chuyện đặt tên đường, trước đó hơn một tuần, thành phố Đà Nẵng đưa ra lấy ý kiến về việc đặt tên đường với tên hai linh mục phương Tây là Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes – những người đã có công sáng tạo và phát triển chữ quốc ngữ.
Tuy nhiên, dự định này đã bị tạm gác lại sau khi gặp phải sự phản đối của một số chuyên gia lịch sử của Việt Nam. Trong đó, PGS-TS. Lê Cung của Khoa Sử, trường Đại học Sư phạm Huế, cho rằng Alexandre de Rhodes là người “có tội” với dân tộc Việt Nam nên không thể lấy tên ông để đặt tên đường. Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nói với báo Tuổi Trẻ rằng chữ quốc ngữ tạo ra không phải để phát triển văn minh của dân tộc, mà chỉ là một công cụ để xâm lăng.