Đường dẫn truy cập

HRW: Trẻ em nhập cư bị ngược đãi ở Indonesia


Human Rights Watch cho biết hơn 1,000 trẻ em nhập cư không có người lớn đi kèm đặt chân tới Indonesia năm 2012.
Human Rights Watch cho biết hơn 1,000 trẻ em nhập cư không có người lớn đi kèm đặt chân tới Indonesia năm 2012.
Hàng trăm trẻ em trốn chạy chiến tranh, bạo lực và nghèo đói bị câu lưu ở Indonesia và phải đối mặt với điều kiện giam giữ tệ hại và có phần bạo lực. Đó là kết luận từ phúc trình của Human Rights Watch, công bố hôm thứ hai. Theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Selah Hennessy từ London, phúc trình cho biết một số em bị giam giữ trong nhiều năm.

Tổ chức Human Rights Watch cho biết hơn 1,000 trẻ em không có người lớn đi kèm đặt chân tới Indonesia năm 2012. Theo tổ chức thúc đẩy nhân quyền này, nhiều em đã bị giới hữu trách Indonesia câu lưu và phải đối mặt với điều kiện giam giữ vô nhân đạo trong các trung tâm tạm giam quá tải, mất vệ sinh và thường bị ngập lụt.

Nhà nghiên cứu về nhân quyền của Human Rights Watch, Andreas Harsono, nói rằng các em hiếm khi được nhìn thấy ánh nắng.

Ông Harsono nói: “Thỉnh thoảng, một hoặc hai lần một tuần, các em này được phép đi lại trong khuôn viên của trung tâm tạm giữ người nhập cư. Các em có thể tự do đi lại, chạy nhảy và vui chơi như trẻ em vẫn làm’.

Báo cáo của Human Rights Watch được công bố dựa trên các cuộc phỏng vấn với hơn 100 người nhập cư, trong đó có 42 người từng là trẻ em khi họ tới Indonesia.

Phúc trình nói những người nhập cư kể lại chuyện các quản giáo đấm đá và tát họ. Trong một trường hợp, cha mẹ nói các quản giáo ở trung tâm giam giữ người nhập cư đã buộc con cái họ phải chứng kiến cảnh các quản giáo đánh đập những người nhập cư khác.

Ông Harsono nói rằng con số người nhập cư vào Indonesia đang trên đà gia tăng và nhiều người trong số đó từng bị đàn áp ở các nước trong khu vực như Afghanistan, Pakistan, Miến Điện và Iran.

Ông Harsono cho biết: "Chính phủ Indonesia phải nhận ra rằng trong vòng 3 tới 5 năm qua, ngày càng có nhiều người trốn chạy vì tình trạng xung đột ở Trung Đông và Nam Á cũng như vì tình trạng đàn áp người thiểu số tại đó, mà phần lớn là các tín đồ tôn giáo thiểu số."

Indonesia chưa phê chuẩn Công ước Tị nạn năm 1951. Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm xử lý đơn xin tị nạn, nhưng Human Rights Watch nói rằng ngay cả trong trường hợp Cao ủy Tị nạn công nhận ai đó là người tị nạn, Indonesia thường từ chối thả họ khỏi trại giam.

Ông Harsono nói rằng đối với những người không bị bắt giữ, mục tiêu là tới được Australia. Đối với họ, trước mắt là một hành trình nguy hiểm.

Ông Harsono nói tiếp: “Nếu may mắn, họ không bị bắt giữ. Sẽ phải mất một hay một năm rưỡi nữa để họ có thể tìm được một người khác trong giới đưa lậu người rồi dùng thuyền vượt Ấn Độ Dương để tới Australia”.

Human Rights Watch nói rằng có tin hàng trăm người thiệt mạng trong các chuyến vượt biển như vậy mỗi năm.

Tuần trước, Bộ Di trú Australia thông báo rằng hơn 700 trẻ em không có người lớn đi kèm hiện bị giam giữ trong hệ thống tạm giam người nhập cư của Australia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG