Đường dẫn truy cập

Hội nghị APEC sẽ thảo luận về tranh chấp Biển Đông


Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Á-Thái Bình Dương tổ chức tại Nga trong tuần này sẽ thảo luận về phương cách tốt nhất để hòa giải các cuộc tranh chấp biên giới trong Biển Đông.

Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Brunei, Philippines và Trung Quốc, tất cả đều có những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng chéo nhau tại khu vực này.

Các hoạt động của Trung Quốc tuần tiễu trong vùng biển tranh chấp và một đồn cảnh bị mới do nước này đặt trên một hòn đảo đang trong vòng tranh chấp đã đưa các tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại Biển Đông lên hàng đầu trong nghị trình của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Ông Rory Medcalf là người đứng đầu Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện nghiên cứu Lowy của Úc. Ông nói:

“Có một rủi ro nhỏ nhưng theo tôi đang lớn dần, rằng một sự cố nào đó xảy ra trên biển có thể leo thang để trở thành một vụ đụng độ giữa Trung Quốc với một trong các nước láng giềng . Theo tôi nghĩ thì đó là điều mà tất cả chúng ta đều đang lo ngại.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói các nước Đông Nam Á nên soạn một bộ qui tắc ứng xử chung tại Biển Đông với Trung Quốc, để giải quyết những tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này.

Ngoại trưởng Clinton phát biểu:

“Chúng tôi tin là các quốc gia trong vùng nên cộng tác với nhau để giải quyết những vụ tranh chấp, mà không có bị cưỡng ép, không bị đe dọa và đương nhiên, không sử dụng vũ lực.”

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa là người dẫn đầu nỗ lực này. Ông nói:

“Tôi đã có cuộc thảo luận rất tích cực và thẳng thắn với vị tương nhiệm, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc tại đây, trong cùng tòa nhà này, để kêu gọi ông hãy quay lại với tiến trình ngoại giao. Tôi nghĩ con đường rõ ràng đang ở trước mắt chúng ta, chúng ta phải dồn nỗ lực để hoàn tất một bộ qui tắc ứng xử.”

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận về một bộ qui tắc ứng xử hồi tháng 7 vừa qua. Ông Justin Logan thuộc Viện nghiên cứu Cato ở Washington nói hội nghị thượng đỉnh APEC tuần này có lẽ sẽ không khá hơn.

Giải quyết vụ bế tắc càng trở nên phức tạp hơn vì tính cảnh giác của Trung Quốc về sự hiện diện hùng hậu hơn về kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ tại châu Á.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói:

“Chúng tôi lưu ý rằng Hoa Kỳ đã lặp lại nhiều lần rằng họ không có một vị thế nào trong vấn đề Biển Nam Trung Hoa. Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ có thể giữ lời hứa và có những hành động xây dựng thuận lợi cho hòa bình, ổn định, chứ đừng làm điều trái ngược.”

Trước hội nghị APEC, Ngoại trưởng Clinton đã có nỗ lực xoa dịu những căng thẳng với Trung Quốc.

Bà nói: “Chúng ta muốn thấy Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong vấn đề hàng hải và an ninh trên biển. Chúng ta muốn thấy Trung Quốc góp phần vào phát triển bền vững cho những người dân vùng Thái Bình Dương để bảo vệ môi trường quý báu, kể cả các đại dương.”

Các giới chức Mỹ trông đợi hội nghị thượng đỉnh APEC lần này sẽ hậu thuẫn nhu cầu cần có một bộ qui tắc ứng xử tại Biển Đông, để thiết lập những cơ chế nhằm giaỉ quyết các cuộc tranh chấp chủ quyền chồng chéo, để bộ quy tắc ứng xử được thiết đặt sẵn trước hội nghị thượng đỉnh Đông Á tổ chức tại Kampuchia vào tháng 11 năm nay.

VOA Express

XS
SM
MD
LG