VOA: Bài viết dưới đây do luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ luật sư Cù Huy Hà Vũ, viết và gởi đến VOA Việt Ngữ. Bà Nguyễn Thị Dương Hà là Luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, Việt Nam. Các vụ tố tụng đáng chú ý của bà: bảo vệ Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng cục cảnh sát điều tra Bộ Công an, Thiếu tướng Trần Văn Thanh, Chánh Thanh tra Bộ Công an, giáo dân Cồn Dầu và Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ. Bài viết liên quan đến các tranh tụng giữa gia đình ông Cù Huy Hà Vũ và chính quyền Hà Nội liên quan đến một phần nhà đất trước đây thuộc quyền sở hữu của gia đình nhà thơ Xuân Diệu. Để tạo diễn đàn đa diện về tranh chấp này, có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hai nhà thơ lớn của Việt Nam, là Huy Cận và Xuân Diệu, VOA Việt Ngữ sẵn sàng đăng tải các ý kiến phản biện khác. Đối với mọi ý kiến liên quan, VOA Việt Ngữ sẽ cố gắng đăng tải càng gần nguyên văn càng tốt để bảo đảm bảo toàn quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, VOA dành quyền biên tập khi cần thiết để bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn diễn đàn của VOA.
***
Ngày 05/11/2010, chồng tôi, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, con nuôi và là người thừa kế duy nhất của Nhà thơ Xuân Diệu (tức ông Ngô Xuân Diệu), bị Bộ Công an Việt Nam bắt về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để sau đó Tòa án Việt Nam kết án ông bảy năm tù giam và ba năm quản chế.
Trước đó hơn một tháng, ngày 16/9/2010, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (sau đây gọi là UBND thành phố Hà Nội) ra Quyết định số 4337/QĐ-UBND thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Công văn số 2407/VPCP-KNTN ngày 12/4/2010 của Văn phòng Chính phủ. Quyết định này gồm hai nội dung: 1/ Thu hồi một phần nhà đất thuộc quyền sở hữu của gia đình Cố Nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội để giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, sử dụng làm “Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu”; 2/ Lấy 50m2 đất ở thuộc quyền sở hữu của gia đình Cố Nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội để giao cho bà Trần Lệ Thu.
Cả hai nội dung trên của Quyết định số 4337/QĐ-UBND ngày 16/9/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đều trái Hiến pháp và pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của ông Cù Huy Hà Vũ cũng như của hộ gia đình Cố Nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội do ông Cù Huy Xuân Đức (con trai ông Cù Huy Hà Vũ) đại diện.
Trước hết, cần nhắc lại rằng từ tháng 10 năm 1954 đến năm 1991 khi có Pháp lệnh về nhà ở, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tiếp đó Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thực hiện chính sách phân phối (cho) nhà ở gắn liền với đất cho cán bộ, công nhân, viên chức làm việc trong cơ quan Nhà nước. Như vậy, nhà gắn liền với đất được Nhà nước phân phối để ở không còn thuộc sở hữu Nhà nước (tài sản công) mà thuộc sở hữu của người được phân phối, tức thuộc sở hữu tư nhân. Chính sách phân phối nhà ở này còn được gọi là bao cấp về nhà ở. Phải đến khi có Pháp lệnh về nhà ở 1991 và Luật đất đai 1993 thì quyền sở hữu nhà đất được phân phối mới được hợp thức hóa bằng Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vào tháng 10 năm 1954, ngay sau khi tiếp quản Hà Nội, Chính phủ đã phân phối nhà đất tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội cho ông Cù Huy Cận (bố đẻ của ông Cù Huy Hà Vũ), Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ, Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ông Ngô Xuân Diệu, tức Nhà thơ Xuân Diệu, Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn Nghệ Việt Nam. Như vậy, cũng như ông Cù Huy Cận, Nhà thơ Xuân Diệu có quyền sở hữu nhà và đất ở tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Do Nhà thơ Xuân Diệu qua đời vào ngày 18/12/1985, tức trước khi có Pháp lệnh về nhà ở 1991 và Luật đất đai 1993 nên ông đã không có cơ hội hợp thức hóa quyền sở hữu nhà đất của ông bằng Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như hai văn bản luật này quy định. Mặc dầu vậy, quyền sở hữu nhà và đất ở của Nhà thơ Xuân Diệu vẫn tồn tại dưới dạng di sản thừa kế. Ông Cù Huy Hà Vũ là người thừa kế duy nhất của Nhà thơ Xuân Diệu như chứng minh sau đây.
Nghị quyết số 01 ngày 20/11/1988 của Hội đồng thẩm phán – Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình quy định tại Điểm a, Điều 6: “Nếu việc nuôi con nuôi trước đây chưa được ghi vào sổ hộ tịch nhưng việc nuôi con nuôi đã được mọi người công nhận và cha mẹ nuôi đã thực hiện nghĩa vụ với con nuôi thì việc nuôi con nuôi vẫn có những hậu quả pháp lý do luật định”.
Nhà thơ Xuân Diệu là bác ruột ông Cù Huy Hà Vũ vì là anh ruột bà Ngô Thị Xuân Như, mẹ đẻ ông Vũ. Sinh thời, Nhà thơ Xuân Diệu không có con đẻ, đã nhận và nuôi ông Cù Huy Hà Vũ làm con với sự đồng ý của bố mẹ đẻ của ông Vũ. Ngày 8/4/1998, ông Cù Huy Cận và bà Ngô Thị Xuân Như đã lập trước công chứng “Giấy xác nhận về việc nhận và nuôi con nuôi” về việc Nhà thơ Xuân Diệu đã nhận và nuôi ông Cù Huy Hà Vũ làm con. Ngày 10/01/1997, bà Ngô Thị Xuân Như và ông Ngô Xuân Huy là hai người em ruột của Nhà thơ Xuân Diệu lập trước công chứng giấy “Công nhận người thừa kế di sản theo pháp luật của ông Ngô Xuân Diệu (tức Nhà thơ Xuân Diệu)” trong đó ghi rõ “công nhận ông Cù Huy Hà Vũ, là cháu gọi ông Ngô Xuân Diệu bằng bác ruột, là người thừa kế duy nhất di sản của ông Ngô Xuân Diệu”.
Như vậy, theo Nghị quyết số 01 ngày 20/11/1988 của Hội đồng thẩm phán – Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình, ông Cù Huy Hà Vũ là con nuôi của Nhà thơ Xuân Diệu.
Khi Nhà thơ Xuân Diệu qua đời, cha đẻ, mẹ đẻ của ông đã qua đời và ông không có cha nuôi, mẹ nuôi. Căn cứ Điểm a, Khoản 1 Điều 651 Bộ Luật dân sự (Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết), ông Cù Huy Hà Vũ với tư cách con nuôi Nhà thơ Xuân Diệu là người thừa kế duy nhất của ông. Do đó, ông Vũ được sở hữu toàn bộ di sản của Nhà thơ Xuân Diệu, trong đó có quyền sở hữu nhà và đất ở của Nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội.
Căn cứ Khoản 2 Điều 32 Hiến pháp (Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. 3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường) và Điều 163 Bộ luật dân sự - Bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản (1. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. 2. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường), việc UBND thành phố Hà Nội lấy nhà và đất ở thuộc quyền sở hữu của cố Nhà thơ Xuân Diệu để làm “Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu” là tước đoạt quyền thừa kế của ông Cù Huy Hà Vũ đối với di sản của Nhà thơ Xuân Diệu.
Ngoài ra, căn cứ Khoản 2 Điều 25 Bộ Luật dân sự - Quyền nhân thân (Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó) và Khoản 1 Điều 615 – Bộ Luật dân sự - Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại (Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác), việc UBND thành phố Hà Nội sử dụng họ, tên của Nhà thơ Xuân Diệu để làm “Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu” nhưng không được ông Cù Huy Hà Vũ với tư cách con nuôi của Nhà thơ Xuân Diệu đồng ý là xâm phạm quyền nhân thân của Nhà thơ Xuân Diệu cũng như xâm phạm quyền thừa kế của ông Cù Huy Hà Vũ đối với di sản của Nhà thơ Xuân Diệu trong đó có quyền sử dụng họ, tên của ông.
UBND thành phố Hà Nội cũng làm trái Luật Di sản văn hóa khi làm “Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu” vì Luật Di sản văn hóa không có qui định nào về “Phòng lưu niệm”. Điều 73 Luật Di sản văn hóa 2001 qui định: “Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2002. Những quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ”. Do đó, mọi văn bản của chính quyền, kể cả quyết định của Thủ tướng Chính phủ, về làm “Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu” được ban hành trước hay sau Luật Di sản văn hóa có hiệu lực đều phải bị bãi bỏ.
Cuối cùng, việc UBND thành phố Hà Nội làm “Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu” là xâm phạm quyền “được ở nguyên trạng” của hộ gia đình Cố Nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội, được quy định tại Quyết định số 474/TTg ngày 16 tháng 7 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ. Điều 2 Quyết định ghi rõ: “Ba hộ gia đình hiện đang ở ngôi nhà này (ông Cù Huy Cận, Cố Nhà thơ Xuân Diệu và ông Vũ Quang Triệu) vẫn được ở nguyên trạng”.
Việc UBND thành phố Hà Nội lấy 50m2 đất ở thuộc quyền sở hữu của cố Nhà thơ Xuân Diệu cho bà Trần Lệ Thu không những cưỡng đoạt quyền thừa kế của ông Cù Huy Hà Vũ đối với di sản của Nhà thơ Xuân Diệu được Hiến pháp và Bộ Luật dân sự bảo hộ mà còn trái Luật đất đai và Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 21/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 53 Luật đất đai - Giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác qui định: “Việc Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật này và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phải giải phóng mặt bằng”.
Điều 61 và Điều 62 Luật đất đai quy định chỉ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Do đó, việc UBND thành phố Hà Nội lấy 50m2 đất ở mà hộ gia đình Cố Nhà thơ Xuân Diệu đang sử dụng (đã từ lâu gia đình chúng tôi lát gạch và làm hòn non bộ, bể cá trên diện tích đó) để giao cho bà Trần Lệ Thu, tức không vì mục đích quốc phòng, an ninh và cũng không để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là trái Luật đất đai.
Bên cạnh đó, Quyết định số 4337/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội dẫn ra Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 21/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ để giao 50m2 đất ở cho bà Trần Lệ Thu. Thế nhưng, Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không hề có tên bà Trần Lệ Thu! Như vậy, UBND thành phố Hà Nội đã làm sai lệch nội dung Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và do đó phạm “Tội giả mạo trong công tác” - Điều 284 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009.
Ngày 24/10/2014, ông Cù Huy Hà Vũ và tôi sang Hoa Kỳ để ông Vũ chữa bệnh theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ. Hơn 6 tháng sau, ngày 23/10/2014, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức thực hiện Quyết định số 4337 trái pháp luật nói trên bằng cách đập phá hòn non bộ, bể cá, đào sân mà hộ gia đình Nhà thơ Xuân Diệu đang sử dụng và cuối cùng đã cưỡng đoạt của gia đình chúng tôi 50,6 m2 đất ở để giao cho bà Trần Lệ Thu. Như vậy, UBND thành phố Hà Nội đã phạm Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản - Điều 143 và Tội “Cưỡng đoạt tài sản” - Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Ngày 14/10/2015, từ Hoa Kỳ ông Cù Huy Hà Vũ đã khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội theo Luật tố tụng hành chính. Cho đến nay, Tòa án này vẫn chưa hồi âm ông Vũ.
Tiếp tục chà đạp pháp luật, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đang chuẩn bị cưỡng đoạt nốt nhà đất của gia đình Cố Nhà thơ Xuân Diệu để làm “Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu” qua Thông báo số 59 ngày 20/8/2018 của Ủy ban nhân dân phường Điện Biên gửi cho “ông Cù Huy Xuân Đức, đại diện gia đình ông Cù Huy Hà Vũ “.
Tiếp đó, ngày 13/12/2018, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Ba Đình đã bịa đặt chuyện “ông Cù Huy Hà Vũ và bà Nguyễn Thị Dương Hà đang xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng” tại 24 Điện Biên Phủ dưới dạng “Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng” (Chứng từ 8) nhằm đập phá để tiến tới cưỡng đoạt nốt nhà cửa của gia đình Cố Nhà thơ Xuân Diệu tại đây. Sự bịa đặt này là trắng trợn vì vợ chồng chúng tôi chưa hề trở lại Việt Nam sau khi sang Mỹ. Ngoài ra, tại thời điểm và địa điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Ba Đình lập Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng, đã không có bất cứ công trình nào đang có hoạt động xây dựng. Chứng cứ là Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Ba Đình đã không đưa ra được bất cứ bằng chứng khách quan nào về “công trình đang có hoạt động xây dựng”, như hình ảnh về hoạt động xây dựng đang diễn ra, họ tên của các cá nhân đang thực hiện hoạt động xây dựng!
Việc UBND thành phố Hà Nội đã cưỡng đoạt và mưu toan cưỡng đoạt nốt nhà đất của gia đình Cố Nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ Hà Nội chẳng khác gì vụ Thủ Thiêm trong đó UBND thành phố Hồ Chí Minh đã bịa đặt ra qui hoạch trái với qui hoạch của Thủ tướng Chính phủ để cưỡng đoạt đất của người dân Thủ Thiêm.
Căn cứ Khoản 1 Điều 28 HIến pháp 2013 (Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước), ngày 24/10/2018, ông Cù Huy Xuân Đức, đại diện hộ gia đình Cố Nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội và thay mặt ông Cù Huy Hà Vũ và tôi bằng bưu điện gửi tới Chủ tịch nước – Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng Kiến nghị cứu gia đình Nhà thơ Xuân Diệu khỏi thảm họa bị cưỡng đoạt nhà và đất ở bởi chính quyền thành phố Hà Nội. Cùng ngày, ông Đức cũng bằng bưu điện gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Kiến nghị bãi bỏ Quyết định số 4337/QĐ-UBND ngày 16/9/2010 của UBND thành phố Hà Nội. Do không có bất cứ hồi âm nào từ Chủ tịch Trọng và Thủ tướng Phúc nên ngày 02/01 vừa qua, ông Đức tiếp tục gửi cho họ Kiến nghị có cùng nội dung. Kiến nghị kết thúc với việc ông Cù Huy Xuân Đức yêu cầu hai vị lãnh đạo này của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam:
- Khẩn trương lãnh đạo và chỉ đạo các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bãi bỏ Quyết định số 4337/QĐ-UBND ngày 16/9/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội do Quyết định này trái Hiến pháp và pháp luật.
- Khẩn trương lãnh đạo và chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đình chỉ ngay tức khắc mọi hành vi thực hiện Quyết định nói trên của Ủy ban nhân dân TP Hà Nội.
- Khẩn trương lãnh đạo và chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan tư pháp thu hồi 50,6 m2 đất ở bị cưỡng đoạt để trả lại cho hộ gia đình Cố Nhà thơ Xuân Diệu đồng thời xử lý theo pháp luật các cá nhân thực hiện các hành vi đập phá, cưỡng đoạt và âm mưu cưỡng đoạt nốt nhà và đất ở của gia đình cố Nhà thơ Xuân Diệu.
Về phần ông Cù Huy Hà Vũ và tôi, chúng tôi kiến nghị Chủ tịch nước – Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẩn trương trả lời các Kiến nghị của ông Cù Huy Xuân Đức cũng như yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý Đơn ngày 14/10/2015 của ông Cù Huy Hà Vũ khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo theo Luật tố tụng hành chính.
Việc hai vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước và Chính Phủ Việt Nam giải quyết các Kiến nghị của chúng tôi, gia đình Cố Nhà thơ Xuân Diệu, cũng như của các công dân Việt Nam khác sẽ chứng tỏ Hiến pháp và Nhà nước pháp quyền Việt Nam không chỉ tồn tại trên giấy.