Đường dẫn truy cập

Hy vọng và hoài nghi đối với tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ


Ông Mike Johnson trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên
Ông Mike Johnson trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên

Cử tri Cộng hòa hy vọng tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson có thể đoàn kết nội bộ Đảng và làm việc được với phe Dân chủ để giải quyết những vấn đề cấp bách của nước Mỹ còn cử tri Dân chủ nghi ngại về lập trường quá bảo thủ của ông và cho rằng ông sẽ chỉ gây ồn ào và ‘phá rối’, theo tìm hiểu của VOA.

Ông Mike Johnson, dân biểu Cộng hòa đến từ bang Louisiana, hôm 25/10 đã giành được 220/221 phiếu của các đồng viện ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, vượt quá con số cần thiết là 217 phiếu, để giành được cây búa của Chủ tịch Hạ viện. Không có dân biểu Dân chủ nào bỏ phiếu cho ông.

Việc ông Johnson đắc cử đã chấm dứt ba tuần lễ bế tắc của Đảng Cộng hòa ở Hạ viện kể từ khi ông Kevin McCarthy bị phế truất. Lần lượt các ứng cử viên được phe Cộng hòa đề cử như Steve Scalise, Jim Jordan và Tom Emmer đều phải rút lui hay không giành được 117 phiếu .

Ông Johnson, 51 tuổi, là luật sư chuyên về tự do tôn giáo trước khi vào Quốc hội. Là chính trị gia bảo thủ, ông phản đối hôn nhân đồng giới, chống quyền phá thai và từng đưa ra dự luật cấm các trường học thảo luận về nhận dạng giới tính hồi năm 2022.

Ông phản đối viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại quân Nga và được cho là người thân cận với cựu Tổng thống Donald Trump. Ông đã biện hộ cho nỗ lực của ông Trump lật ngược kết quả bầu cử hồi năm 2020.

“Tôi là tín đồ Thiên chúa giáo, là chồng, là cha, là luật sư bảo thủ và luật sư hiến pháp trọn đời và là chủ doanh nghiệp nhỏ, theo thứ tự đó,” ông phát biểu với tờ Louisiana Baptist Message hồi năm 2016.

Sẽ là tác nhân đoàn kết?

Tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson là ‘kiểu lãnh đạo mà nước Mỹ cần vào thời điểm này’ vì ông ‘có những đức tính của một lãnh đạo là khiêm nhường, mềm dẻo, khôn khéo’, ông Phạm Gia Đại, một người hưu trí vốn là cử tri Cộng hòa ở vùng Little Saigon, bang California, nói với VOA.

Ông Đại chỉ ra trong bài diễn văn nhậm chức, ông Mike Johnson đã có cử chỉ chìa tay ra với lãnh đạo khối Dân chủ thiểu số, ông Hakeem Jeffries, và nhận được những tràng vỗ tay của thành viên cả hai đảng. Ông cho rằng điều này thể hiện ‘sự khéo léo, khôn ngoan’ của ông Johnson và báo hiệu ông có thể lắng nghe và biết nhún nhường phe đối lập để đạt được thỏa hiệp.

“Ông ấy ăn nói dịu dàng, không dùng từ ngữ đao to búa lớn, biết kêu gọi mọi người cùng làm việc với mình,” ông Đại nhận xét và cho rằng đây là ưu điểm của ông Mike Johnson so với ông Jim Jordan, một lãnh đạo bảo thủ khác của Đảng Cộng hòa vốn không giành đủ số phiếu để trở thành chủ tịch Hạ viện sau 4 vòng bỏ phiếu.

“Jim Jordan quá cứng rắn. Đôi lúc điều đó ảnh hưởng đến kết quả công việc mà mình muốn thực hiện,” ông giải thích.

Người cử tri Cộng hòa này bày tỏ hy vọng ông Johnson ‘có thể làm được công việc khó khăn nhất hiện giờ’ là kết nối phe Cộng hòa với phe Dân chủ vì quyền lợi chung của nước Mỹ’.

Ông Đại cũng phản bác những lời công kích vào lập trường bảo thủ của ông Mike Johnson. Ông giải thích rằng ông Johnson có lập trường như vậy do ông là một tín đồ Cơ đốc giáo thuần thành vốn ‘luôn tin vào Chúa’.

“Ở Mỹ có tự do nhưng chúng ta tự do một cách hạn chế. Không phải tự do là muốn làm gì thì làm,” ông bảo vệ cho lập trường bảo thủ.

Ông dẫn ra vấn đề phá thai và cho rằng ‘không nên khuyến khích phá thai một cách ồ ạt, bừa bãi’ mà ‘chỉ cho phép phá thai trong một số ít trường hợp đặc biệt’.

Khi được hỏi lập trường của ông Johnson có phải là bảo thủ đến mức cực đoan hay không, ông Đại cho rằng ông Johnson ‘chưa bao giờ nhận mình là người MAGA (phong trào bảo thủ Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) theo phương thức của ông Donald Trump’.

Ông lập luận không nên chỉ dựa vào những gì ông Johnson lên tiếng về phá thai, đồng tính hay biên giới mà cho rằng ông ‘cực đoan’.

“Vấn đề này có hai khía cạnh: lập trường của ông Mike Johnson như thế nào và ông ấy thực hiện được bao nhiêu phần trăm.”

Trước cáo buộc ông Johnson là người phủ nhận kết quả bầu cử khi ông không bỏ phiếu chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden trước ông Donald Trump hồi năm 2020, ông biện hộ rằng đó là ‘quyền cất lên tiếng nói của ông Johnson cho dù tiếng nói đó là đúng hay sai’.

Về những ưu tiên của tân Chủ tịch Hạ viện, ông Phạm Gia Đại nói ông mong muốn ông Johnson tập trung vào vấn đề ngân sách làm sao để mở cửa chính phủ vào ngày 17/11 tới và sau đó ‘phải tính toán chi tiêu để bỏ ra những cái gì không hợp lý’.

“Phải làm sao cho người dân được nhẹ gánh về tài chính, giảm bớt lạm phát, được đảm bảo an ninh, không có trộm cướp,” ông bày tỏ và nói rằng ông Mike Johnson không nên ưu tiên việc luận tội Tổng thống Biden mà chỉ nên xem đó là ‘một trong số các công việc của Hạ viện’.

Ông Đại nói ông ủng hộ lập trường của ông Johnson là tách viện trợ cho Ukraine và Israel riêng ra, thay vì gộp chung vào như đề xuất của Tổng thống Joe Biden ‘để xem cái nào cần hơn’ và ‘để biết có thể giúp đến mức nào mà người dân Mỹ có thể chịu được’.

“Nước Mỹ dấn thân vào ủng hộ hai cuộc chiến là không nên. Chúng ta nên để số tiền đó lo cho nước Mỹ, lo cho người dân Mỹ được hưởng phúc lợi thì hay hơn là ném cả trăm tỷ ra nước ngoài mà không đi đến đâu,” ông lập luận và cho rằng mặc dù ông ủng hộ viện trợ Ukraine nhưng ông không tán đồng ‘cứ viện trợ mãi’ và tin rằng ‘cần có giải pháp hòa bình’.

Ông nói cá nhân ông cũng bất ngờ khi ông Mike Johnson từ một người ít được biết bỗng chốc giành tuyệt đại đa số phiếu bầu của các đồng viện Cộng hòa để đắc cử và cho rằng đó là ‘điều kỳ lạ’.

“Tôi tâm đắc câu nói của ông Johnson: việc ông ấy được bầu vào chức vụ chủ tịch Hạ viện là nhờ vào cầu nguyện Thiên Chúa,” ông nói.

‘Sẽ không làm được gì’

Cùng nhận định về việc ông Mike Johnson là người không mấy tên tuổi trong Đảng Cộng hòa, nhưng ông Nguyễn Bình Phương, một nhà đầu tư tự do và là cử tri Dân chủ sống ở thành phố Fremont, bang California, cho rằng đó là do ‘ông Johnson ngồi 7 năm ở Hạ viện mà không làm được gì đáng kể, không để lại dấu ấn gì cả’.

“Ông ấy chỉ nhờ vào phe MAGA và sự ủng hộ của ông Trump mà nhận được cái búa Hạ viện,” ông Phương chỉ trích.

“Trong nội bộ với nhau thì họ có thể chống đối (ông Mike Johnson) nhưng khi ra bỏ phiếu công khai thì họ lại sợ sự ồn ào của phe MAGA tấn công họ,” ông nói thêm và chỉ trích các dân biểu Cộng hòa bầu cho ông Johnson là ‘không dám đương đầu với MAGA’.

Người cử tri Dân chủ này cũng chỉ trích quan điểm sùng tín của tân Chủ tịch Hạ viện và dẫn lại câu nói của ông Johnson là ‘chỉ cần đọc Kinh Thánh thì sẽ hiểu được đường lối, chính sách của tôi’.

“Ông ấy sẽ đi đến chỗ muốn lôi kéo chính phủ thế tục đi theo con đường tôn giáo, áp đặt những tín điều của Kinh Thánh chẳng hạn như chống đồng tính, chống phá thai. Đó là tín điều của tôn giáo chứ không phải tôn chỉ của quốc gia,” ông lập luận.

Về việc ông Johnson phủ nhận kết quả bầu cử năm 2020, ông Phương nói điều đó ‘làm cho những định chế đại diện cho nền dân chủ Mỹ trở thành trò cười vì người như vậy mà vẫn được bầu làm Chủ tịch Hạ viện’.

Do đó, ông dự đoán Hạ viện dưới sự điều hành của ông Mike Johnson ‘sẽ làm những chuyện tào lao theo ý MAGA như điều tra Hunter Biden, luận tội Joe Biden, la lối về di dân, ra điều kiện cho việc viện trợ cho Ukraine, chống phá thai, chống đồng tính…’

“Họ sẽ không giúp được cho nước Mỹ làm những chuyện rất cần trong lúc dầu sôi lửa bỏng này với cuộc chiến ở Trung Đông và ở Ukraine.”

Tuy nhiên, ông Phương cho rằng ‘sự chống phá này’ sẽ ‘không đi đến đâu’ vì ‘Thượng viện vẫn do Đảng Dân chủ nắm’.

“Một ông Chủ tịch Hạ viện dù có MAGA cỡ nào thì cũng còn những người khác nên tôi tin rằng trong Đảng Cộng hòa hơn 200 người ở Hạ viện có những người sẽ biết điểm dừng,” ông bày tỏ và cho rằng mặc dù nhất trí bỏ phiếu cho ông Johnson nhưng khi đụng đến những vấn đề cụ thể dính đến giá trị của nước Mỹ thì sẽ có những dân biểu Cộng hòa ‘có thái độ đàng hoàng hơn’.

Nhận định về màn bầu Chủ tịch Hạ viện chưa từng thấy của Đảng Cộng hòa, ông Phương cho rằng Đảng Cộng hòa ‘đã để cho MAGA tác oai tác quái với ông Trump đứng đằng sau nên không còn khả năng lãnh đạo’ và dẫn chứng kể từ khi giành quyền kiểm soát Hạ viện hồi đầu năm nay, phe Cộng hòa ‘đã không làm gì được nhiều’.

“Nếu nước Mỹ đã chịu được 4 năm của ông Trump mà vẫn vững vàng thì dù có thêm 2 năm, 1 năm hay 15 tháng của Mike Johnson thì cũng không làm được gì cả,” ông bày tỏ.

Theo lời ông thì xu hướng cực đoan thì dù trong Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ ‘đều là rất xấu’ và trong Đảng Dân chủ cũng có cánh cực đoan ‘nhưng may mắn là không tác oai tác quái như phe cực đoan trong Đảng Cộng hòa’.

Ông dự đoán về đường dài, nhóm MAGA sẽ ‘càng lộ diện phá phách trước người dân Mỹ rồi cuối cùng sẽ bị đào thải trong 15 tháng nữa’.

“Tôi hy vọng những người dân của Đảng Cộng hòa hoặc là những cử tri độc lập sẽ nhìn thấy sự cực đoan đó và có lựa chọn đúng đắn hơn.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG