Đường dẫn truy cập

Báo TQ: 'Các thế lực nước ngoài' kích động biểu tình ở Hong Kong


Người biểu tình tuần hành chống dự luật dẫn độ ở Hong Kong vào ngày 9/6/2019.
Người biểu tình tuần hành chống dự luật dẫn độ ở Hong Kong vào ngày 9/6/2019.

“Các thế lực nước ngoài” đang cố gắng gây tổn thương cho Trung Quốc bằng cách tạo ra sự hỗn loạn ở Hong Kong về dự luật dẫn độ, gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ ở cựu thuộc địa của Anh, Reuters dẫn một tờ báo chính thức của Trung Quốc nói hôm 10/6.

Cảnh sát chống bạo động đã bao vây Quốc hội Hong Kong vào đầu ngày 10/6 sau khi một cuộc biểu tình ôn hòa chống dự luật dẫn tới các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.

Hàng trăm ngàn người đã gây tắc nghẽn đường phố Hong Kong trước đó vào hôm 9/6 để phản đối dự luật, trong cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm qua. Nhiều người nói rằng họ sợ dự luật sẽ khiến cho tính độc lập tư pháp đáng tự hào của thành phố bị đe dọa.

Các nhà tổ chức cho biết đã có hơn một triệu người biểu tình, mặc dù cảnh sát đưa ra con số khoảng 240.000 người.

Tờ Trung Hoa Nhật Báo nói trong một bài xã luận rằng dự luật này là rất cần thiết.

“Bất kỳ một người nào có đầu óc công bằng cũng sẽ coi dự luật sửa đổi là một điều luật hợp pháp, thực tế và hợp lý nhằm củng cố pháp quyền của Hong Kong và thực thi công lý”, Reuters dẫn lại nội dung của tờ báo của Trung Quốc.

“Thật không may, một số cư dân Hong Kong đã bị phe đối lập và các đồng minh nước ngoài lừa bịp để ủng hộ chiến dịch chống dẫn độ”.

Một số người biểu tình ở đặc khu hành chính đã hiểu sai về những thay đổi được đề xuất trong dự luật, trong khi những người khác đang cố gắng thúc đẩy một chương trình nghị sự chính trị, ấn phẩm tiếng Anh của tờ báo nói.

“Họ đã không nhận ra rằng phe đối lập đang sử dụng họ đơn thuần chỉ là những con tốt nhằm đạt được những lợi ích chính trị bằng cách gây tổn hại danh tiếng và uy tín của chính quyền đặc khu hành chính, hoặc một số thế lực nước ngoài đang chộp lấy cơ hội này để thúc đẩy chiến lược gây tổn thương cho Trung Quốc bằng cách tạo ra hỗn loạn ở Hong Kong”, Trung Hoa Nhật Báo nói tiếp.

Tờ báo không nói “các thế lực nước ngoài” là ai.

Các chính phủ nước ngoài đã bày tỏ lo ngại về dự luật đề xuất, cảnh báo về tác động của nó đối với danh tiếng của Hong Kong, một trung tâm tài chính quốc tế, và lưu ý rằng những người nước ngoài bị Trung Quốc truy nã có nguy cơ bị bắt ở Hong Kong, theo Reuters.

Các nhóm nhân quyền đã nhiều lần cáo buộc tình trạng tra tấn, giam giữ tùy tiện, ép buộc nhận tội và các vấn đề trong việc tiếp cận luật sư ở Trung Quốc.

Các quan chức Hong Kong thì bênh vực các kế hoạch trên, ngay cả khi họ nâng ngưỡng hình phạt có thể bị dẫn độ từ 7 năm tù trở lên.

Một tờ báo khác của Trung Quốc, Hoàn cầu Thời báo, hôm 10/6 nói rằng các nhóm đối lập Hong Kong và những người ủng hộ quốc tế của họ đã “thổi phồng chính trị” về hoạt động lập pháp bình thường của Hong Kong.

“Chính phủ Hong Kong sẽ không lùi bước”, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nhân Dân Nhật Báo, nói.

“Chính phủ đặc khu hành chính Hong Kong và dư luận chính thống đã làm việc hết sức vì pháp quyền và chính nghĩa, và tuyệt đối sẽ không từ bỏ nửa chừng”, tờ báo nói trong một bài xã luận phiên bản tiếng Trung.

Các cuộc biểu tình hầu như không được đề cập đến ở Trung Hoa đại lục.

Từ khóa tìm kiếm “Hong Kong” trên trang Weibo của Trung Quốc hôm 10/6 chỉ hiển thị những bài đăng từ các tài khoản được xác minh, chủ yếu là các trang web của chính phủ và các tổ chức truyền thông.

Một trong số ít bài đăng thừa nhận các cuộc biểu tình là từ tờ báo thân Bắc Kinh, Wen Wei Po, vốn cáo buộc “những kẻ ly khai Hong Kong” đã tổ chức cho những người mặc đồ đen xông vào cảnh sát và gây ra ‘xô xát’”.

Những từ cụ thể hơn liên quan đến biểu tình, như #OpposeChineseExtradition [phản đối dẫn độ Trung Quốc], đã bị kiểm duyệt.

Tường thuật của BBC và CNN về cuộc biểu tình đều không hiển thị tại Trung Quốc, mặc dù các kênh trên chỉ có thể xem được trong các khách sạn cao cấp và một số ít tòa nhà chung cư, và hầu hết người Trung Quốc không thể xem.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG