Đường dẫn truy cập

Hong Kong náo loạn, cảnh sát dùng đạn cao su và hơi cay  


Cảnh sát Hong Kong xịt hơi cay để giải tán đám đông biểu tình. Ảnh chụp ngày 12/6/2019
Cảnh sát Hong Kong xịt hơi cay để giải tán đám đông biểu tình. Ảnh chụp ngày 12/6/2019

Cảnh sát Hồng Kông hôm nay (12/6) sử dụng đạn cao su và hơi cay trong khi người biểu tình ném chai nhựa để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi can sang Trung Quốc đại lục để xét xử, giữa lúc cuộc biểu tình rầm rộ chuyển sang thành hỗn loạn và bạo lực.

Theo Reuters, hàng chục ngàn người biểu tình tụ tập bên ngoài cơ quan lập pháp Hong Kong trong ôn hòa trước khi căm phẫn bùng lên, và một số người dùng ô dù tấn công cảnh sát.

Cảnh cáo họ hãy rút lui, cảnh sát đe dọa: “Chúng tôi sẽ sử dụng vũ lực”.

Nhiều xe cứu thương đang chạy về khu vực biểu tình giữa lúc tình trạng hoảng loạn lan rộng trong đám đông, nhiều người tìm cách chạy thoát hơi cay. Một số cửa hàng kéo cửa để bảo vệ cơ sở của họ tại tòa nhà IFC gần đó, một trong những tòa nhà cao nhất Hồng Kông.

Cảnh sát trưởng Stephen Lo nói người biểu tình “phải dừng bạo lực”, ông cảnh báo người dân hãy tránh xa nơi diễn ra “biểu tình bạo loạn”. Ông xác nhận rằng cảnh sát đang sử dụng đạn nhựa.

Những người biểu tình, hầu hết là những người trẻ tuổi mặc trang phục màu đen, đã dựng lên các rào cản trong khi họ chuẩn bị cho một cuộc chiếm đóng kéo dài tại khu vực biểu tình, cảnh tượng gợi nhớ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ “Chiếm Trung” năm 2014 có biểu tượng là chiếc ô màu vàng, nên được biết đến là “phong trào Ô dù”.

Đám đông biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hong Kong, Trung Quốc, ngày 12/6/2019. REUTERS/Tyrone Siu
Đám đông biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hong Kong, Trung Quốc, ngày 12/6/2019. REUTERS/Tyrone Siu

Người biểu tình tập hợp tại và xung quanh đường Lung Wo, trục lộ đông tây chính gần văn phòng của Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam, giữa lúc hàng trăm cảnh sát vũ trang chống bạo động cảnh báo đám đông phải dừng lại.

Có mặt trong đám đông, nhà lập pháp ủng hộ dân chủ Claudia Mo nói: “Có phải chúng ta đã nói khi kết thúc phong trào Ô dù, rằng chúng ta sẽ trở lại?

Bà Mo tự trả lời: “Bây giờ chúng ta đã trở lại!”

Đám đông hưởng ứng bằng cách lặp lại phát biểu đó của bà.

Những người khác lại kêu gọi Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam từ chức.

“Có phải chúng ta đã nói khi kết thúc phong trào Ô dù, rằng chúng ta sẽ trở lại? Bây giờ chúng ta đã trở lại!”
Claudia Mo, nhà lập pháp ủng hộ dân chủ

Sự chống đối dự luật dẫn độ hôm Chủ nhật khơi dậy cuộc biểu tình chính trị lớn nhất tại Hồng Kông kể từ khi vùng lãnh thổ này được vương quốc Anh bàn giao lại cho Trung Quốc vào năm 1997 theo nguyên tắc “một quốc gia hai thể chế”, một thỏa thuận đảm bảo Hong Kong có quy chế tự trị đặc biệt, bao gồm quyền tự do hội họp, một nền báo chí tự do và một hệ thống tư pháp độc lập.

Nhiều người tố cáo rằng Trung Quốc đã can thiệp sâu rộng vào Hong Kong từ đó, kể cả cản trở các cải cách dân chủ, can thiệp vào bầu cử địa phương và chịu trách nhiệm về các vụ mất tích bắt đầu từ năm 2015 của 5 người Hồng Kông chuyên làm và bán bán các đầu sách chỉ trích lãnh đạo Trung Quốc.

Bà Carrie Lam đã tuyên bố sẽ tiến hành với dự luật dẫn độ bất chấp những lo ngại sâu sắc tại trung tâm tài chính này của châu Á, kể cả từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, rằng luật dẫn độ có thể làm xói mòn các quyền tự do cũng như niềm tin của giới đầu tư, phương hại tới lợi thế cạnh tranh của Hong Kong.

Trung Quốc lặp lại lập trường của họ ủng hộ luật dẫn độ.

Reuters dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói với các phóng viên:

“Bất kỳ hành động nào gây tổn hại đến sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông đều bị phản đối bởi cộng đồng chính mạch ở Hồng Kông.”

Được hỏi về tin đồn rằng lực lượng an ninh Trung Quốc sẽ được điều đến Hồng Kông, ông Cảnh Sảng nói rằng đó là “tin giả”.

Chính quyền Hong Kong cho hay các cuộc tranh luận về dự luật được lên kế hoạch trong ngày thứ Tư tại Hội đồng lập pháp sẽ được hoãn lại cho tới khi có lệnh mới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG