Trong ngày thứ nhì của hội nghị Á Phi ở Jakarta, Ngoại trưởng Indonesia lên tiếng hô hào cho một quốc gia độc lập của người Palestine và hứa hội nghị cấp cao này sẽ đưa ra một thông điệp chính trị thống nhất. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA, cải thiện các mối quan hệ kinh tế là ưu tiên hàng đầu của nhiều đại biểu, nhất là các đại biểu Phi Châu, nơi công cuộc phát triển bị tụt hậu so với Á Châu.
Các vị bộ trưởng cấp cao của hơn 70 quốc gia Á Châu, Phi Châu và Trung Đông đã tụ họp ở Jakarta cho ngày thứ nhì của Hội nghị Á Phi.
Cuộc họp cấp cao kéo dài một tuần này nhắm tới việc hồi sinh các mối liên hệ giữa các nước đang phát triển, từng tụ họp ở Indonesia cách nay 60 năm tại Hội nghị Bangdung lịch sử.
Trong bài diễn văn khai mạc, Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi, nói rằng sự hỗ trợ cho các phong trào giành độc lập từ tay thực dân là yếu tố chính mang lại sự đoàn kết cho các nước đang phát triển vào năm 1955. Bà nói thêm rằng tại hội nghị năm nay, Indonesia muốn lấy sự độc lập của các phần đất của người Palestine đang bị Israel chiếm đóng làm một yếu tố đoàn kết tương tự.
Bà Marsudi nói: "Một vấn đề cũng xứng đáng cho sự hỗ trợ và chú ý của chúng ta là vấn đề của người Palestine. Indonesia tiếp tục giữ vững sự hậu thuẫn mạnh mẽ cho một nước Palestine độc lập trong khuôn khổ của giải pháp hai quốc gia."
Ngoại trưởng Palestine Riyad əl-Maliki cũng phát biểu tại hội nghị này vào hôm thứ Hai. Ông hối thúc các đại biểu xem xét tới một cuộc vận động mới để Palestine có tư cách hội viên đầy đủ tại Liên Hiệp Quốc và gia tăng áp lực kinh tế lên Israel.
Ông Maliki cho biết: "Chúng ta nên bắt đầu nói tới việc áp đặt các biện pháp chế tài Israel vì vi phạm luật pháp quốc tế và phủ nhận các quyền cơ bản của người Palestine."
Năm 2012, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã biểu quyết để dành cho Palestine qui chế Quốc gia Quan sát viên phi hội viên tại Liên Hiệp Quốc. Một đề nghị nhằm dành cho Palestine tư cách quốc gia sau đó đã không được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua.
Tuy có sự ủng hộ rộng rãi cho nền độc lập của Palestine tại hội nghị, những đại biểu của nhiều nước Phi Châu đến dự hội nghị với mục tiêu tìm kiếm những mối quan hệ tốt đẹp hơn về kinh tế. Cho tới giờ này, hội nghị đã nói khá nhiều tới sự hợp tác Nam-Nam và hợp tác Tam giác, là những sự hợp tác trong đó các nước đang trỗi dậy như Indonesia dành cho các nước kém phát triển sự trợ giúp trực tiếp hoặc sự trợ giúp với nguồn tài trợ của các nước phát triển. Tuy nhiên, có rất ít chi tiết cụ thể được loan báo về những loại chương trình mà họ muốn thực hiện và vấn đề kinh phí như thế nào.
Ông Samori Ang’wa Okwiya, Đại sứ Kenya tại Indonesia, Philippines và Brunei, cho biết các chi tiết sẽ được loan báo trong tuần này.
Ông Okwiya nói: "Chúng tôi đang xét tới những lãnh vực quan tâm rất mới. Tôi không thể thật sự nói tới những vấn đề chi tiết vào lúc này nhưng tôi tin chắc là vào lúc kết thúc hội nghị thượng đỉnh chúng tôi sẽ có thể đưa ra những nghị quyết rất cụ thể, những nghị quyết sẽ ảnh hưởng tới công cuộc hợp tác giữa Á Châu và Phi Châu."
Một số đại biểu cho rằng các cuộc đàm phán song phương bên lề hội nghị cũng quan trọng không khác gì hội nghị chính trong việc đúc kết những thoả thuận thương mại và phát triển giữa các nước Á Châu và Phi Châu.
Ông Berhane Gebre-Christos, một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Ethiopia, bày tỏ sự lạc quan sau cuộc họp với nhân vật tương nhiệm phía Indonesia.
Ông Gebre-Christos cho biết: "Chúng tôi đang bàn thảo các chi tiết, nhưng có những tiềm năng vô cùng to lớn trong lãnh vực nông nghiệp, trong các dự án đầu tư cần nhiều lao động như dệt may, dầu lửa và nhiều thứ khác nữa."
Theo lịch trình, các vị nguyên thủ của Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Phi, Ethiopia và Pakistan sẽ đọc diễn văn tại hội nghị này vào ngày mai. Và đến ngày thứ 6, một số vị nguyên thủ quốc gia sẽ tới Bandung để diễn lại một phần của chương trình của hội nghị đầu tiên cách nay 60 năm.