Hôm 27/8, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát biểu rằng chính phủ Úc cần gây sức ép để chính phủ Việt Nam phóng thích các tù nhân chính trị, chấm dứt đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, và áp dụng các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng công an bạo hành.
Trong một tuyên bố, bà Elaine Pearson, Giám đốc phụ trách Australia của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: “Trong năm vừa qua, chúng tôi nhận thấy có sự tăng vọt về số lượng các án tù nặng nề đối với những người ôn hòa kêu gọi dân chủ và chấm dứt chế độ độc đảng ở Việt Nam. Thông qua các biện pháp cụ thể, Australia cần gây sức ép để Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền yếu kém của mình.”
HRW đưa ra tuyên bố như trên một ngày trước khi Úc và Việt Nam tổ chức Đối thoại nhân quyền Australia-Việt Nam lần thứ 15, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 28/8/2018 tại Hà Nội.
Nhận định về cuộc đối thoại nhân quyền lần này, luật sư Nguyễn Văn Đài tại Đức nói với VOA rằng phía Úc cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn và thay đổi cách tiếp cận đối với giới lãnh đạo tại Hà Nội.
“Việt Nam và Úc đã có các cuộc đối thoại nhân quyền diễn ra hàng năm, thế nhưng mà các cuộc đối thoại này đem lại các thành tựu rất là ít. Chúng ta thấy chúng gần như là con số 0. Chúng tôi mong muốn rằng các cuộc đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam và Úc, diễn ra vào ngày mai, phía Bộ Ngoại giao Úc cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn, phải đưa ra một thước đo nào đó trong việc cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Tôi mong rằng chính phủ Úc cần phải thay đổi cách tiếp cận trong cách đối thoại nhân quyền với Việt Nam.”
HRW cho biết trong tám tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã kết án ít nhất là 28 nhà hoạt động và blogger, cao hơn con số 24 của cả năm 2017.
Trước đó, trong một phúc trình gửi chính phủ Úc hồi tháng 7, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị rằng chính phủ Úc cần tập trung để đạt kết quả việc yêu cầu chính quyền Việt Nam phóng thích tù nhân chính trị ở Việt Nam và gây sức ép Hà Nội chấm dứt nạn công an bạo hành.
Ngoài ra, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng đề nghị chính phủ Úc gây sức ép để Việt Nam chấm dứt việc hạn chế một cách có hệ thống các quyền dân sự và quyền chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do chính kiến, tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do nhóm họp, tự do đi lại và tự do tôn giáo.
Bà Pearson nhấn mạnh: “Chính quyền Australia cần gây sức ép lên các nhà lãnh đạo Việt Nam, cả trong những dịp công khai và gặp riêng tư, để phóng thích ngay lập tức những người bị giam, giữ vì lý do chính trị.”
Theo HRW, xét nội dung Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương giữa Úc và Việt Nam, một thỏa thuận bao gồm các điều khoản bảo vệ thông tin cá nhân, chính phủ Úc cần nêu quan ngại về các tác hại của bộ Luật An ninh mạng và yêu cầu Việt Nam hoãn thực thi bộ luật này.
Vào tháng 3 năm nay, Úc và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ theo một hiệp định đối tác chiến lược mới, nhưng tuyên bố chung không đề cập gì tới nhân quyền, ngoài việc đơn thuần ghi nhận đối thoại thường niên.
“Với hồ sơ nhân quyền tồi tệ lâu dài của Việt Nam, Úc không nên tưởng thưởng cho Việt Nam bằng quan hệ đối tác chặt chẽ hơn và các hợp đồng thương mại nếu không đạt được các tiến bộ khả chứng về nhân quyền,” Bà Pearson nói.
Bà Pearson nói: “Nhân quyền không nên bị hạ cấp thành các cuộc đối thoại kín hàng năm, mà cần được đặt vào vị trí trung tâm của mọi cuộc thảo luận giữa các quan chức cao cấp hai nước Úc và Việt Nam.”
Trong lời kêu gọi dài ba trang gửi chính phủ Úc và các cơ quan truyền thông quốc tế, tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, nhấn mạnh rằng trong năm qua đã có sự tăng vọt về số lượng các án tù nặng nề đối với những người ôn hòa kêu gọi dân chủ và chấm dứt chế độ độc đảng ở Việt Nam.