Liên minh châu Âu vừa lên tiếng phản đối việc Việt Nam kết án nhà hoạt động Lê Đình Lượng 20 năm tù hồi tuần trước và cho rằng Hà Nội đã vi phạm nghĩa vụ quốc tế của mình khi đưa ra bản án này.
Trong một tuyên bố ra ngày 20/8, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) ở Việt Nam nói việc ông Lượng bị kết án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế sau khi thụ án - dựa trên các điều khoản của Bộ luật Hình sự - “tiếp tục xu hướng tiêu cực trong việc đàn áp các nhà hoạt động ôn hòa tại Việt Nam.”
Phái đoàn EU tại Việt Nam đưa ra tuyên bố này sau khi đạt được sự đồng thuận của các Đại sứ của các nước thành viên Liên minh châu Âu tại Việt Nam.
Các đại sứ EU cho rằng ông Lê Đình Lượng hậu thuẫn một cách ôn hòa nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền như đã được bảo đảm trong Hiến pháp Việt Nam, trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam đã ký kết, trong đó có Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Bản tuyên bố đăng trên trang web của phái đoàn EU tại Việt Nam viết: “Xét bản án này là một sự vi phạm trực tiếp đối với các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, Liên minh châu Âu mong muốn các cơ quan thẩm quyền Việt Nam hãy trả tự do ngay lập tức cho ông Lê Đình Lượng cũng như cho tất cả các blogger và nhà hoạt động nhân quyền khác đang bị phạt tù vì đã biểu đạt quan điểm của mình một cách ôn hòa."
Phái đoàn Liên minh châu Âu nói họ “lấy làm tiếc về quyết định của các cơ quan thẩm quyền Việt Nam không cho phép các đại diện của Phái đoàn EU và đại sứ quán các nước thành viên EU tới chứng kiến phiên xét xử, bởi vì làm như vậy sẽ khiến dư luận đặt ra những nghi vấn về tính minh bạch của quá trình xét xử.”
Ngay sau phiên tòa xử nhà hoạt động vì môi trường diễn ra tại Nghệ An hôm 16/8, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với VOA rằng Viện kiểm sát đã đưa ra các chứng cứ mơ hồ để buộc tội ông Lượng. Luật sư Mạnh cho rằng bản án là rất nặng so với các vụ án cùng tội danh gần đây.
Truyền thông trong nước miêu tả ông Lượng là một “đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm” thuộc “tổ chức khủng bố Việt Tân” có trụ sở tại Hoa Kỳ, các bản tin này tố cáo ông Lượng là “đã lôi kéo, dụ dỗ” người khác tham gia vào tổ chức này, “nhằm mục đích chống lại chính quyền nhân dân, xóa bỏ chính thể Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”
Vợ ông Lượng, bà Nguyễn Thị Quý, nói với VOA rằng chồng bà từng biểu tình và ký tên vào thỉnh nguyện thư đòi ngừng khai thác Bôxit ở Tây Nguyên, ông cũng tham gia cùng người dân phản đối Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải của Việt Nam.
Chính phủ Mỹ tuần trước đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy thả nhà bất đồng chính kiến này ngay lập tức. Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về xu hướng gia tăng các vụ bắt bớ và các bản án khắc nghiệt đối với những hoạt động tranh đấu ôn hòa ở Việt Nam.
Liên minh châu Âu nói sẽ tiếp tục theo sát và hợp tác với các cơ quan thẩm quyền và tất cả các bên hữu quan nhằm cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam.