Đường dẫn truy cập

Hội nghị thượng đỉnh EU-Hoa Kỳ bàn về Ukraine và năng lượng


Tổng thống Obama phát biểu trước báo giới tại tòa nhà Hội đồng châu Âu, Brussels, 26/4/2014.
Tổng thống Obama phát biểu trước báo giới tại tòa nhà Hội đồng châu Âu, Brussels, 26/4/2014.
Tổng thống Obama tiếp tục các nỗ lực xây dựng sự ủng hộ của các nước đồng minh Châu Âu chống lại việc Nga chiếm vùng Crimea của Ukraine. Tại hội nghị thượng đỉnh với Liên hiệp châu Âu EU đầu tiên của ông ở Brussels, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine nêu bật nhu cầu của châu Âu đa dạng hóa nguồn năng lượng của họ.

Chuyến đi tới trung tâm của châu Âu này diễn ra tại một thời điểm quan trọng khi Hoa Kỳ dẫn đầu những nỗ lực trong việc cô lập Nga với sự cố gắng ngăn chặn quân đội Nga tiến sâu hơn vào Ukraine – hay các quốc gia khác trong vùng.

Ông Obama nêu lên một điểm để chứng tỏ rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ với châu Âu là sâu đậm.

Tổng thống Hoa Kỳ bắt đầu ngày làm việc của ông tại Bỉ với chuyến viếng thăm Flanders Field ở bên ngoài Brussels và đặt vòng hoa tại một nghĩa trang nơi an táng hơn 1.000 binh sĩ Hoa Kỳ thiệt mạng trong Thế Chiến Thứ Nhất.

Tiếp sau đó, tổng thống Obama đã tới tham dự cuộc họp trong bữa ăn trưa với các nhà lãnh đạo Châu Âu mà các giới chức nói là có mục đích tái xác nhận quan hệ hợp tác Hoa Kỳ-Châu Âu.

Hai bên đã thảo luận về việc siết chặt các biện pháp trừng phạt nếu Nga xâm lấn thêm vào Ukraine hay các nước láng giềng khác và về sự phụ thuộc của châu Âu vào dầu hỏa và khí đốt của Nga.

Tại một cuộc họp báo chung với các nhà lãnh đạo Hội đồng châu Âu, ông Obama nói rằng sự lệ thuộc đó là một yếu điểm mà các nhà lãnh đạo châu Âu cần xem xét tới:

“Rõ ràng năng lượng là trọng tâm chính trong những nỗ lực của chúng ta và chúng ta cần xem xét tới nó một cách mạnh mẽ. Tôi nghĩ rằng toàn bộ sự kiện này đã hướng tới nhu cầu của châu Âu trong việc xem xét tới làm cách nào để có thể đa dạng hóa nguồn năng lượng của họ.”

Cũng ở trong nghị trình ngày thứ Tư là một cuộc họp với người đứng đầu liên minh NATO. Ông Obama nói rằng, ông sẽ bảo đảm với các nước đồng minh NATO về điều ông gọi là sự ủng hộ không lay chuyển được của Hoa Kỳ và ý định giữ đúng cam kết là bảo vệ các nước thành viên của NATO.

Trước đó, ông Obama đã tham dự một hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân ở The Hague, Hà Lan, nơi vấn đề Ukraine cũng bao trùm nghị trình. Tại đó, Tổng thống Hoa Kỳ đã đưa ra lời cảnh báo về các bước tiến của Nga trong vùng. Ông tuyên bố phản lại rằng Nga là kẻ thù số một của Hoa Kỳ, gọi Moscow là một cường quốc cấp vùng xâm lấn Crimea không phải là một dấu hiệu của sức mạnh mà là dấu hiệu của sự yếu đuối.

Nhưng cùng lúc, có những dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thận trọng không leo thang căng thẳng với Nga.

Khi được hỏi về khả năng mở rộng thành viên của NATO cho Ukraine và các nước khác trong vùng, Tổng thống Obama nói rằng đó không phải là một chọn lựa vào lúc này.

“Theo bối cảnh hiện giờ, Nga ít nhất đã gợi ý rằng một trong những lý do khiến họ quan tâm tới Ukraine là nước này có tiềm năng trở thành một thành viên của NATO. Mặt khác, một phần lý do mà Ukraine chưa chính thức xin gia nhập NATO là vì quan hệ phức tạp của họ với Nga. Tôi nghĩ rằng rõ ràng là điều đó sẽ không thay đổi trong nay mai."

Tổng thống Obama dự trù sẽ đọc một bài diễn văn về chính sách tại Trung tâm Mỹ Nghệ của Brussels.

Tại chặng dừng chân trước ở The Hague, Tổng thống Hoa Kỳ cũng nói về một vấn đề quốc nội: những nỗ lực của ông chấm dứt hoạt động của chính phủ Mỹ trong việc lưu trữ hồ sơ điện thoại và thay vì đó, sẽ yêu cầu các công ty viễn thông thực hiện việc đó. Ông Obama hy vọng hành động này sẽ giúp phục hồi uy tín của Mỹ.

Việc theo dõi điện thoại của Hoa Kỳ là một vấn đề nhạy cảm tại châu Âu, sau những tiết lộ hồi năm ngoái về việc Hoa Kỳ ghi lén các cuộc điện đàm của các nhà lãnh đạo đồng minh trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, người cũng có mặt tại hội nghị với Tổng thống Obama trong tuần này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG