Nhân quyền của người di dân và người tị nạn sẽ nằm cao trong nghị trình thảo luận của phiên họp sắp tới của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Lisa Schlein tại Geneve, phiên họp thường ký lần thứ 30 của Hội đồng sẽ khai mạc vào ngày thứ hai tuần sau và sẽ kéo dài cho tới ngày 2 tháng 10.
Cao uỷ trưởng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Ra’ad al Hussein, sẽ khai mạc phiên họp 3 tuần với báo cáo về những vụ khủng hoảng và tình hình nhân quyền hiện nay trên khắp thế giới. Đại sứ Đức và là Chủ tịch Hội đồng, ông Joachim Ruecker, cho biết tình hình di dân và tị nạn ở Châu Âu và những nơi khác sẽ là một trọng tâm chính của bài diễn văn đó.
"Vấn đề di dân và tị nạn là một thách thức lớn đối với tất cả mọi người chúng ta, không chỉ đối với những nước phát xuất mà còn đối với những nước trung chuyển và những nước điểm đích. Đây là một tình huống mà chúng ta phải tìm cách giải quyết bằng cách xem xét tới những nguyên nhân gốc rễ của những sự chuyển dịch này. Và nhân quyền là vô cùng quan trọng trong tất cả mọi khía cạnh của vụ khủng hoảng này."
Ông Ruecker nói vấn đề thiếu tôn trọng nhân quyền thường là nguyên do chính của vấn nạn di dân. Ông cho rằng các quyền dân sự và chính trị của người dân không được tôn trọng làm cho người dân bỏ nước ra đi.
Hội đồng gồm 47 nước thành viên sẽ đối mặt với một nghị trình rất khó khăn về những vụ vi phạm nhân quyền trên thế giới. Các chuyên gia nhân quyền sẽ trình bày những bản phúc trình về các vấn đề như bắt người tuỳ tiện, cưỡng bức mất tích và tra tấn.
Tình hình của 30 quốc gia sẽ được nêu bật, trong đó có những báo cáo điều tra về tình hình nhân quyền Syria và Ukraine. Hội đồng sẽ mở một cuộc thảo luận về nhân quyền Bắc Triều Tiên với một trọng tâm là vấn đề bắt cóc người nước ngoài.
Một phái đoàn cấp cao của chính phủ Sri Lanka sẽ tới Geneve trước khi Hội đồng Nhân quyền công bố một bản phúc trình rất quan trọng về những tội ác chiến tranh đã phạm trong cuộc nội chiến 30 năm ở quốc gia Nam Á này. Vị tổng thống trước đây của Sri Lanka đã không điều tra những cáo giác về những sự vi phạm của chính phủ và phiến quân Tamil trong những ngày cuối của cuộc chiến, do đó, Hội đồng Nhân quyền hồi năm ngoái đã quyết định tiến hành cuộc điều tra của chính họ.
Phúc trình này sẽ được trình bày vào phần sau của phiên họp. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Sri Lanka, ông Mangala Samaraweera, sẽ đọc diễn văn trước Hội đồng trong ngày khai mạc. Vào cuối phiên họp, 47 nước thành viên, theo dự liệu, sẽ biểu quyết về một nghị quyết do Mỹ đồng bảo trợ về thảm kịch nhân quyền chưa được giải quyết này.