Đường dẫn truy cập

Anh công bố dự luật mới về di dân tới nước này trái phép


Thủ tướng Anh Rishi Sunak.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Anh mới công bố chi tiết về dự luật mới, theo đó cấm nhập cảnh đối với những người xin tị nạn đến nước này trên những chiếc thuyền nhỏ qua eo biển Manche, theo Reuters.

Hãng tin này dẫn lời một số tổ chức từ thiện cho rằng đề xuất này có thể không thực tế và hình sự hóa những nỗ lực của hàng nghìn người tị nạn chân chính.

Thủ tướng Rishi Sunak đã coi việc ngăn chặn những chiếc thuyền đến Anh trái phép là 1 trong 5 ưu tiên chính của ông sau khi số lượng người di cư đến bờ biển phía nam nước Anh tăng vọt lên hơn 45.000 vào năm ngoái, tăng 500% trong hai năm qua, theo Reuters.

Tin cho hay, luật mới đồng nghĩa với việc bất kỳ ai đến theo cách này sẽ bị ngăn không cho xin tị nạn và bị trục xuất trở về quê hương của họ hoặc đến những nước được gọi là nước thứ ba an toàn.

Người nhập cư bất hợp pháp từ Việt Nam tới Anh lâu nay là một trong các vấn đề được coi là gây quan ngại đối với cả chính phủ Anh lẫn Việt Nam.

Chị Bùi Ngọc Thúy, thành viên của Hội Người Việt ở Vương quốc Anh, cho VOA tiếng Việt biết thêm về dự luật mới của Anh: “Thủ tướng Anh cũng đã nêu ra các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, tích cực hơn, như đưa ra các bộ luật nghiêm khắc hơn với những kẻ buôn bán người, hay là có các điều luật khắt khe hơn trong việc xin tị nạn, xin nhập cư ở nước Anh”.

“Em nghĩ là các chính phủ, kể cả bên Anh và có sự kết hợp ở Việt Nam nữa, thì sẽ cố gắng ngăn chặn và truy tố những tội phạm này để bảo vệ những người bị tổn thương”.

Reuters nhận định rằng sự tức giận đối với vấn đề nhập cư đã đóng một vai trò quyết định trong nền chính trị Anh trong thập kỷ qua, và Đảng Bảo thủ của ông Sunak hy vọng rằng bằng cách thực hiện đường lối cứng rắn, họ có thể gây dựng lại sự ủng hộ dành cho đảng trong bối cảnh đảng này khi vẫn kém Công Đảng đối lập chính trong các cuộc thăm dò dư luận.

Theo hãng tin Anh, cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết họ "quan ngại sâu sắc" trước đề xuất bị coi là sẽ từ chối quyền tị nạn của mọi người "bất kể các trường hợp cá nhân chân chính và có tính thuyết phục như thế nào".

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, mới đây, ông Andrew Patrick, Đặc phái viên về Di cư, Nô lệ hiện đại và Mua bán người của Vương quốc Anh, đã có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, cũng như kỷ niệm 5 năm thực hiện Bản ghi nhớ về Hợp tác phòng, chống mua bán người giữa hai nước.

Chị Bùi Ngọc Thúy nói với VOA tiếng Việt về tác động có thể có của các dự luật và chính sách đối với vấn đề người nhập cư trái phép Việt Nam vào Anh: “Chính phủ Anh thì người ta có các biện pháp như là thay đổi luật, hay có những biện pháp truy tố, đưa ra luật nhập cư khó hơn. Còn chính phủ Việt Nam thì ví dụ như cải thiện đời sống cho nhân dân, hoặc nâng cao kiến thức, trình độ cho người ta. Các biện pháp đấy nếu mà các chính phủ thúc đẩy hoặc ưu tiên được thì em nghĩ sẽ hạn chế được [người nhập cư trái phép Việt Nam]”.

Chính phủ Anh cho biết trên trang đầu tiên của dự thảo luật rằng nó có thể không tương thích với các nghĩa vụ của Anh theo Công ước Châu Âu về Nhân quyền, có nghĩa là nó có thể phải đối mặt với những thách thức pháp lý nếu được thông qua thành luật, theo Reuters.

Ông Sunak cho biết ông sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết" để ngăn chặn những chiếc thuyền nhỏ và sẵn sàng chống lại mọi thách thức pháp lý.

"Chúng tôi sẵn sàng tranh đấu, tôi có lẽ không đứng ở đây nếu chúng tôi đã không [tranh đấu] - nhưng chúng tôi thực sự tự tin rằng chúng tôi sẽ giành chiến thắng", ông Sunak nói trong một cuộc họp báo, theo Reuters.

Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman cho biết rằng luật này sẽ cho phép giam giữ những người di cư mà không cần bảo lãnh cho đến khi họ có thể bị trục xuất, và những người vào Anh bất hợp pháp sẽ không còn có thể sử dụng luật chống chế độ nô lệ để cố gắng ngăn chặn việc trục xuất.

VOA Express

XS
SM
MD
LG