Đường dẫn truy cập

Hội Thảo An Ninh Biển Đông CSIS 2012


Hội thảo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) về An Ninh Biển Đông 2012
Hội thảo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) về An Ninh Biển Đông 2012
Nhiều người tham dự hội thảo bày tỏ quan tâm về những diễn biến không mấy tích cực hồi gần đây trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nghiêm trọng nhất là vụ đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines tại Bãi cạn Scarborough, và vụ Trung Quốc cho mời thầu các lô dầu khí trong khu vực mà Việt Nam coi là thuộc khu đặc quyền kinh tế của mình. Có người cho rằng những hành động đó đã tạo ra một đợt căng thẳng mới trong khu vực, và những phát biểu có phần cứng rắn, không nhượng bộ của diễn giả người Trung Quốc tại hội thảo CSIS về an ninh ở Biển Đông, là ông Wu Shicun, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc, đã không làm giảm thiểu những quan tâm đó.

Trả lời Ban Việt ngữ-Đài VOA về phản ứng của Việt Nam trước vụ Trung Quốc cho mời thầu các lô dầu hỏa trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam Đặng Ðình Quý nói rằng đây là một sự “vi phạm thô bạo chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trong khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam”, ông Đặng Đình Quý cho rằng làm như thế là vi phạm luật quốc tế, kể cả Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS ) và Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ông cho rằng các hành động vi phạm đó gây nhiều lo ngại trong khu vực.

Ông Đặng Đình Quý: Việt Nam từ xưa tới nay vẫn chủ trương giải quyết các việc bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở UNCLOS và DOC. Trung Quốc làm như thế là làm cho các nước ASEAN người ta lo sợ, người ta lo ngại về những hành động như vậy, và lòng tin chính trị đã quá hiếm rồi mà làm như thế lại càng hỏng mất.

VOA: Ông có thấy bi quan về triển vọng giải quyết tranh chấp Biển Đông?

Ông Đặng Đình Quý: Giải quyết tranh chấp Biển Đông là chuyện rất lâu dài, nhưng tôi nghĩ là không có bi quan, tôi thường vẫn lạc quan bởi vì thế này, tất cả mọi người liên quan đến Biển Đông đều có lợi ích chung để duy trì hòa bình, ổn định và phát triển. Trung Quốc càng mạnh càng phát triển thì càng phải duy trì ổn định, hòa bình đối với các nước chung quanh. Cái đó là một yếu tố rất quan trọng để bảo đảm cho cái quá trình phát triển của Trung Quốc lâu dài. Thì không có thể nói các nước Đông Nam Á cần hòa bình nhiều hơn hay Trung Quốc cần hòa bình nhiều hơn. Tất cả mọi người đều cần hòa bình và ổn định. Người Trung Quốc họ hiểu điều đấy.

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell
VOA: Thưa ông, Việt Nam và Philippines có hợp tác với nhau trong các cuộc thảo luận về chiến lược để có thể cùng đương đầu với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp?

Ông Đặng Đình Quý: Việt Nam và Philippines đều ở trong một gia đình lớn hơn là ASEAN. Tất cả các nước ASEAN đều chia sẻ một quan điểm chung là phải duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông, tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN với nhau để làm cái việc đó. Đấy là lợi ích chung mà đấy cũng là lợi ích của cả hòa bình và ổn định khu vực và cả Trung Quốc ở đấy nữa.

Cũng có mặt ngay từ đầu cuộc hội thảo để lắng nghe phần phát biểu của ông Wu là Bà Nguyễn thị Ngọc Giao, Chủ tịch Hội Tiếng Nói Người Mỹ gốc Việt. Bà Ngọc Giao cho biết ý kiến về bài phát biểu của ông Wu.

Bà Ngọc Giao: Thưa ông Wu Shicun nói không khác gì luận điệu của Trung Quốc từ trước tới nay. Họ nói là Biển Đông là hoàn toàn thuộc về chủ quyền của Trung Quốc và không tranh cãi được. Theo ông ta nói thì “bản đồ lưỡi bò ”hay “bản đồ 9 đoạn ”là hoàn toàn thuộc về Trung Quốc và đã được nhiều nước công nhận. Ông khăng khăng nói rằng Trung Quốc sẽ không nhượng bộ và khẳng định tất cả mọi quyền lợi của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông Nam Á Châu của chúng ta, kể cả quyền về dầu hỏa và đánh bắt cá cũng như tất cả các nguồn lợi khác từ biển.

VOA: Năm ngoái chị Ngọc Giao cũng dự buổi hội thảo này, thì năm nay, lập trường của Trung Quốc theo chị, có cứng rắn hơn so với năm ngoái?

Bà Ngọc Giao: Vâng, có 2 chiều hướng, trên phương diện nói chuyện, thì họ nói theo hướng của thế giới nhiều hơn, nhưng trên phương diện hành động, thì họ hành động cứng rắn hơn, và họ có phần lấn chiếm những nước tại Đông Nam Á Châu nhiều hơn. Chuyện xảy ra trước mắt là điều mình chứng kiến ở đảo Hoàng Nham (Scarborough) và chuyện mới đây là họ mang ra đấu thầu 9 lô dầu tại khu vực Biển Đông của chúng ta.

VOA: Chị có nhận định nào khác về những gì đã được thảo luận trong buổi hội thảo hôm nay?

Bà Ngọc Giao: “Vâng, ngoại trừ ông giáo sư của Trung Quốc, còn tất cả những diễn giả còn lại đều phủ nhận tuyên bố của ông diễn giả người Trung Quốc, và hầu hết cử tọa cũng thế. Giáo sư Thayer của Học viện Quốc phòng Australia cũng nói lên những cách hành xử rất ngang ngược của Trung Quốc, đặc biệt với Việt Nam. Giáo sư Thayer nói rất nhiều đến chuyện Trung quốc hà hiếp, giết ngư dân Việt Nam, cướp thuyền Việt Nam và có những hành động rất là tàn bạo. Tiếng Nói Người Mỹ gốc Việt chúng tôi có hỏi Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kurt Campbell một câu là, hôm qua Trung Cộng tuyên bố đấu thầu 9 lô trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và cũng cùng trong một khoảng thời gian, thì có tin là Trung Cộng và Hoa Kỳ đã tiến tới một số thỏa hiệp để nói chuyện với nhau về quân sự, thì Giao hỏi ông Campbell liệu hai sự kiện này nó có liên hệ với nhau không, và trong tiến trình ngoại giao mà ông Campbell nói rằng Hoa Kỳ rất chú trọng tới việc nói chuyện riêng với Trung Cộng thì hai điểm này có được bàn cãi hay không, thì ông Campbell nói rằng ông không thảo luận vấn đề đó, nhưng hai bên có nói về chuyện tìm hiểu nhau về quân sự vì Hoa Kỳ muốn biết rõ về thực lực quân sự của Trung Cộng như thế nào.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Trường Đại học George Mason có nhận định sau đây về lập trường của Trung Quốc.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Trung Quốc có lập trường nhất quán từ trước tới sau. Trung Quốc đặt ra cái đường lưỡi bò và Trung Quốc thử áp dụng chủ quyền của mình dựa trên cái đường lưỡi bò đó, một cách chậm mà chắc, cứ từng vụ từng vụ, tiến lên xong rồi lùi lại cho tới khi Trung Quốc đạt được mục tiêu, cho tới khi bị chặn lại.

VOA: Trong các điều kiện đó, có hy vọng nào Việt Nam sẽ giành lại được Hoàng Sa?

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyện Hoàng Sa thì dành lại cũng khó lắm. Khó là bởi vì một khi đã chiếm được thì họ khó giả lắm. Nhưng nguyên tắc là cứ phải đòi thôi, để mình đòi họ phải nhân nhượng ở chỗ khác, không đòi thì hết.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng những hành động lấn chiếm biển đảo của Trung Quốc cũng nhằm thử sự đoàn kết trong khối ASEAN, và ông chỉ trích tổ chức khu vực này đã không mạnh mẽ lên tiếng về cuộc tranh chấp này, trong một giai đoạn có tính quyết định như bây giờ.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Diễn biến quan trọng nhất là những gì xảy ra ở Scarborough. Theo nhận xét của tôi, thì tôi đã viết một bài trong The Diplomat, tôi thấy nó thử thách rất nhiều cái gọi là “ASEAN centrality”, là ASEAN là trọng tâm của mọi chuyện, bởi vì nó chứng tỏ là ASEAN là rất yếu, cái sự đoàn kết trong các nước thuộc khối ASEAN rất yếu. Trong một giai đoạn như thế này mà ASEAN không lên tiếng gì cả. Trong bài viết, tôi có nói trong trường hợp này (Scarborough) thì Trung Quốc đã thắng, là bởi vì sự kiện đầu tiên xảy ra là ông Phi Luật Tân gửi tàu đến để áp dụng luật của mình đối với tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập vào hải phận của mình, vùng EEZ, vùng đặc quyền kinh tế của mình, thế nhưng cuối cùng thì ông Tàu mang tàu của ông ấy đến chặn. Cuối cùng đến giữa tháng 5, thì có 3 tàu của Philippines và độ 30 tàu Trung Quốc cộng với những thuyền nhỏ, khoảng 80 chiếc nữa. Cuối cùng khi đoàn giải quyết xong thì không có một tàu đánh cá nào của Philippines, cũng không có một tàu nào của chính phủ Philippine! Thì để đổi lại Trung Quốc rút tàu về, nhưng mà lại có 30 tàu đánh cá Trung Quốc nó ở trong ấy. Khởi đầu thì Philippines cấm Trung Quốc đến, cuối cùng Philippines rút về, Trung Quốc đến thì rõ ràng là Trung Quốc được rồi! Nó làm như thế này là nó thử cái sự đoàn kết của ASEAN, thử phản ứng của Mỹ và thử sức mạnh của Phi Luật Tân. Trong trường hợp này thì tôi thấy Trung Quốc đã thắng ở bước đầu.

Cũng có mặt tại hội thảo về an ninh hàng hải Biển Đông là ông Hoàng Tứ Duy, người phát ngôn của Đảng Việt Tân. Ông Hoàng Tứ Duy nêu lên lập trường của Đảng Việt Tân liên quan tới cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Ông Hoàng Tứ Duy: “Chúng tôi cảm thấy lập trường của Trung Quốc phải nói là rất bị cô lập trên diễn đàn quốc tế. Khi diễn giả Trung Quốc trình bày quan điểm của Bắc Kinh thì hình như họ vô cùng chủ quan, không nghĩ đến phản ứng của bên ngoài. Bởi vì vậy phản ứng của cử tọa là họ thấy lập luận của Trung Quốc không hợp lý tí nào. Về lập trường của Việt Tân, thì rõ ràng vấn đề Biển Đông là vấn đề hết sức nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Việt Nam và an ninh trong vùng. Chúng ta phải tìm những giải pháp để giải quyết vấn đề Biển Đông. Giải pháp đó thứ nhất, phải dựa trên một giải pháp quốc tế hóa chứ không thể là một giải pháp đơn thuần giữa Bắc Kinh và Hà nội. Và thứ nhì, về mặt đường dài, thì có lẽ cả dân tộc Việt Nam phải có một tiếng nói trong vấn đề bảo vệ lãnh thổ. Có như vậy, chúng ta mới huy động sức mạnh của toàn dân được.

Quí vị vừa theo dõi một số cuộc phỏng vấn do Hoài Hương thực hiện bên lề Hội Thảo về An Ninh Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức tại thủ đô Washington trong hai ngày 27 và 28 tháng Sáu. ‘Câu chuyện Việt Nam’, phát thanh vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần, đến đây đã kết thúc. Quý vị có thể bình luận về đề tài hôm nay, đọc các tin mới nhất, xem phóng sự video, và trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com, hoặc các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Hoài Hương xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi Câu Chuyện Việt Nam tuần này, và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình kỳ tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG