Đường dẫn truy cập

Hơn ngàn di dân đổ tới biên giới Mỹ-Mexico


Xe cứu thương và các toán cứu hộ bên ngoài trung tâm di dân tại Ciudad Juarez, Mexico, ngày 28/3/2023. Ít nhất có hơn 30 người thiệt mạng khi trung tâm bị cháy.
Xe cứu thương và các toán cứu hộ bên ngoài trung tâm di dân tại Ciudad Juarez, Mexico, ngày 28/3/2023. Ít nhất có hơn 30 người thiệt mạng khi trung tâm bị cháy.

Thất vọng trước chính sách tị nạn gần đây của Mỹ và bị rúng động bởi vụ hỏa hoạn tại một trung tâm giam giữ di dân ở Mexico khiến hàng chục người chết, hơn một ngàn di dân ở miền bắc Mexico đã tự nộp mình cho lực lượng kiểm soát biên giới Hoa Kỳ.

Phát ngôn viên của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) cho biết họ đang xử lý hơn một ngàn di dân tự nộp mình hôm 29/3 tại El Paso, Texas, gần thành phố Ciudad Juarez của Mexico.

Trong tuyên bố vào cuối ngày 29/3, CBP cho biết họ đang trục xuất những di dân theo lệnh thời COVID được gọi là Điều 42 và bắt đầu các thủ tục trục xuất đối với những di dân khác vốn không thể tống xuất theo biện pháp này mà không có tình trạng hợp pháp.

Những di dân cho biết một ứng dụng mới của chính phủ Hoa Kỳ nhằm hợp lý hóa quy trình đảm bảo các cuộc hẹn xin tị nạn từ bên ngoài Hoa Kỳ đã khiến họ cảm thấy chán nản và bất lực.

Mang theo trẻ em và đồ đạc, các nhóm di dân đã nhanh chóng di chuyển vào chiều ngày 29/3 tới một cổng tại một phần của bức tường biên giới Hoa Kỳ, nơi đã trở thành điểm đến của những người xin tị nạn và những kẻ chuyển lậu người.

“Bây giờ, với ơn phước của Chúa, chúng tôi sẽ đến được đó,” ông Carlos Garcia nói, kéo cô con gái nhỏ của mình chạy bộ khi ông cố gắng ghi tên vào danh sách được cho là được cho phép vào Mỹ.

Một tin đồn thất thiệt đã lan truyền trên mạng xã hội hôm 29/3 rằng những di dân trình diện tại một địa điểm cụ thể ở biên giới sẽ có thể tự do đi vào lãnh thổ Hoa Kỳ.

Một số di dân quay lại vì sợ bị bắt, nhưng đến cuối buổi chiều, hàng trăm người đã xếp hàng dọc theo hàng rào thép trên đất Mỹ. Đến đầu giờ tối, các nhân viên CBP đã bắt đầu xử lý di dân qua một cánh cửa dành cho công nhân bảo trì.

Hai chục di dân được Reuters phỏng vấn cho biết họ chán ngấy với tình trạng phân biệt đối xử và bạo lực hàng ngày ở Mexico, một số người nói rằng họ sợ phải chịu số phận tương tự như 39 người đàn ông đã chết trong vụ hỏa hoạn tại trại giam di dân của chính phủ Mexico hôm 27/3.

Anh Juan Velázquez, một di dân 22 tuổi, nói: “Tôi đến để sống chứ không phải để chết.” “Đó là lý do tại sao tôi muốn rời khỏi đây ngay bây giờ. Mexico không phải là nơi dành cho chúng tôi.”

“Tôi đã từng ở đó,” ông nói thêm, đề cập đến trung tâm giam giữ do Viện Di trú Quốc gia Mexico (INM) điều hành. “Họ đối xử với chúng tôi như tội phạm.”

Các công tố viên Mexico nói hôm 29/3 rằng họ đang điều tra vụ hỏa hoạn tại trung tâm di cư như một vụ giết người khả dĩ và đã xác định được tám người có thể phải chịu trách nhiệm: hai đặc vụ liên bang, một nhân viên di trú của tiểu bang và năm thành viên của một công ty an ninh tư nhân.

Một đoạn video ngắn lan truyền trên mạng xã hội - dường như là cảnh quay an ninh từ bên trong trung tâm trong vụ cháy - cho thấy những người đàn ông đá vào song sắt của một cánh cửa bị khóa khi phòng giam của họ đầy khói. Có thể nhìn thấy ba người mặc đồng phục đi ngang qua mà không cố mở cửa. Các nhà điều tra cho biết đoạn video là một phần của cuộc điều tra.

Ở biên giới, một bà mẹ trẻ người Venezuela đang cầu nguyện bên cạnh hai cô con gái của mình - trông có vẻ mệt mỏi và mặc quần áo rách rưới, bẩn thỉu.

“Chúa ơi, hãy giúp chúng con,” bà lặp lại.

Trong lúc họ chờ cơ hội vượt qua biên giới, các nhân viên Biên phòng và lính Vệ binh Quốc gia Texas đứng bất động trước cánh cổng kim loại đồ sộ, ngăn không cho họ đi qua.

Một trực thăng an ninh của Hoa Kỳ vần vũ trên đầu.

Nhiều di dân cho biết họ đã cố gắng nhưng bất thành để được cho một cuộc hẹn trên mạng để bắt đầu quá trình xin tị nạn ở Hoa Kỳ.

Kể từ khi chính quyền Biden triển khai ứng dụng đó vào tháng 1 năm nay, những người xin tị nạn đã phàn nàn về những trục trặc, nhu cầu cao và ít các cuộc hẹn.

“Ứng dụng không hoạt động. Họ cần tìm cách khác để giúp chúng tôi, nếu đó thực sự là điều họ muốn”, anh Carlos, một di dân 28 tuổi, nói anh đã dành hơn 10 giờ mỗi ngày cho ứng dụng này, nhưng không thành công. “Đó là rác rưởi.”

Các quan chức Hoa Kỳ đã bênh vực ứng dụng này, nói rằng những trục trặc ban đầu đã được giải quyết và vấn đề chủ yếu là do số lượng người sử dụng ứng dụng quá tải trong khi số lượng cuộc hẹn phỏng vấn có hạn.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG