Số người Afghanistan bỏ nước ra đi trong thời gian gần đây đã gia tăng một cách nhanh chóng, trong đó có nhiều người muốn tới các nước Châu Âu để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Theo tường thuật của thông tín viên Hasib Danish Alikozai của đài VOA, quốc gia Nam Á này đang đối mặt với vấn nạn chảy máu chất xám, có lẽ còn nghiêm trọng hơn nạn khủng bố.
Mỗi ngày có khoảng 7.000 người Afghanistan nộp đơn xin hộ chiếu.
Người dân ở quốc gia Nam Á này không xin cấp hộ chiếu nếu không có ý định du hành ra nước ngoài, vì họ không dùng hộ chiếu như giấy tờ tuỳ thân khi ở trong nước.
Điều này có nghĩa là mỗi tháng hơn 200.000 người Afghanistan định ra nước ngoài – một sự gia tăng mạnh mẽ và đột ngột.
Tướng Sayed Omar Saboori, người đứng đầu cơ quan cấp phát hộ chiếu Afghanistan, cho đài VOA biết rằng văn phòng chính của cơ quan ông cùng với các văn phòng ở các tỉnh chỉ có khả năng để cấp phát 2.500 hộ chiếu mỗi ngày.
Ông nói “Hệ thống của chúng tôi được thiết kế để cấp 1.000 hộ chiếu mỗi ngày trên cả nước, nhưng trong vài tháng nay, vì sự gia tăng của nhu cầu, nên chúng tôi phải làm việc cả hai ca. Hàng ngàn người nộp đơn phải chờ đợi và chúng tôi chỉ có thể làm tới như vậy để đáp ứng nhu cầu mỗi ngày một tăng.”
Một chuyến đi nguy hiểm tới Châu Âu
Hiện nay, người Afghanistan là nhóm người đông hàng thứ nhì, sau người Syria, đang chờ đợi tại các vùng duyên hải Châu Âu với hy vọng có được một cuộc sống mới ở châu lục mới.
Hầu hết những người này đã thực hiện những chuyến đi đầy gian nan và nguy hiểm để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn ở Châu Âu.
Ông Babar Baluch, nhân viên của Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc đang làm việc ở Hungary, cho đài VOA biết rằng chỉ riêng trong năm nay đã có tới 140.000 người xin tị nạn ở Hungary và trong số đó có tới 40.000 người Afghanistan.
Ông Baluch mô tả những chuyến đi của người tị nạn là cực kỳ nguy hiểm. “Họ đi trên những chiếc thuyền rất dễ bị lật vì chở quá đông người. Nhiều chiếc thuyền đã bị lật, làm cho vô số người mất mạng trên biển.”
Ông Zalmai Rasooli, một người đang sống trong tỉnh Parwan ở miền bắc Afghanistan, thuật lại như sau về chuyến vượt biên của ông.
“Hai năm trước đây, tôi quyết định bỏ nước ra đi để tới định cư ở Châu Âu. Tôi đi qua ngã Iran và Thổ Nhĩ Kỳ và đã tới Hy Lạp sau nhiều tháng với những chuyến đi đầy gian khổ. Tôi bị bắt ở biên giới Hy Lạp và bị trục xuất về Afghanistan.”
Ông Rasooli cho biết ông đã nhìn thấy một chiếc thuyền bị lật và 40 người tị nạn trên chiếc tàu đó chắc chắn là không có ai có thể sống sót. Nhưng sự nguy hiểm đó không làm cho ông chùn bước. Ông nói định bỏ nước ra đi trong nay mai, vì ở đây ông không có tương lai.
Giới trẻ thất vọng
Thứ hai vừa qua, hàng ngàn người Afghanistan đã xuống đường ở thủ đô Kabul để bày tỏ sự bất mãn về việc nạn thất nghiệp mỗi lúc một nghiêm trọng hơn. Họ than phiền về việc không có cơ hội để tìm ra công ăn việc làm và cảnh báo về điều mà họ gọi là “một cuộc ra đi ồ ạt” nếu chính phủ không giải quyết vấn đề.
Một người biểu tình tên Sharif nói “Nếu vấn đề thất nghiệp không được giải quyết, thì chẳng bao lâu nữa thành phố Kabul này sẽ không còn một ai.”
Hơn 60% dân số Afghanistan là những người trong độ tuổi từ 18 đến 25, làm cho nước này trở thành một trong những nước trẻ nhất thế giới.
Chính phủ Afghanistan thừa nhận tính chất nghiêm trọng của vấn đề thất nghiệp. Phát ngôn viên Bộ Lao động và Xã hội, ông Ali Eftekhari, cho đài VOA biết rằng chính phủ đang tiến hành những dự án ngắn hạn và dài hạn để tìm cách giải quyết vấn đề thất nghiệp. Ông nói “Trong dài hạn, chúng tôi sẽ mang lại cơ hội tìm ra công ăn việc làm trong dài hạn cho người dân qua việc xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế ở trong nước, nhưng trong ngắn hạn, chúng tôi đang thảo luận một số nước Ả Rập đang cần lao động.”
Cơ hội cho những người có học thức
Ông Hanif Sufizada tốt nghiệp từ Trường Sự vụ Công cộng của Đại học Cornell với học bổng Fullbright. Ông cho rằng Afghanistan là nơi có nhiều cơ hội.
“Sau khi tốt nghiệp ngành hành chánh công từ Đại học Cornell, tôi trở về Afghanistan để phục vụ trong một chính phủ đoàn kết quốc gia mới được thành lập, bởi vì có rất nhiều cơ hội để tìm việc làm trong lãnh vực chuyên môn của tôi,” ông nói.
Ông Sufizada nằm trong số 450 người nhận học bổng Fullbright để tới Mỹ du học. Vì cảm thấy bi quan về tương lai của đất nước, một số người quyết định ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp. Những người khác đã về nước và phục vụ trong nhiều cơ quan khác nhau của chính phủ Afghanistan.
Tuy có vấn nạn lớn về vấn đề của giới trẻ, hàng vạn người đang được tuyển dụng bởi chính phủ Afghanistan và các tổ chức quốc tế.
Trong 14 năm qua, hàng vạn thanh niên Afghanistan đã ra nước ngoài du học, và đồng thời, hàng vạn thanh niên khác đã tốt nghiệp từ các đại học trong nước. Khối người này sẽ là một nguồn lực hết sức quí báu cho nền kinh tế của Afghanistan nếu họ có được cơ hội.
Một xã hội trẻ có thể là một con dao hai lưỡi. Khi có công ăn việc làm, người trẻ đóng góp cho nền kinh tế đất nước; nhưng khi thất nghiệp, những người này trở thành một yếu tố gây bất ổn. Một trong những người biểu tình ở Kabul hôm thứ hai nói “Nạn thất nghiệp làm cho thanh niên Afghanistan gia nhập hàng ngũ phe nổi dậy hoặc sử dụng ma tuý.”